(VnMedia) - Nếu nhặt được số tiền lớn, người nhặt được có được sử dụng không và nếu được sử dụng có phải bị đánh thuế hay bất cứ chế tài quy định nào khác?
Hôm nay, trên mạng xã hội và dư luận xôn xao chuyện vợ chồng anh chị Vương, Hồng mua ve chai được chiếc loa cũ, mở ra thấy một tập tiền Yên Nhật.
Theo lời kể của anh Trịnh Minh Vương (quê Quảng Ngãi), thời điểm trước Tết Nguyên đán, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng trú tại nhà trọ ở hẻm 84 đường Trần Văn Quang, P.10, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh đi thu gom ve chai trên đường Trần Văn Quang. Một người đã bán cái thùng loa cũ, gỉ sét loại dùng đèn âm cực với giá 100 ngàn đồng. Mang về nhà, chị Hồng vẫn để chất ở góc nhà do chưa có thời gian để tháo ra. Thường những đồ ve chai, hai vợ chồng thu gom về rồi tháo ra và lấy đồ đồng bên trong để mang đi bán.
Khoảng 16h ngày 21/3, anh Vương cùng chị Hồng mang loa trên ra trước sân để tháo ốc vít lấy dây đồng. Lúc này, một số tờ tiền rơi ra ngoài và người dân đứng gần đó nhặt mang về. Hai vợ chồng anh Vương, chị Hồng vốn dĩ không biết chữ cứ ngỡ tờ tiền trên là tiền “cõi âm” nên không màng đến.
Tối cùng ngày, hàng chục người dân đột ngột kéo đến đòi “chia” số tiền trong loa và làm náo loạn con hẻm. Ngay sau đó, sự việc được trình báo lên cơ quan chức năng.
Nhận tin, Công an phường 10 (quận Tân Bình) có mặt để vãn hồi trật tự và vận động vợ chồng anh Vương, chị Hồng nộp số tiền trên. Cả 2 vợ chồng đếm được 520 tờ Yên Nhật, mệnh giá 10.000 Yên/tờ. Tổng trị giá trên 5 triệu Yên, tương đương 1 tỉ VNĐ.
Được biết, anh Trịnh Minh Vương rời quê Quảng Ngãi từ năm 8 tuổi. Anh làm đủ mọi nghề để tìm kế sinh nhai, từ phụ bán hủ tiếu gõ rồi đến bán vé số... Cách đây vài năm, anh Vương chuyển sang nghề phụ hồ để kiếm sống. Sau một thời gian tích trữ được một số vốn, anh Vương đã nghĩ đến nghề thua mua ve chai. Anh Vương và chị Huỳnh Thị Ánh Hồng có được 2 mặt con. Đứa con gái lớn 14 tuổi và con trai út 8 tuổi. Dù chỉ sống trong căn phòng ọp ẹp, lụp xụp do bà chủ vựa ve chai cho ở nhờ, hai vợ chồng vẫn cố gắng lo cho các con được đến trường với chúng bạn. Hai người con của anh chị ở quê vẫn bảo bọc với nhau học đến nơi, đến chốn. Vợ chồng chị Hồng, anh Vương chỉ cầu mong đến một lúc nào đó được sum họp cùng con ở quê xa.
Đến thời điểm này, gia đình anh Vương, chị Hồng cũng chưa được biết số tiền trên sẽ được giải quyết ra sao. Theo quy định tại điều 241 Bộ luật dân sự 2005 quy định về việc Xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên, thì:
Người nhặt được vật do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại vật cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Uỷ ban nhân dân hoặc công an cơ sở đã nhận vật phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.
Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.
Vật bị đánh rơi, bị bỏ quên là di tích lịch sử, văn hoá mà sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, không xác định được chủ sở hữu hoặc không có người đến nhận thì vật đó thuộc Nhà nước; người nhặt được vật đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.
Ý kiến bạn đọc