(VnMedia) - Phiên toà xét xử vụ 4 công an xã đánh chết người bất ngờ hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung với lý do quá trình điều tra vụ án này đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng...
4 cựu công an xã tại phiên xét xử sáng ngày 8/5
Sáng 8/5, TAND Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xử 4 công an xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội) đánh chết người tại trụ sở.
Các bị cáo Hoàng Ngọc Tuyên (SN 1980, nguyên Phó công an xã Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội), Nguyễn Trọng Kiên (SN 1991), Đoàn Văn Tuyến (SN 1983) và Hoàng Ngọc Thức (SN 1988) cùng hầu tòa về tội "Giết người".
Tại phiên xét xử, trong khi được xét hỏi, các bị cáo lần lượt cho biết, trong quá trình cơ quan điều tra lấy lời khai không lần nào có sự hiện diện của luật sư bào chữa cho quyền lợi của mình. Điều này có dấu hiệu vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra vụ án.
Theo Chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Lê Thị Hợp, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng và cả 4 bị cáo đều bị truy tố về tội Giết người với khung hình phạt cao nhất là tử hình, vì vậy bắt buộc trong suốt quá trình điều tra, lấy lời khai phải có ít nhất một lần có luật sư đại diện cho quyền lợi của các bị cáo tham dự, chứng kiến để đảm bảo tính khách quan.
Mặc dù vậy, hồ sơ tài liệu cơ quan điều tra cung cấp đều có chữ ký của luật sư tại một bản khai nhưng tại tòa cả 4 bị cáo đều khẳng định và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không hề có một luật sư nào đại diện quyền lợi hợp pháp cho mình được mời tham dự.
Sau khi Hội đồng xét xử hội ý, Chủ tọa phiên toà kết luận, với lời khai của 4 bị cáo đã đủ cơ sở cho thấy quá trình điều tra vụ án này đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng theo Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Chính vì thế, Hội đồng xét xử quyết định hoãn xét xử, trả hồ điều tra bổ sung và yêu cầu làm rõ lời khai các bị cáo.
Luật sư Lê Đình Sen (Đoàn luật sư Hà Nội), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại cũng cho rằng, cần phải làm rõ việc bản cung lấy lời khai của các bị cáo đều có chữ ký của luật sư.
Theo ông Sen, với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng như thế này, nếu gia đình bị cáo không mời luật sư thì để đảm bảo khách quan, cơ quan điều tra phải chỉ định luật sư bảo vệ cho các bị can ngay từ đầu.
"Đây là vụ án rất nghiêm trọng nhưng lại vi phạm quy định này thì những cán bộ điều tra phải chịu trách nhiệm kỷ luật" - luật sư Sen nói.
Cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát nêu rõ, khoảng 12h30 ngày 30/8/2012, công an xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội) nhận được trình báo về việc bà Đoàn Thị Bút (56 tuổi) bị ông Nguyễn Mậu Thuận (56 tuổi) dùng gạch đánh gây thương tích phải đi cấp cứu.
Sau khi tiếp nhận đơn, ông Nguyễn Đức Vọng (60 tuổi, trưởng công an xã Kim Nỗ) đã chỉ đạo các công an viên đến hiện trường giải quyết vụ việc.
Khi công an yêu cầu ông Thuận về UBND xã, ông Thuận hỏi giấy triệu tập. Vận động hồi lâu, ông Thuận đồng ý đi.
Sau khi đến trụ sở Công an xã, ông Vọng trưởng Công an đã ra lệnh còng tay ông Thuận đưa vào phòng bắt viết kiểm điểm và giao cho phó công an xã là Hoàng Ngọc Tuyên xử lý vụ việc.
Tại phòng làm việc của mình, Tuyên hỏi ông Thuận về việc đánh người thế nào nhưng ông Thuận không nhận nên Tuyên tát ông Thuận. Thấy vậy, Nguyễn Trọng Kiên đứng đấy lấy dùi cui cao su đưa cho Tuyên rồi cả hai thay phiên nhau vừa bắt ông Thuận khai nhận vừa đánh vào đùi ông Thuận.
Đến 15 giờ, Hoàng Ngọc Thức và Đoàn Văn Tuyến cũng là hai công an viên vừa đi về và đi thẳng vào phòng nơi ông Thuận bị khóa ngồi trên ghế. Do ông Thuận không khai nhận và chửi bới nên Kiên dùng chuôi dùi cui thúc mạnh vào ngực ông Thuận làm ông Thuận ngã ngửa ra phía sau, chiếc ghế gỗ bị gãy vai ghế.
Thấy vậy Tuyên hô Tuyến, Kiên, Thức khóa ông Thuận vào một chiếc ghế khác đồng thời khóa cả hai chân, hai tay ông Thuận vào ghế. Sau đó Tuyên phân công Tuyến đứng phía sau giữ ghế ông Thuận ngồi, Thức đứng bên cạnh quan sát nếu có người đi qua thì báo cho Tuyên biết rồi Tuyên, Kiên vừa hỏi vừa dùng dùi cui đánh mạnh vào hai bên đùi ông Thuận và dùng bút bi kẹp vào khe các ngón tay của ông Thuận bóp mạnh.
Đến khoảng 16 giờ, Tuyên gọi điện cho ông Vọng báo cáo ông Thuận say rượu không làm việc được. Đến nơi kiểm tra, thấy ông Thuận bị khóa hai chân hai tay vào ghế nên ông Vọng ra lệnh đưa ông Thuận lên giường nằm và gọi người đến cấp cứu.
Tuy nhiên, khi cán bộ y tế xã đến cấp cứu thì người ông Thuận đã không còn hơi ấm, không đo được các chỉ số sinh tồn nữa. Liền đó, ông Thuận được đưa đến bệnh viện Đông Anh cấp cứu, nhưng do thương tích quá nặng nên đã tử vong sau đó.
Giám định pháp y kết luận nạn nhân bị thương tích tụ máu lên hai đùi, mu bàn tay, ngực, gãy xương sườn số 5,6,7 bên phải dẫn đến cái chết do suy hô hấp trên cơ sở nạn nhân có bệnh mạch vành thiếu máu cơ tim, bệnh xơ vòng giai đoạn phát triển...
Ý kiến bạn đọc