Vụ buôn lậu thiết bị y tế “rác” đầu tiên bị xử hình sự

07:40, 19/04/2014
|

(VnMedia) - Chiều ngày 18/4, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ buôn lậu thiết bị y tế cũ nát do công ty TNHH kỹ thuật thiết bị y tế Bảo Trân (địa chỉ số 19 và 180/2 đường Trần Duy Hưng, Hà Nội) nhập về. Vụ án được khởi tố theo điều 153 Bộ luật Hình sự.

>>> Nhức nhối tình trạng buôn lậu thiết bị y tế cũ nát

Quyết định này được đưa ra căn cứ vào đề xuất của Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan. Đây là lần đầu tiên một vụ buôn lậu thiết bị y tế cũ nát được xử lý hình sự.

Ngày 16/12/2013, Đội Kiểm soát chống buôn lậu, khu vực miền Bắc (Đội 1), Cục Điều tra  chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã triệt phá đường dây chuyên nhập khẩu thiết bị y tế đã qua sử dụng của Công ty TNHH Kĩ thuật thiết bị y tế Bảo Trân (Công ty Bảo Trân), ở số 19, 180/2, đường Trần Duy Hưng, Hà Nội.

Theo kết quả giám định, toàn bộ lô thiết bị y tế nhập khẩu gồm: Máy scan phim được sản xuất vào tháng 9/2000, máy in phim khô, máy nội soi và các thiết bị đi kèm có xuất xứ Nhật Bản, số hàng trên đều đã qua sử dụng.

Ảnh minh họa

                                        Các thiết bị y tế nhập lậu đang được kiểm tra

Một cán bộ Đội Kiểm soát chống buôn lậu miền Bắc cho biết, qua nguồn tin trinh sát phát hiện Công ty Bảo Trân chuyên nhập khẩu thiết bị y tế đã qua sử dụng về VN, các trinh sát đã lên kế hoạch triệt phá.

Để đối phó với cơ quan chức năng, công ty này đưa hàng về VN bằng đường hàng không qua cửa khẩu Nội Bài từ tháng 8/2013, mãi tới ngày 11/11/ 2013 mới mở tờ khai, nhưng cũng không tới nhận hàng.

Đến ngày 16/12/2013, ông Nguyễn Văn Tưởng (Phó giám đốc Công ty Bảo Trân) xuất hiện nhận lô hàng vận chuyển về Hà Nội thì bắt giữ trên đường vận chuyển.

Theo nguồn tin của PV VnMedia, hiện tại Cục điều tra chống buôn lậu đang đề xuất khởi tố 3 vụ việc liên quan đến nhập khẩu thiết bị y tế cũ nát.

Điều 153 - Bộ luật hình sự quy định về việc xử lý Tội buôn lậu như sau: Người nào buôn bán trái phép qua biên giới các mặt hàng cấm theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến 20 năm tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Thậm chí, nặng hơn có thể phạt tù từ 20 năm đến chung thân hoặc tử hình đối với trường hợp vật phạm pháp có giá trị từ một tỷ đồng trở lên; Thu lợi bất chính đặc biệt lớn; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. 


Anh Đào

Ý kiến bạn đọc