(VnMedia)- Ngay đầu năm 2014, toà án nhân dân các cấp đã xét xử một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm...
>> Huỳnh Thị Huyền Như bị khởi tố thêm tội
>> "Siêu lừa" Huyền Như thừa nhận làm giả con dấu VietinBank
>> Khởi tố vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm
>> "Nhân bản" xét nghiệm: Giám đốc bệnh viện nhận án cảnh cáo
Theo thông tin từ Thanh tra Chính phủ, trong những tháng đầu năm 2014, Cơ quan điều tra trong công an nhân dân đã thụ lý điều tra 196 vụ, 444 bị can phạm tội về tham nhũng , trong đó: năm 2013 chuyển sang 178 vụ, 414 bị can; khởi tố mới 18 vụ, 30 bị can; đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 13 vụ, 24 bị can; hiện đang điều tra 183 vụ, 420 bị can.
Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
40 bị cáo làm giả hồ sơ, giấy chứng nhận bị thương để trục lợi ngân sách của Nhà nước hơn 2,2 tỷ đồng
Trong bốn ngày (từ ngày 3-6/3), Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án với 40 bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2,2 tỷ đồng.
Sau khi tranh tụng và nghị án, Hội đồng xét xử đã tuyên án Lê Tuấn Nghênh với 7 năm tù giam; Nguyễn Văn Đáp, sinh năm 1956 là 24 tháng tù giam; Nguyễn Đạt Trường, sinh năm 1964, với 30 tháng tù giam; Lê Sỹ Toại, sinh năm 1958 là 15 tháng tù giam. 36 bị cáo khác bị phạt từ 8 đến 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."
Hội đồng xét xử còn buộc các bị cáo bồi thường số tiền chiếm đoạt do phạm tội mà có; trong đó, Lê Tuấn Nghênh bồi thường hơn 140 triệu đồng, Nguyễn Văn Đáp là 30 triệu đồng, Nguyễn Đạt Trường hơn 51 triệu đồng, Lê Sỹ Toại với 24 triệu đồng. Còn 36 bị cáo khác trong đường dây này do đã khắc phục hậu quả nên Hội đồng xét xử không tuyên bồi thường dân sự.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, trong khoảng thời gian từ 2003-2006, Lê Tuấn Nghênh, sinh năm 1952, trú quán xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh tuy biết rõ 42 đối tượng ở hai xã Ngũ Thái và Nguyệt Đức thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là những người đã từng đi bộ đội nhưng không có thương tật hoặc có thương tật nhưng không có giấy tờ chứng minh song Nghênh vẫn cố tình nhờ Lê Đình Thảo, sinh năm 1953 ở Đồng Hỉ, tỉnh Thái Nguyên là bác sỹ ở Phòng Quân y, Quân khu I, được phân công về Viện Quân y 110, thành phố Bắc Ninh để chạy hồ sơ cho các đối tượng được hưởng chế độ thương binh. Thực hiện hành vi trên, Nghênh đã nhận tiền của các đối tượng để hoàn tất hồ sơ.
Trong số 42 đối tượng được Lê Tuấn Nghênh chạy hồ sơ thương binh, có ba đối tượng gồm: Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Văn Phong tuy đã chạy được hồ sơ thương binh nhưng chưa được hưởng chế độ thương binh và đối tượng Lê Xuân Hào là thương binh có tỷ lệ thương tật 23% nhưng làm hồ sơ nâng hạng lên 37%, đã khắc phục hoàn toàn số tiền chiếm đoạt của Nhà nước nên chỉ bị xử lý hành chính.
Nghênh cùng với 39 đối tượng làm giả trót lọt hồ sơ thương binh chiếm đoạt của Nhà nước tổng số 2,2 tỷ đồng. Như vậy, vụ án có 40 đối tương phạm tội; trong đó, Lê Tuấn Nghênh là thủ phạm chính trong vụ án này.
Theo Hội đồng xét xử, mặc dù hành vi phạm tội của các bị cáo gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổn tại hình ảnh của chiến sỹ "Bộ đội Cụ Hồ," gây dư luận không tốt trong nhân dân nhưng các đối tượng đều có cống hiến cho đất nước, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen, có nhân thân tốt nên được coi là các tình tiết giảm tội.
Liên quan đến vụ án này còn có Lê Đình Thảo (đã chết vì bệnh); Trần Phú Vạn, sinh năm 1954, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 110, Phó Chủ tịch Hội đồng giám định y khoa, Quân khu I; Nguyễn Khắc Đồng. sinh năm 1953, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 110; Nguyễn Sĩ Khải, nguyên Ủy viên Hội đồng giám định y khoa (đã chết) đã ký vào biên bản giám định cho các bị cáo trong vụ án mặc dù không có căn cứ. Hiện Đồng và Vạn được giao cho Cơ quan Điều tra hình sự Quân khu 1 xem xét giải quyết.
Vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội)
Vụ án tham nhũng đình đám với dư luận thứ hai được đưa ra xét xử đầu năm 2014 là vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội).
Các bị cáo tại phiên xử đầu tháng 3/2014.
Cuối giờ chiều 7/3, tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội, phiên tòa sơ thẩm xét xử 9 bị cáo trong vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan tới vụ nhân bản hàng ngàn kết quả xét nghiệm tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Hà Nội (BV Hoài Đức) đã kết thúc.
Chủ tọa phiên tòa Thẩm phán Nguyễn Bích Ngân đã tuyên án đối với các bị cáo. Theo đó, trong số 9 bị cáo thì chỉ có 1 bị cáo phải nhận mức án tù giam là bị cáo Vương Thị Kim Thành chịu 12 tháng tù giam. Bốn bị cáo Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung và Nguyễn Đông Sơn cùng chịu mức án 6 tháng tù treo. Hai bị cáo Vương Thị Lan và Nguyễn Thị Xuyên chịu mức án 8 tháng tù treo. Đối với 2 nguyên lãnh đạo BV Hoài Đức là bị cáo Nguyễn Trí Liêm (giám đốc bệnh viện) chỉ phải chịu hình phạt cảnh cáo và bị cáo Nguyễn Thị Nhiên (phó giám đốc bệnh viện) chịu 10 tháng cải tạo không giam giữ.
Được biết, tất cả 9 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này và phải chịu hình phạt của pháp luật đều nguyên là lãnh đạo, trưởng khoa và một số nhân viên của BV Hoài Đức. Trong đó có 7 bị cáo bị truy tố về về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"theo khoản 1 Điều 281 Bộ luật Hình sự, gồm: Vương Thị Kim Thành (SN 1959 - nguyên Trưởng khoa Xét nghiệm BV Hoài Đức), Nguyễn Thị Ngà (SN 1984), Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1990), Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1990), Vương Thị Lan (SN 1988), Nguyễn Đồng Sơn (SN 1989) và Nguyễn Thị Xuyên (SN 1961) đều là kỹ thuật viên, nhân viên khoa Xét nghiệm của BV Hoài Đức. 2 bị cáo bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo khoản 1 Điều 285 Bộ luật Hình sự, gồm: Nguyễn Trí Liêm (SN 1962 nguyên Giám đốc BV Hoài Đức) và Nguyễn Thị Nhiên (SN 1959, nguyên Phó giám đốc BV Hoài Đức).
"Đại án" Huỳnh Thị Huyền Như
Đình đám nhất trong các vụ án đầu năm 2014 được đưa ra xét xử phải nhắc đến là vụ án “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM, nguyên Phó Phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank).
Bị cáo Hùynh Thị Huyền Như tại toà.
Theo đó, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó Phòng Quản lý rủi ro VietinBank) lãnh mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 6 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng hình phạt là tù chung thân.
Các bị cáo khác là Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ Văn phòng VietinBank Chi nhánh TP HCM) lãnh 20 năm tù, Huỳnh Mỹ Hạnh (chị gái Huyền Như, nguyên PGĐ công ty Hoàng Khải) 14 năm tù, Trần Thị Tố Quyên (nhân viên công ty Hoàng Khải) 12 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phạm Anh Tuấn (nguyên giám đốc Công ty CPVT Dầu khí Thái Bình Dương) lãnh 20 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
13 bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên ngân hàng TMCP Quốc tế và ViettinBank bị phạt từ 4 đến 17 năm tù cùng tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Đào Thị Tuyết Dung, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân, bị phạt 12 năm tù về tội cho vay nặng lãi và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cũng với tội cho vay nặng lãi, 4 bị cáo khác lãnh mức án từ 1 năm tù treo đến hơn 2 năm tù giam. Trong đó Nguyễn Thị Lành, nguyên Phó giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Phương Đông bị phạt 2 năm tù giam về tội cho vay nặng lãi và 7 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, HĐXX còn tuyên buộc bị cáo Như bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho các tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, HĐXX còn kiến nghị xử lý bổ sung đối với Bùi Thị Tố Quyên về hành vi giúp sức cho bị cáo như chiếm đoạt 15 tỉ đồng; kiến nghị khởi tố đối với bà Nguyễn Thị Minh Hương và ông Trương Minh Hoàng (đều là Phó Giám đốc VietinBank Chi nhánh TP HCM) vì đã không kiểm tra, giám sát các hợp đồng đã ký; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý đối với các các ngân hàng huy động vốn với lãi suất vượt trần cũng như huy bỏ huy động vốn dễ biến tướng thành đầu tư trá hình; kiến nghị xử lý lãnh đạon của các ngân hàng đã ủy nhiệm cho nhân viên gởi tiền với lãi suất cao.
Ý kiến bạn đọc