Vì sao nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt bị khởi tố?

09:22, 24/04/2014
|

(VnMedia)- Ngày 21/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và khám xét đối với 3 bị can nguyên là cán bộ Tập đoàn Bảo Việt về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Ba bị can gồm: Trần Trọng Phúc (53 tuổi) - nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt, kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt; Tạ Văn Cần (52 tuổi) - nguyên phó Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt; Trần Minh Thái (39 tuổi) - nguyên Kế toán chuyên quản Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt.

Được biết, trước thời điểm bị khởi tố về tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", ông Trần Trọng Phúc mới làm Tổng giám đốc của Tập đoàn Bảo Việt 1 năm. Ngày 31/3/2014, Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Bảo Việt đã ra quyết định để ông Trần Trọng Phúc thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc. Đồng thời, Tập đoàn Bảo Việt cũng tạm thời bổ nhiệm ông Dương Đức Chuyển, 51 tuổi là Thành viên HĐQT, Giám đốc Khối đầu tư của Tập đoàn lên giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn cho đến khi HĐQT có quyết định mới. Ít lâu sau khi nhận quyết định thôi chức, ông Trần Trọng Phúc nhận quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Đến thời điểm này, mọi việc liên quan đến ba bị can bị khởi tố nói trên đang được tiếp tục tiến hành làm rõ.

Đang hoàn tất kết luận thanh tra tại Tập đoàn Bảo Việt

Theo tìm hiểu, cuối năm 2010, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành kết luận thanh tra về việc sử dụng vốn tại Tập đoàn Bảo Việt. Qua thanh tra cho thấy, Tập đoàn Bảo Việt cùng các đơn vị thành viên mắc những sai sót trong cho vay, ủy thác cho vay và cả hoạt động bảo hiểm.

Ảnh minh họa

Trụ sở Tập đoàn Bảo Việt tại Hà Nội.

TTCP đánh giá, Tổng Cty Bảo hiểm Bảo Việt (thuộc Tập đoàn Bảo Việt) và các đơn vị đã thiếu chặt chẽ trong quản lý tài sản đảm bảo khoản vay nợ, chậm thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ vay, khiến nhiều khoản nợ rơi vào tình trạng thả gà ra đuổi như khoản nợ 4,6 tỷ đồng (gồm cả lãi) cho Cty TNHH Dòng Sông Xanh vay từ năm 1999, nay phải khởi kiện ra tòa; khoản tiền 3 triệu USD ủy thác cho Cty TNHH Đèn hình Orion Hanel vay, đến lúc thanh tra vẫn còn hơn 2 triệu USD chưa đòi được, trong khi Cty này đã nộp đơn xin phá sản.

Kiểm tra xác suất một số hồ sơ bồi thường bảo hiểm tại một số Cty bảo hiểm trực thuộc Tổng Cty Bảo hiểm Bảo Việt cho thấy, nhiều hồ sơ được bồi thường trái nguyên tắc. Đơn cử: Kiểm tra 11 hồ sơ bồi thường bảo hiểm hàng hóa cho Cty Thương mại XNK Thanh Lễ (Bình Dương) và 2 hồ sơ bảo hiểm hàng hóa cho Cty TNHH Vedan Việt Nam (Đồng Nai) phát hiện có việc sửa đổi bổ sung đơn bảo hiểm về tên tàu vận chuyển, số vận đơn, số lượng hàng, giá cả được thực hiện khi việc bốc dỡ lên tàu đã hoàn thành. Hoặc Cty Bảo Minh còn cấp đơn bảo hiểm cho Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh sau ngày xảy ra tổn thất, phí bảo hiểm đơn vị mua còn chưa nộp.

Ngoài những sai sót trên, TTCP còn yêu cầu Tổng Cty Bảo hiểm Bảo Việt và các đơn vị thành viên chấn chỉnh ngay những khuyết điểm khác về thủ tục, trình tự thực hiện bồi thường bảo hiểm...

Qua kiểm tra hoạt động đầu tư tài chính, TTCP phát hiện, từ năm 2007 – 2009, Tập đoàn Bảo Việt và các đơn vị thành viên mua 680 tỷ đồng trái phiếu của Tập đoàn Vinashin (bao gồm cả số trái phiếu Cty TNHH Quản lý quỹ Bảo Việt mua theo ủy thác của quỹ BVF1). Trong đó, giá trị mệnh giá trái phiếu đáo hạn trong các năm 2012, 2013 là 200 tỷ đồng; trái phiếu đáo hạn trong năm 2017 là 480 tỷ đồng. Tuy nhiên, loại trái phiếu của Vinashin mà Bảo Việt cùng các đơn vị thành viên đã đầu tư là trái phiếu doanh nghiệp không có bảo đảm.

Cơ quan chức năng nhận định, ngay khi đầu tư 160 tỷ đồng vào trái phiếu của Vinashin phát hành tháng 12/2008, các phòng ban chuyên môn của Bảo Việt và các đơn vị thành viên đã không nắm đầy đủ thông tin về thực trạng hoạt động kinh doanh của tập đoàn này. Việc đầu tư trong tình trạng thiếu thông tin đã khiến một số tiền lớn của Bảo Việt và các Cty con mắc kẹt tại đây.

Bên cạnh đó, nhiều khoản đầu tư tài chính của Bảo Việt vào một số Cty, quỹ đầu tư đều không có kết quả tốt do các đơn vị này bị thua lỗ. Cụ thể: Tại thời điểm 31/12/2009, Cty CP Chứng khoán Bảo Việt lỗ lũy kế hơn 122,2 tỷ đồng; Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Long lỗ 112,8 tỷ đồng; Quỹ đầu tư chứng khoán Bảo Việt chỉ còn 95,2% giá trị đơn vị quỹ so với khi mới thành lập. Ngoài ra, TTCP cũng chỉ ra việc kém hiệu quả trong hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch, bất động sản, vui chơi giải trí của Bảo Việt.

Hiện TTCP đang hoàn tất kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại Tập đoàn Bảo Việt từ thời điểm  1/1/2011 đến tháng 10/2013.


Nhật Lâm - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc