(VnMedia) - Liên quan đến vụ máy bay mất tích, nếu không tìm thấy chiếc máy bay MH370, hành khách và hãng hàng không Malaysia có được thanh toán bảo hiểm?
|
Bị khủng bố có được bảo hiểm?
Luật sư Phạm Thành Long (Giám đốc Công ty Luật Gia Phạm, Hà Nội) cho biết, có rất nhiều loại bảo hiểm mà một hãng hàng không có thể mua. Có những loại bảo hiểm bắt buộc nhưng có rất nhiều loại không bắt buộc mà do chủ dân sự có muốn mua hay không. Với một chuyến bay, có 3 đối tượng được bảo hiểm là: Chiếc máy bay, hành khách ngồi trên máy bay và bên thứ 3.
Bảo hiểm cho chính chiếc máy bay nghĩa là hãng hàng không sẽ được chi trả nếu máy bay bị tai nạn hư hỏng thân vỏ, máy móc. Hành khách ngồi trên máy bay sẽ được chi trả tiền nếu thương tích hoặc chết nếu chuyến bay gặp rủi ro.
Bên thứ 3 là những đối tượng có thể bị máy bay đâm phải. Ví dụ nhà cửa, cầu cống bị máy bay rơi trúng làm hư hỏng. Hãng hàng không sẽ được bên bảo hiểm chi trả những khoản đền bù nói trên.
Mỗi hãng hàng không có cách thức và mức mua bảo hiểm khác nhau. Nhưng bảo hiểm cho hành khách và bên thứ 3 là loại bảo hiểm bắt buộc.
Đối với chiếc máy bay MH370 đang được tìm kiếm, theo luật sư Long, chưa thể xác định có thuộc trường hợp được bảo hiểm hay không. Để được bảo hiểm, cơ quan chức năng phải chính thức công nhận tình trạng của chiếc máy bay, hành khách và những tổn thất máy bay gây ra.
Ông Long cho rằng, hiện nay Malaysia chưa chính thức tuyên bố về tình trạng máy bay nên chưa diễn ra sự kiện bảo hiểm. Điều này còn tùy thuộc vào quy định tại mỗi quốc gia. Mỗi nước có thể quy định khác nhau về việc bao nhiêu lâu không tìm thấy thì máy bay được coi là mất tích.
Khi nhà chức trách chính thức công nhận chiếc máy bay đó mất tích, lúc đó hãng bảo hiểm sẽ chi trả. “Lúc này mới gọi là diễn ra sự kiện bảo hiểm.” – LS. Long nói.
Với hành khách chiếc máy bay MH370 mất tích, khi nhà chức trách Malaysia chính thức công nhận mất tích, gia đình họ sẽ được chi trả tiền bảo hiểm giống như trường hợp họ chết vì tai nạn máy bay.
Theo luật sư Long, hành khách và bên thứ 3 chắc chắn sẽ được bảo hiểm nhưng chiếc máy bay thì chưa chắc. Điều này tùy thuộc vào điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng. Đây là loại bảo hiểm không bắt buộc nên chủ sở hữu có thể thương thảo với hãng bảo hiểm về cách thức bảo hiểm. Hai bên có thể đồng ý bảo hiểm trong các trường hợp tai nạn, mất cắp, khủng bố, chiến tranh, động đất,…
Máy bay cũng như ô tô, có loại bảo hiểm đối với trường hợp mất mát. Nếu hai bên đã thỏa thuận bảo hiểm mất mát, thì khi xe bị mất cắp, chủ xe báo công an mà trong một thời hạn nhất định không tìm thấy, bảo hiểm sẽ phải chi trả.
Vị luật sư cho hay, một hợp đồng bảo hiểm đôi khi có đến hàng nghìn trang với những điều khoản rất phức tạp. Trong đó sẽ ghi cụ thể, trường hợp tai nạn đền bù thế nào, khủng bố đền bù mức nào, thiên tai thế nào, mất tích được chi trả ra sao,… Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, hãng bảo hiểm sẽ dựa vào các điều khoản để chi trả.
Mất tích là một loại rủi ro
Luật sư Trần Thị Hải Yến (Văn phòng Luật sư Trịnh, Hà Nội) cho biết, vé máy bay là một bằng chứng về hợp đồng vận chuyển hành khách và hành lý, trong đó có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển đối với thiệt hại của bên thứ ba, trong đó có hành khách, hành lý do các tai nạn, sự cố của máy bay gây ra. Các văn kiện pháp lý được áp dụng để điều chỉnh mối quan hệ hợp đồng vận chuyển này (bao gồm các công ước quốc tế như công ước Warsaw 1955 hoặc công ước Montreal 1999 và pháp luật quốc gia mà tàu bay đó đăng ký quốc tịch.
Để chia sẻ gánh nặng tài chính của mình khi phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thông thường các hãng vận chuyển hàng không sẽ mua bảo hiểm đối với các rủi ro có khả năng gây ra tai nạn, sự cố cho máy bay của họ trên cơ sở ký kết các hợp đồng bảo hiểm, trong đó có trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không. Giấy chứng nhận bảo hiểm dân sự là một trong những tài liệu bắt buộc đảm bảo hãng vận chuyển có đủ điều kiện thực hiện hoạt động bay.
Trường hợp đối với hành khách trong vụ mất tích máy bay Malaysia, cho dù tai nạn máy bay do nguyên nhân gì thì người vận chuyển phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các hành khách, hành lý của họ và do các hãng hàng không đã mua bảo hiểm cho các rủi ro xảy ra cho máy bay của mình thì người bảo hiểm sẽ thực hiện việc bồi thường đó.
Việc mất tích máy bay được coi là tổn thất toàn bộ nếu được các nhà chức trách chính thức công bố, khi đó hành khách hành lý trên máy bay sẽ được người bảo hiểm chi trả bảo hiểm như đối với trường hợp chết do tai nạn máy bay.
Về phía các thân nhân của hành khách bị chết, mất tích có thể được hãng vận chuyển hàng không chi trả một khoản ứng trước và sau khi hoàn tất quy trình, thủ tục bồi thường bảo hiểm giữa nhà bảo hiểm và hãng vận chuyển thì số tiền bảo hiểm thương vong, mất tích đối với hành khách, hành lý sẽ chính thức được chi trả đầy đủ.
Luật sư Yến còn cho rằng, nếu hãng hàng không Malaysia đã mua bảo hiểm rủi ro cho chiếc máy bay MH370, họ sẽ được chi trả số tiền bảo hiểm này, chỉ là sớm hay muộn tùy thuộc vào nỗ lực hoàn thiện thủ tục bảo hiểm giữa hãng vận chuyển và người bảo hiểm mà thôi. Đối với bản thân chiếc máy bay mất tích là thiệt hại toàn bộ về tài sản vật chất máy bay và hãng vận chuyển hàng không cũng sẽ được hưởng tiền bảo hiểm đối với giá trị của máy bay đó tại thời điểm mất tích.
Theo luật sư Yến, các rủi ro được bảo hiểm không phải là việc máy bay đó mất tích hay không mất tích mà chính là nguyên nhân hay rủi ro gây ra hay dẫn đến việc mất tích đó mới là điều phải xem xét trong quan hệ mua bảo hiểm rủi ro máy bay, ví dụ như do các nguyên nhân thiên tai hay không tặc, chiến tranh,...
Vị luật sư này cũng cho biết, trong hợp đồng bảo hiểm có thể có điều khoản loại trừ trách nhiệm bồi thường của người bảo hiểm đối với một số rủi ro gây ra tai nạn, sự cố máy bay hoặc nếu người bảo hiểm chấp thuận bảo hiểm cho các rủi ro đó thì phí bảo hiểm sẽ rất cao. Đối với máy bay, tàu biển, hợp đồng bảo hiểm thường loại trừ một vài trường hợp rủi ro, trong đó có “khủng bố” và thường là điều khoản bảo hiểm bổ sung.
Nếu muốn bảo hiểm cho trường hợp khủng bố, hãng hàng không phải trả phí rất cao và tùy thuộc việc hãng bảo hiểm có chấp thuận hay không. Điều này cũng phải được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Nếu hãng hàng không không mua được loại bảo hiểm cho trường hợp khủng bố, đến khi gặp nạn vì điều này, họ phải tự gánh chịu thiệt hại.
Cho dù máy bay có được bảo hiểm hay không được bảo hiểm, hành khách, theo vị luật sư, vẫn được hưởng các khoản tiền bồi thường từ hãng vận chuyển. Vì một vài lý do có thể hãng vận chuyển cân nhắc việc mua bảo hiểm rủi ro khủng bố để cắt giảm chi phí, song bảo hiểm trách nhiệm dân sự cơ bản của hãng vận chuyển đối với thiệt hại cho bên thứ ba, trong đó có thiệt hại về tính mạng con người đều được các hãng hàng không quan tâm, đồng thời là yêu cầu bắt buộc theo luật định.
Vị luật sư kết luận, nguyên tắc bảo hiểm giữa các quốc gia về cơ bản giống nhau trên cơ sở các quy định tại các điều ước quốc tế mà họ ký kết, tham gia hoặc các thể lệ, quy tắc do các hiệp hội của các nhà bảo hiểm thống nhất ban hành khi thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm. Một hãng bảo hiểm ở quốc gia này vẫn có thể nhận bảo hiểm cho một cá nhân hoặc doanh nghiệp ở quốc gia khác thông qua hệ thống các nhà bảo hiểm của họ tại quốc gia đó.
Ý kiến bạn đọc