(VnMedia) - Liên quan đến vụ công an đánh chết dân, TAND TP Tuy Hòa đã tuyên phạt các bị cáo từ 1 năm 3 tháng tù cho hưởng án treo đến 5 năm tù giam về tội dùng nhục hình. Câu hỏi đặt ra, việc tuyên tội danh đối với các bị cáo có đúng hay không?
Gia đình anh Ngô Thanh Kiều tại tòa. Ảnh: Người lao động
Chiều 3/4, sau 4 ngày xét xử sơ thẩm, TAND TP Tuy Hòa (Phú Yên) đã tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Thân Thảo Thành 5 năm tù giam; Nguyễn Minh Quyền 2 năm tù giam, Phạm Ngọc Mẫn 18 tháng tù giam. Hai bị cáo còn lại là Nguyễn Tấn Quang bị tuyên phạt 15 tháng, Đỗ Như Huy 1 năm tù và đều cho hưởng án treo.
Tòa án TP Tuy Hò xác định 5 bị cáo đều là cựu cán bộ công an tỉnh Phú Yên và TP Tuy Hòa, phạm tội dùng nhục hình dẫn đến cái chết của nghi can Ngô Thanh Kiều.
Sau khi kết thúc phiên tòa, nhiều người đã có phản ứng không đồng tình với phán quyết của Tòa án nhân dân TP Tuy Hòa. Vậy việc Tòa án tuyên các bị cáo dùng nhục hình dẫn đến cái chết của anh Ngô Thanh Kiều có phù hợp với quy định của pháp luật?
Để hiểu rõ thêm về câu hỏi trên, VnMedia đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm (VP Luật sư Nguyễn Anh - Đoàn Luật sư Hà Nội)
Thưa luật sư, vụ án 5 công an dùng nhục hình đã được TAND TP Tuy Hòa đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt các bị cáo về tội dùng nhục hình theo điều 298 BLHS là có phù hợp với qui định của pháp luật hay không?
Vừa qua TAND TP Tuy Hòa đã tuyên án vụ 5 công an đánh chết anh Ngô Thanh Kiều. Tòa xác định trong thời gian canh giữ, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành đã dùng dùi cui cao su đánh vào đầu anh Kiều gây chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong. Bốn bị cáo còn lại đánh anh Kiều trong khoảng thời gian từ 8h đến 12h30 ngày 15/5/2012, gây chấn thương phần mềm. Tòa tuyên bố năm Bị cáo phạm tội dùng nhục hình.
Trước tiên, chúng ta phải làm rõ cấu thành tội phạm của “Tội dùng nhục hình” để làm căn cứ xử lý hành vi của 5 Bị cáo thuộc phạm vi điều chỉnh của điều luật nào trong BLHS:
Mặt khách thể của tội phạm: Đây là loại tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Khách thể bị xâm hại là các quan hệ xã hội trong lĩnh vực hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nhằm đảm bảo cho các cơ quan này thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.
Các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp không chỉ xâm phạm đến sự hoạt động đúng dắn của các cơ quan tư pháp, gây tác động trực tiếp đến uy tín cũng như việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp mà còn xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân. Mặt chủ quan của tội phạm: được thực hiện với lỗ cố ý.
Đối chiếu với diễn biến vụ việc, hậu quả anh Kiều bị chết do chấn thương sọ não trên người có nhiều chấn thương (72 vết) là do tác động của ngoại lực trong thời gian bị bắt giữ tại Trụ sở Công an TP Tuy Hòa.
Khách thể bị xâm hại trong trường hợp này là tính mạng của anh Kiều (đã chết) thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Chương XXII Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Chương XII Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người trong BLHS.
Do đó, Điều 298, Bộ luật hình sự: Tội dùng hình, các nhà làm luật chỉ áp dụng trong trường hợp hậu quả làm nạn nhân bị thương tích dưới 11% không có hậu quả chết người. Nếu gây hậu quả làm nạn nhân bị thương tích trên 11% hoặc bị tử vong thì sẽ bị xử lý tương ứng về tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người.
Về nguyên tắc, khi các cơ quan tố tụng định tội danh cho Bị can thì phải xác định khách thể xâm hại cao nhất. Cụ thể trong vụ án này phải là tính mạng, sức khỏe con người.
Như vậy, về mặt lý luận tội phạm, các cơ quan tố tụng ở TP Tuy Hòa đã xác định không đúng khách thể của tội dùng nhục hình, dẫn tới áp dụng sai điều luật. Nghĩa là, các cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa đã xác định khách thể xâm hại nhỏ nhất trước tiên đó là Tội dùng nhục hình (xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan tư pháp, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức).
Dù cho 5 bị cáo là Công an, là chủ thể đặc biệt (người thi hành công vụ) nhưng sử dụng công cụ, phương tiện trái pháp luật đánh đập nạn nhân và coi thường tính mạng của người khác dẫn đến hậu quả gây thương tích trên 11% hoặc chết người thì phải chịu trách nhiệm tương ứng với hậu quả gây ra mà không cần thiết phải xem xét đến đối tượng là chủ thể để xử lý.
Thực tế, trong thời gian qua, Luật sư đã tham gia bào chữa nhiều vụ án mà Tòa án đưa ra xét xử về tội Giết người do các bị cáo là Công an đánh nạn nhân bị tử vong tại trụ sở .
Nếu hành vi vi phạm pháp luật của 5 bị cáo không thuộc phạm vi điều chỉnh của tội dùng nhục hình thì sẽ phạm tội gì?
Quá trình điều tra đã xác định nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị đánh trong quá trình tạm giữ do 5 bị cáo gây ra thì theo quan điểm của Luật sư đó là hành vi không được pháp luật cho phép, thể hiện sự coi thường tính mạng người khác trong khi thi hành công vụ. Hậu quả chết người xảy ra thì các bị cáo phải chịu trách nhiệm chung về tội Giết người được qui định tại Điều 93 BLHS.
Qua diễn biến tại phiên tòa mà báo chí đưa tin, các bị cáo đều không thừa nhận ai là người trực tiếp đánh nạn nhân gây chấn thương sọ não, là nguyên nhân chính dẫn tới nạn nhân bị tử vong. Các Bị cáo đều chỉ thừa nhận có đánh vào chân, tay nạn nhân trong quá trình từ khi nạn nhân bị bắt giữ tại Trụ sở đến khi bị tử vong.
Theo quan điểm của luật sư, tại phiên tòa, các bị cáo khai không biết ai là người trực tiếp đánh nạn nhân vào vùng đầu gây tử vong do chấn thương sọ não thì Hội đồng xét xử có thể tách hành vi người chủ mưu đánh gây chấn thương sọ não nạn nhân và kiến nghị CQĐT điều tra xử lý sau khi có đủ căn cứ. Nhưng với hành vi cùng tác động đánh nạn nhân vào chân, tay mà sau đó nạn nhân bị tử vong trong thời gian bị bắt giữ thì phải chịu trách nhiệm chung về hậu quả xảy ra với vai trò đồng phạm.
Thưa luật sư, sau khi phiên tòa kết túc, gia đình bị hại đã có phản ứng không đồng tình với phán quyết của Tòa án nhân dân TP Tuy Hòa thì họ cần phải làm gì để có thể bảo vệ quyền lợi theo qui định của pháp luật?
Nếu đại diện hợp pháp cho người bị hại không đồng tình với tội danh và hình phạt mà cấp sơ thẩm đã quyết định thì theo qui định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa tuyên án có quyền kháng cáo lên Tòa phúc thẩm TAND Tỉnh để xem xét giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm.
Nếu tại phiên tòa cấp phúc thẩm, Tòa án xét thấy cấp sơ thẩm áp dụng tội danh của các Bị cáo là không đúng qui định của pháp luật thì có quyền hủy bản án để điều tra, xét xử lại.
Mặt khác, gia đình bị hại có thể Kiến nghị lên các cơ quan tố tụng ở Trung ương (Bộ Công An, VKSND Tối Cao, TAND Tối Cao) xem xét vụ việc theo qui định của pháp luật.
Ý kiến bạn đọc