Người tự thú, thành khẩn khai báo sẽ không bị xử tù?

12:09, 23/03/2014
|

(VnMedia)- Tại hội nghị tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất hình sự đối với các trường hợp tự thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải... Nhưng với tình hình thực tế, có nên áp dụng đề nghị này?

Tại hội nghị tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất sửa đổi Điều 25 theo hướng mở rộng miễn trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp tự thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; khắc phục hậu quả; đối tượng thuộc diện chính sách và có nhiều tình tiết giảm nhẹ..., mở rộng hơn nữa các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên, người già...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Điều 25, Bộ Luật Hình sự quy định về "Miễn trách nhiệm hình sự". Cụ thể, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự; Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đại xá.

Liên quan đến đề xuất này, luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, với các tội danh đầu thú, tự thú, thành khẩn khai báo ... đều được coi là tình tiết giảm nhẹ, kể cả trong giai đoạn điều tra lẫn trong quá trình xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Kể cả tại phiên toà sơ thẩm chưa thành khẩn khai báo mà đến phiên toà phúc thẩm thành khẩn khai báo thì cũng được coi là tình tiết giảm nhẹ. Việc đề xuất nói trên có hai mặt

Nếu việc đề xuất với các hành vi nói trên để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự thì rất dễ bị lạm dụng. Cần quy định cụ thể đối với những hành vi vi phạm ở mức độ nào thì được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tự thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải... Với những hành vi phạm tội như trộm cắp

"Nếu một vụ ma tuý mà một đối tượng đầu đường dây thành khẩn khai báo thì cũng đã giúp cho cơ quan  điều tra, truy tố xét xử bớt việc đi rất nhiều. Ví dụ như tại vụ buôn bán ma túy lớn nhất Việt Nam tại Quảng Ninh. Từ lời khai của đối tượng cầm đầu đã bắt được thêm rất nhiều đối tượng khác. Như vậy, ở đây việc thành khẩn khai báo của bị cáo đã giúp cho tiến trình giải quyết vụ án nhanh chóng kết thúc, như vậy có thể xem xét về tình tiết giảm nhẹ tội cho bị cáo tại tòa", luật sư Kiệm nói.

Theo phân tích của luật sư Kiệm, về mặt luật pháp, Luật đang quy định đầy đủ các quy định để xem xét xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật, nhưng tính nghiêm minh của luật pháp đôi lúc đôi chỗ chưa được thực thi hiệu quả. Cơ quan thực thi pháp luật chưa chấp hành. Cái thiếu xót và hạn chế về luật chưa phải là vấn đề quá bức xúc. Vấn đề là những điều đưa ra cần bám sát thực tế.

Chính vì vậy, với đề xuất về việc miễn truy cứu hình sự, luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho rằng, thành khẩn khai báo chỉ nên coi là tình tiết giảm nhẹ thôi, tuỳ vào mức độ hành vi của từng vụ án để xem xét giảm nhẹ. Nhưng giảm nhẹ như thế nào thì phải quy định cụ thể ra đối với từng vụ án cụ thể. Không sẽ rất dễ bị lạm dụng. Ví dụ đối với những vụ trộm cắp nhỏ, chưa gây hậu quả gì mà lại từ khắc phục hậu quả, trường hợp này đáng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự để khuyến khích những trường hợp khác; Còn những vụ án mang tính chất nghiêm trọng thì không nên áp dụng.

Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, với trẻ vị thành niên thì phải cực kỳ cân nhắc vì hiện nay, tội phạm vị thành niên đang gây ra những hậu quả quá nghiêm trọng, gây ra những vụ cộm cán nhất, nhức nhối nhất: Giết người, cướp của, đâm chém nhau... nếu cứ viện lý do vị thành niên để đề nghị được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự thì đối tượng sẽ lợi dụng cho mục đích phạm tội sau đó của mình.

"Quy định về tội phạm vị thành niên cần chỉnh sửa theo tiến trình phát triển của xã hội, phải tăng mức hình phạt cho tuổi vị thành niên để tăng tính răn đe và tránh những vụ lạm dụng sự khoan hồng của pháp luật để phạm tội", luật sư Kiệm nhấn mạnh.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc