(VnMedia)- Bên cạnh việc lên kế hoạch tinh vi cho việc vận chuyển mua bán ma túy từ Lào về Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại, các đối tượng trong đường dây thứ nhất vụ buôn ma túy "khủng" ở Quảng Ninh còn vẽ trò "phù phép" giấy tờ giả...
>> Tinh vi việc vận chuyển "cái chết trắng" của một đại lý
Là một trong những mắt xích quan trọng trong đường dây ma túy thứ nhất do Sa Văn Cầu cầm đầu, Phạm Quang Khu, sinh ngày 19/5/1954 tại Thái Bình phạm vào tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại điểm b, điểm c, khoản 2, Điều 267 - Bộ luật hình sự và Trần Xuân Vinh (hay còn được gọi là Trần Thế Vinh), sinh ngày 01/3/1962 tại Thái Bình, phạm vào tội “Giả mạo trong công tác” được quy định tại điểm b, điểm c, điểm d, khoản 2, Điều 284 - Bộ luật hình sự đã giúp cho các đồng phạm trong đường dây dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng.
Ảnh minh họa
Quá trình điều tra xác định, để có giấy tờ hợp pháp và thuận tiện đi lại trong quá trình bị truy nã, Nguyễn Thị Hạnh (Nguyễn Thị Hạnh (còn có tên khác là Phạm Thị Hiền), sinh ngày 03/4/1965 tại Mộc Châu, Sơn La, năm 2004 cùng chồng là Đào Minh Tuấn mua bán trái phép chất ma túy. Bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định truy nã. Bị can Nguyễn Thị Hạnh có hành vi mua bán tổng cộng: Heroin: 545 bánh = 180.505,09 g + 0,19g = 180.505,28 gam; Methamphetamine: 24.200,648g + 8,213g = 24.208,861 gam. Phạm vào tội “Mua bán trái phép chất ma túy” quy định tại điểm b, điểm e, khoản 4, Điều 194 - Bộ luật hình sự- PV) đã nhờ Nguyễn Thị Loan móc nối với Phạm Quang Khu làm Giấy chứng minh thư nhân dân cho Hạnh.
Lợi dụng sự lơi lỏng và sự tắc trách của cán bộ cấp xã ở xã Vũ Lạc, TP Thái Bình trong công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực cấp phát, thu đổi Sổ hộ khẩu. Khu đã có hành vi: Dùng quyển Sổ hộ khẩu cũ của gia đình (khi cấp mới không thu lại sổ cũ) tẩy xóa và ghi thông tin giả cho Hạnh, đứng tên là Phạm Thị Hiền, sinh năm 1964 - là em gái của Khu. Sau đó, Khu nhờ Trần Xuân Vinh đóng giấu giáp lai vào phần tẩy xóa, xác nhận vào Phiếu khai báo để làm Giấy chứng minh thư nhân dân. Trần Xuân Vinh là Phó Công an xã, mặc dù biết hành vi gian dối của Khu nhưng vì động cơ vụ lợi và quan hệ quen biết đã ký, đóng dấu vào phiếu khai báo này. Trên cơ sở các giấy tờ, tài liệu nêu trên, Công an thành phố Thái Bình đã cấp chứng minh thư nhân dân cho Nguyễn Thị Hạnh mang tên Phạm Thị Hiền. Sau khi có Giấy chứng minh thư nhân dân, Khu tiếp tục làm thủ tục tách Sổ hộ khẩu cũ, làm Sổ hộ khẩu mới cho Nguyễn Thị Hạnh.
Cũng với hành vi tương tự, thông qua Trần Xuân Vinh, Khu đã làm Giấy chứng minh thư nhân dân và Sổ hộ khẩu giả cho Đào Minh Tuấn (mang tên Trần Văn Quân, sinh năm 1957) và Nguyễn Thị Loan (mang tên Phạm Thị Thuỷ, sinh năm 1960); đồng thời làm Giấy chứng minh thư nhân dân giả cho Đoàn Văn Việt (mang tên Phạm Quang Nam, sinh năm 1964) và mang tên Phạm Thị Hương, sinh năm 1974 (chưa xác định được tên tuổi, địa chỉ thật) đều có địa chỉ giả tại xã Vũ Lạc, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Khi bị bắt ngày 8/5/2012, tại cơ quan điều tra, Phạm Quang Khu khai nhận: Đã nhận của Loan và Việt tổng cộng 60.350.000 đồng. Trần Xuân Vinh biết Khu có hành vi phạm pháp nhưng vẫn tiếp tay cho Khu và được hưởng số tiền 3.900.000 đồng. Ngoài ra, khi biết con gái của Vinh đi viện chữa bệnh, Loan đã đưa cho Vinh 20 triệu đồng để chi tiêu.
Theo cáo trạng của vụ án buôn bán, vận chuyển ma túy "khủng" này, liên quan đến hành vi của Phạm Quang Khu có Lương Văn Quang, Đỗ Đức Nhiệm, Lê Ngọc Hoan - nguyên là cán bộ Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an phụ trách xã Công an TP Thái Bình, do mối quan hệ quen biết Phạm Quang Khu, đã hướng dẫn Hạnh, Loan, Tuấn, Việt làm thủ tục để làm Giấy chứng minh thư nhân dân. Tuy không biết Khu có hành vi tẩy xóa, sửa chữa sổ hộ khẩu để làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức nhưng khi được Lãnh đạo đơn vị phân công đi xác minh đã không thực hiện đúng quy trình, quá tin vào chính quyền cơ sở nên dẫn đến việc sai sót, không xác định đối tượng cần xác minh có phải đúng là người đã đăng ký hộ khẩu tại địa phương hay không.
Cơ quan điều tra cũng khẳng đinh, đối với Phạm Cao Các và Nguyễn Thanh Minh - hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Lạc, TP Thái Bình đã có hành vi: Ký tên, đóng dấu vào Bản sao Giấy khai sinh lưu không ( có xác nhận nhưng chưa điền thông tin ). Tuy không biết hành vi phạm pháp của Khu và Vinh, hành vi của họ chưa gây hậu quả nhưng thể hiện việc làm thiếu trách nhiệm của cán bộ trong quản lý Giấy khai sinh và Bản sao giấy khai sinh, tạo sơ hở để tội phạm lợi dụng.
Từ năm 2006, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện dấu hiệu của một đường dây mua bán trái phép chất ma túy qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc do Nguyễn Bích Ngọc cùng đồng phạm tiến hành. Công an tỉnh Quảng Ninh đã trao đổi thông tin, tài liệu với Công an Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc để phối hợp làm rõ.
Ngày 09/02/2012 Công an tỉnh Quảng Ninh nhận được Thông báo hợp tác điều tra số 02 của Cục Công an Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc về việc Cục Công an Đông Hưng bắt giữ 05 đối tượng người Trung Quốc, thu giữ 12 bánh ma túy heroin. Qua khai thác các đối tượng đã khai nhận: Nguồn ma túy trên do 02 đối tượng người Việt Nam cung cấp, gồm:
- Nguyễn Bích Ngọc, sinh năm 1960, trú tại Hoàng An, Hiệp Hòa, Bắc Giang; sử dụng hộ chiếu số B5682613 nhập cảnh vào Trung Quốc.
- Đỗ Hữu Thực, sinh năm 1980, trú tại Móng Cái, sử dụng Giấy thông hành số E0709448 nhập cảnh vào Trung Quốc.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc tiến hành các hoạt động điều tra. Quá trình điều tra tiếp theo, trong lời khai của mình cũng như khi cho nhận dạng người đã bán ma túy, các đối tượng người Trung Quốc đều khẳng định Nguyễn Bích Ngọc và Đỗ Hữu Thực là những người Việt Nam đã mua bán ma tuý với họ.
Căn cứ tài liệu điều tra, ngày 15/4/2012 Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Quảng Ninh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Bích Ngọc về hành vi “ Cùng đồng phạm mua bán trái phép chất ma tuý ”. Đấu tranh khai thác Nguyễn Bích Ngọc và kết hợp với các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ bốn đường dây mua bán trái phép chất ma túy xuyên quốc gia với số lượng đặc biệt lớn, với thủ đoạn rất tinh vi, tính chất hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm, sử dụng nhiều loại vũ khí quân dụng và sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện. Có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước với người nước ngoài. Đã mua bán, vận chuyển nhiều chủng loại ma túy khác nhau từ Lào qua Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại.
Kết thúc giai đoạn điều tra thứ nhất, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định khởi tố 125 bị can, theo 09 tội danh khác nhau, đề nghị truy tố đối với 90 bị can. Tách hành vi của 05 bị can tạm giam và 27 bị can đang truy nã, 01 bị can mắc bệnh hiểm nghèo, cùng các đối tượng liên quan để tiếp tục điều tra làm rõ ở giai đoạn II. Đình chỉ điều tra đối với 02 bị can chết do tự sát trong quá trình điều tra.
Kết thúc giai đoạn I của vụ án, Cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi phạm tội của 92 bị can trong 04 đường dây mua bán trái phép chất ma tuý xuyên quốc gia và các hành vi phạm tội khác.
Cuối tháng 1/2014, Tòa án nhân dân đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án này. HĐXX đã tuyên 30 bị cáo mức án cao nhất là án tử hình; 13 bị cáo lĩnh án chung thân; các bị cáo khác nhận mức án dưới 20 năm.
Ý kiến bạn đọc