Tăng cường điều tra, xét xử nhiều "đại án"

14:16, 13/03/2014
|

(VnMedia)- Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh trong thời gian tới, các ngành tư pháp Trung ương cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm kinh tế, tham nhũng...

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ

Khởi tố 498 vụ án kinh tế, 135 vụ án tham nhũng

Ngày 12/3/2014, tại Hà Nội, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã chủ trì cuộc họp liên ngành Công an- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao- Tòa án nhân dân tối cao để trao đổi về công tác phối hợp điều tra, truy tố, xét xử tội phạm kinh tế và tham nhũng.

Theo báo cáo, số vụ án mới phát hiện, điều tra đưa ra truy tố, xét nhiều hơn trước (năm 2013, đã khởi tố 1.297 vụ án kinh tế với 2.141 bị can và 315 vụ án tham nhũng với 661 bị can; thống kê sơ bộ đầu năm 2014 đến nay đã khởi tố 498 vụ án kinh tế với 747 bị can và 135 vụ án tham nhũng với 367 bị can), có nhiều vụ án lớn; nhiều vụ án tồn đọng kéo dài đã giải quyết dứt điểm; nhiều vụ án trọng điểm đã kết thúc điều tra, đưa ra truy tố, xét xử được dư luận đồng tình, như vụ án Dương Chí Dũng, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, vụ án Công ty cho thuê tài chính II...

Kết luận cuộc họp, Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh, phát huy kết quả đã được, thời gian tới, các ngành tư pháp Trung ương cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm kinh tế, tham nhũng; nâng cao chất lượng xử lý tin báo, tố giác tội phạm nhằm phát hiện kịp thời tội phạm kinh tế, tham nhũng; tập trung điều tra xử lý các vụ án còn tồn đọng, đẩy nhanh điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng đã khởi tố, nhất là các vụ trọng điểm, sớm kết thúc đưa ra truy tố, xét xử với tinh thần đấu tranh kiên quyết, xử lý triệt để, không để lọt tội phạm và xảy ra oan, sai.

Tiếp tục "sờ gáy" các "đại án"

Trước đó, theo chương trình công tác, trong tháng 2/2014 Ban Nội chính trung ương sẽ đ
ôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án: Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm cố ý làm trái, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép và trốn thuế; Vũ Việt Hùng và đồng phạm nhận hối lộ, vi phạm quy định về cho vay, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vụ việc sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank); vụ việc xảy ra tại Công ty dịch vụ Agribank… 

Một trong những vụ án trong diện đôn đốc này vừa được đưa ra xét xử công khai. Ngày 11/3, TAND tỉnh Đắk Nông mở tòa xét xử “đại án” tham nhũng Vũ Việt Hùng (SN 1957, nguyên Giám đốc VDB chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông) cùng đồng phạm.

Theo cáo trạng, lợi dụng chính sách cho vay vốn tín dụng xuất khẩu với lãi suất thấp, tháng 7/2008, Cao Bạch Mai (SN 1949, nguyên Giám đốc Cty TNHH Thương mại - Dịch vụ Minh Nhật) đã gặp Vũ Việt Hùng xin vay vốn và làm hợp đồng kinh tế xuất khẩu giả để tiếp tục vay. Không thẩm định năng lực kinh doanh thực tế của doanh nghiệp, Hùng ký cho Mai vay 250 tỷ đồng.

Thấy dễ “rút ruột” ngân hàng, Mai liên kết với Nguyễn Thị Kim Loan (nguyên Giám đốc Cty TNHH Dịch vụ Phát Long) cấp tiền cho Từ Đại Hùng lập Cty xuất khẩu tại Trung Quốc để làm các HĐKT giả thực hiện hành vi lừa đảo. Trong vòng 2 năm, Vũ Việt Hùng cho Mai vay tổng cộng 1.005 tỷ đồng, Mai dùng 155 tỷ đồng vào mục đích cá nhân.

Ngoài ra, ông Hùng đã ký cho Trần Thị Xuân (1964, nguyên Giám đốc Cty TNHH TMDV Nhật Tân) vay 938 tỷ đồng, sau đó bị cáo này không trả được 202 tỷ đồng. Tổng số vốn ưu đãi mà Mai và Xuân vay được lên đến gần 2.000 tỷ đồng, chiếm đoạt hơn 357 tỷ đồng.

Không những vậy, Vũ Việt Hùng còn bị kết luận đã đưa thông tin sai, ký khống các hợp đồng xuất khẩu giả, tiếp tay cho các bị cáo lừa đảo, chiếm đoạt hơn 580 tỷ đồng của Ngân hàng Phương Đông chi nhánh TPHCM và Ngân hàng Nam Á chi nhánh Hà Nội. Bị cáo Vũ Việt Hùng bị Viện kiểm sát nhân dân đề nghị tuyên phạt án tử hình.

Trước đó, ngày 10/2, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra cáo trạng lần 3 truy tố "Bầu Kiên" và các đồng phạm. Trong thời gian tới, vụ án này cũng sẽ được đưa ra xét xử công khai.
 

 Danh sách 10 “đại án” được chỉ đạo đưa ra xét xử công khai

1. Vụ án tham nhũng tại Vinalines

2. Vụ tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính 2 (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Agribank);

3. Vụ án kinh tế tại Công ty dệt kim Phương Đông và một chi nhánh Agribank ở TP.HCM;

4. Vụ án kinh tế tại sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Agribank;

5. Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam và một số ngân hàng ở Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu;

6.Vụ án tham nhũng tại Ngân hàng Phát triển VN chi nhánh Đắk Nông;

7.Vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn tại Ngân hàng TMCP Công thương VN;

8. Vụ án kinh tế tại Ngân hàng ACB liên quan đến “bầu” Kiên;

9. Vụ cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm xảy ra tại chi nhánh Nam Hà Nội của Agribank;

10. Vụ tham nhũng tại Tập đoàn Vinashin.


Nhật Lâm

Ý kiến bạn đọc