Sốc: Ma tuý đá tấn công tất cả các trường học

15:29, 23/03/2014
|

(VnMedia)- Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma tuý (Trung tâm), ma tuý đá đã vào tất cả các trường học mà bố mẹ, người thân, nhà trường rất khó phát hiện ra...

>> Ám ảnh những vụ "ngáo đá" của giới trẻ

Theo ông Lê Trung Tuấn, Giám đốc Trung tâm, sau quá trình khảo sát về tình trạng sử dụng ma tuý trong học đường trên hơn 20 nghìn học sinh và sinh viên, Trung tâm đã nhận ra một thực tế không thể chối bỏ là ma túy "đá" đã vào tất cả các trường học mà không một ai từ nhà trường đến người thân của các em phát hiện ra. Bởi người sử dụng ma túy “đá” không có triệu chứng, biểu hiện lâm sàng. Chỉ khi sau vài năm sử dụng, hệ thống thần kinh bị phá hỏng hoàn toàn, con cái sẵn sàng cầm dao đi giết người thì bố mẹ mới tá hỏa thì đã muộn…

Ảnh minh họa

Ông Lê Trung Tuấn

Theo ông Tuấn, để phát hiện người sử dụng ma túy "đá", đặc biệt đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên, một biểu hiện dễ thấy nhất là bỗng nhiên người đó trở nên chăm học đặc biệt, có thể học mấy ngày mấy đêm mà không buồn ngủ sau đó thì cũng ngủ bù mấy ngày mấy đêm. "Trong quá trình tiếp xúc với những người chơi ma túy "đá", chúng tôi đã phát hiện ra rằng, rất nhiều ông bố, bà mẹ đã tự hào về sự chăm học đột xuất của con em mình mà không hề nghi ngờ có sự tác động nào đó từ ma túy, heroin đối với con em họ, chính vì thế, số thanh niên chơi ma túy đá đã mỗi ngày một tăng lên", ông Tuấn chia sẻ.

"Nguy hại và sai lầm lớn nhất của việc ma túy đá đang được sử dụng tràn lan là người bán đang tuyên truyền sai về tác hại của ma túy đá. Thật ra, sử dụng ma túy đá trong một thời gian dài còn nguy hại hơn rất nhiều so với sử dụng heroin. Bởi, đặc tính của ma túy đá là thường dùng tập thể, sau khi dùng người sử dụng chúng rất thích quan hệ tình dục tập thể và có thể quan hệ nhiều lần trong một ngày, từ 15-20 lần. Đặc biệt, khi đã dùng ma túy đá từ 3 năm trở lên người sử dụng dễ mắc bệnh tâm thần hay vẫn được gọi là ngáo đá. Đến lúc này, những em học sinh, những thanh niên ngoan hiền ngày nào bỗng trở thành những kẻ giết người không gớm tay và không thể tưởng tượng được", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn chia sẻ thêm một số thông tin hữu ích cho các ông bố, bà mẹ khi phát hiện con mình sử dụng ma túy đá. Theo ông, đa phần các bậc phụ huynh khi nhìn thấy con sử dụng ma túy là nghĩ “con tôi nghiện rồi”. Vậy là ngay lập tức đưa con đi các trại để cai nghiện.

Nhưng theo ông, không phải đứa trẻ nào sử dụng vài lần cũng nghiện. Trong trường hợp cháu bé đó chưa nghiện, nhưng vì bố mẹ thiếu bình tĩnh, đưa ngay đi trại, điều này đã vô tình đẩy các cháu đến bước nghiện thật sự.

Ông Tuấn lí giải, ở Việt Nam vì điều kiện chưa cho phép nên hầu hết các trại viên đều phải ở chung phòng. Một người tuy mới sử dụng ma túy, chưa phải là nghiện nhưng đến khi đưa vào đây, ở cùng với những người có tiền án, tiền sự thì người đó cũng sẽ học được tất cả những mưu ma, chước quỷ như lừa đảo, trộm cắp để rồi sau này quay trở về xã hội qua mắt chính bố mẹ mình.

Hơn nữa, trong các trại, theo ông Tuấn tìm hiểu, có từ 30-40% số học viên không thể bỏ được ma túy. Tiếp xúc với những người đó, người chưa nghiện có thể cũng thành nghiện. Do đó, khi thấy con sử dụng ma túy, các bậc phụ huynh phải thật bình tĩnh, tìm hiểu kỹ trước khi quyết định nên làm gì với cháu.

Mặc dù tình trạng sử dụng ma túy đá đã ở mức báo động, tuy nhiên, theo ông Tuấn, hiện ở Việt Nam và cả trên thế giới chưa hề có phác đồ điều trị, hỗ trợ cai nghiện. Với “kinh nghiệm” 6 năm nghiện ma túy, hơn 13 năm qua ông Tuấn đã nghiên cứu rất sâu, tham vấn nhiều chuyên gia tâm lí. Sau khi tìm hiểu trên nhiều người nghiện và nghiên cứu tài liệu thấy được, đó là một căn bệnh về não bộ mãn tính. Vậy, đã là bệnh liên quan đến não bộ, thần kinh thì cách để cai nghiện theo ông Tuấn chỉ có hai con đường. Ngoài những bài thuốc cắt cơn, giải độc cơ thể thì cần một quá trình trị liệu lâu dài về mặt tâm lí cho những người đang cai nghiện.

Và cũng từ việc nghiên cứu tâm lí của người sử dụng ma túy, những con đường mà họ đã vấp phải, trung tâm đưa ra những pháp đồ, dự án phòng chống cụ thể ma túy với từng trường học.

Thời gian qua, trung tâm đã nghiên cứu tại gần 15 trường học, tiếp xúc với trên 10 nghìn học sinh với bối cảnh trường học, địa lý khu vực cũng hoàn toàn khác nhau. Bởi thế nên ông Tuấn cho rằng, cách tuyên truyền của chúng ta từ trước đến giờ chưa được phù hợp.

“Theo khảo sát trên 20.000 học sinh sinh viên thì có khoảng 93% trong số đó hoàn toàn không biết gì về ma túy. Biện pháp mà Trung tâm đưa ra để phối hợp với nhà trường và gia đình để bước đầu đẩy lùi ma túy là tuyên truyền nâng cao sự hiểu biết về những tác hại của ma túy. Từ đó hỗ trợ, giúp đỡ các em nhận thức thật sâu về ma túy. Song song với đó, phải tập huấn cho chính phụ huynh về cách nhận biết con em mình đã sử dụng ma túy hay chưa, nghiện ở mức độ nào, mới đưa ra phác đồ điều trị, cai nghiện thích hợp”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo số liệu của Uỷ ban Quốc gia Phòng chống HIV/AIDS và ma tuý, tính đến năm 2013 cả nước có khoảng 180.000 người sử dụng ma tuý (con số trên thực tế có thể cao hơn rất nhiều). Hiện nay, ma túy đa dạng về chủng loại, về hình thức sử dụng và có nhiều thay đổi phức tạp. Độ tuổi của người sử dụng ma tuý có xu hướng ngày càng trẻ hoá, trên 80% người sử dụng ma tuý nằm trong độ tuổi lao động. Trong khi đó nhận thức của thanh niên, học sinh còn rất hạn chế.

Trung tâm hoạt động phi lợi nhuận, nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý người sử dụng ma tuý, HIV/AIDS để từ đó đưa ra các dự án phòng, chống ma tuý, HIV/AIDS trong học đường có hiệu quả cao hơn, cũng như đưa ra các phác đồ điều trị tâm lý cho người nghiện ma tuý cai nghiện thành công mang tính bền vững.

Mục tiêu: Tuyên truyền phòng chống ma tuý trong thanh, thiếu niên; Tuyên truyền để xã hội hiểu hơn về người sử dụng ma tuý từ đó giảm kỳ thị xã hội đối với người sử dụng ma tuý; Nâng cao kỹ năng cho thân nhân người sử dụng ma tuý giúp người sử dụng ma tuý chống tái nghiện; Nâng cao kỹ năng chống tái nghiện và kỹ năng hoà nhập cộng đồng cho người sử dụng ma tuý, Trong các mục tiêu này, theo ông Lê Trung Tuấn, mục tiêu tuyên truyền phòng chống ma tuý học đường và tuyên truyền để xã hội hiểu hơn về người sử dụng ma tuý từ đó giảm bớt kỳ thị trong xã hội đối với người sử dụng ma tuý là hai mục tiêu được đặc biệt quan tâm.

"Việc tuyên truyền phòng chống ma tuý trong thanh thiếu niên nếu không làm nhanh, làm đúng và đồng bộ trên diện rộng bằng các hình thức tuyên truyền mới, chân thực và thường xuyên thì số người sử dụng ma tuý trong thanh thiếu niên hiện nay sẽ ngày càng gia tăng", ông Tuấn nói.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc