Vì sao bố đánh con chết chưa bị khởi tố tội giết người?

07:13, 22/03/2014
|

(VnMedia) - Liên quan đến vụ cháu bé 8 tuổi bị bố đánh đến chết tại Bắc Ninh, cơ quan điều tra cho biết, hiện chưa đủ cơ sở để khởi tố hung thủ về tội Giết người...

>>
Bố đánh chết con trai 8 tuổi vì 20 nghìn đồng
>> Cháu bé bị bố dùng điếu cày đánh đã tử vong
>> Cháu bé bị bố đánh chấn thương sọ não khó qua khỏi

Ảnh minh họa
Trước khi qua đời, cháu Lộc được điều trị tại bệnh viện Việt Đức

Như VnMedia, ngày 15/3, cháu Đỗ Doãn Lộc (SN 2006, ở TP Bắc Ninh) nhập viện Việt Đức, Hà Nội cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, tụ máu nhiều ở não, xung huyết vùng mặt, tay chân.

Cháu bé ra nông nổi này là do bị người bố nhẫn tâm tên Đỗ Văn Lợi (46 tuổi, ở phường Tiền An, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đánh dã man.

Chẩn đoán cháu Lộc bị chảy máu trong sọ não và thiếu máu não.
Các bác sĩ điều trị cho hay, ngay lúc nhập viện, họ đã tiên lượng cháu Lộc khó có thể vượt qua và đến 99,9% không qua khỏi.

Đến chiều ngày 18/3, sau 3 ngày cấp cứu tại bệnh viện, cháu Đỗ Doãn Lộc đã tử vong.

Trong thời gian cháu Lộc nằm viện, cơ quan điều tra, công an tỉnh Bắc Ninh ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Đỗ Văn Lộc và đồng thời khởi tố vụ án, khởi tố bị cán đối tượng này về tội “cố ý gây thương tích”.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cháu Lộc đã tử vong. Câu hỏi đặt ra, cơ quan điều tra có chuyển tội danh khởi tố đối với người bố đánh con từ "Cố ý gây thương tích" sang tội "Giết người"?

Trả lời báo chí về câu hỏi trên, Đại tá Nguyễn Công Nghiệp (Phó GĐ Công an tỉnh Bắc Ninh) cho biết, hiện chưa đủ cơ sở để khởi tố Đỗ Văn Lợi (46 tuổi, ở phường Tiền An, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) về tội giết người. Hiện cơ quan này vẫn chưa có kết quả khám nghiệm thương tích đối với nạn nhân. Vì vậy dù cháu bé đã chết nhưng quyết định khởi tố bị can vẫn đang được giữ nguyên.

Để hiểu rõ thêm sự việc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Trịnh Anh Dũng (Trưởng Văn phòng Luật sử Trịnh, Hà Nội).

Luật sư Dũng cho biết, trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, có một nguyên tắc là "hậu quả đến đâu xử lý đến đấy". Trước đây, với hành vi gây thương tích làm chết người, nhiều cơ quan điều tra khởi tố về tội "giết người".

Những năm gần đây, để tránh làm oan sai, trước mắt, nhiều cơ quan điều tra chỉ khởi tố về tội "cố ý gây thương tích" với tình tiết tăng nặng dẫn đến chết người.

Việc khởi tố chỉ là quyết định bước đầu để điều tra. Quá trình điều tra mới quan trọng. Sau này có thể cơ quan điều tra sẽ có kết luận khác. Nếu chứng minh được ý chí chủ quan của bị can là làm cho nạn nhân chết, cơ quan điều tra sẽ thay đổi tội danh để khởi tố về tội giết người.

Trường hợp nếu không chứng minh được ý chí giết người của bị can, thì dù nạn nhân chết, cơ quan điều tra vẫn chỉ có thể giữ nguyên quyết định khởi tố về tội "cố ý gây thương tích".

Luật sư Dũng cho hay, một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự là "suy diễn có lợi cho bị can, bị cáo". Với một hành vi có thể bị xử lý về tội A hoặc tội B, trong khi yếu tố cấu thành tội phạm B không rõ mà lại bất lợi cho bị can, thì cơ quan tố tụng chỉ xử lý theo tội A. "Đó là nguyên tắc nhân đạo của pháp luật." - vi luật sư nói.

Ý chí được thể hiện qua hành vi chứ không phải dựa vào lời thừa nhận của bị can, bị cáo. Lời thừa nhận chỉ được chấp nhận nếu phù hợp với hành vi.

"Việc kết luận đó có phải giết người hay không phải dựa vào thương tích, hung khí, vị trí gây thương tích, hành động, qua giám định, thu thập lời khai nhân chứng, thực nghiệm hiện trường,...", luật sư Dũng cho biết.

Với hành vi cầm dao chém thẳng vào cổ, cầm súng bắn vào đầu, dù bị can nói rằng "tôi không cố ý giết người", cơ quan điều tra vẫn có quyền kết luận đó là giết người. Dù nạn nhân chết hay không chết, bị can không thể đổ lỗi "tôi không biết súng có thể làm chết người". Pháp luật không bảo vệ sự thơ ngây đó.

Không thể coi việc "cầm đũa đánh vào đầu làm chết" là hành vi giết người. Nhưng cầm đũa đóng vào tai lại là chuyện hoàn toàn khác. Nếu cha nóng giận đánh con, cầm gậy vụt bừa bãi thì chỉ là hành vi cố ý gây thương tích.

Theo luật sư Dũng, Công an tỉnh Bắc Ninh mới chỉ khởi tố về tội "cố ý gây thương tích" là phù hợp. Hiện nay, cơ quan điều tra chưa thể chứng minh ý chí chủ quan của ông bố được. Để có kết luận cuối cùng, cơ quan điều tra phải xem xét triệt để, đầy đủ các tình tiết, động cơ, nguyên nhân gây án, giám định thương tích, thẩm định mức độ, xin ý kiến cơ quan chuyên môn,...

Quan điểm của Luật sư Trịnh Anh Dũng: "Với những tình tiết như chúng ta đã biết, khó mà khởi tố ông bố về tội giết người".

Điều 104 - BLHS: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
e) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
f) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân”.


Khánh Công

Ý kiến bạn đọc