Cảm động cách phòng chống tội phạm trên mạng xã hội

10:32, 23/03/2014
|

(VnMedia)- Ngoài những tính năng giải trí, kết nối của mạng xã hội, các cư dân mạng còn thường xuyên chia sẻ những cách phòng chống tội phạm trên không gian ảo này. Nó là bài học hữu ích giúp cho nhiều người khác tránh được những tình huống bị lừa hoặc mất tiền oan...

Cảnh báo mất tiền, chia sẻ thông tin tìm người lạc

Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện lời cảnh báo để tránh bị cướp khi vào rút tiền tại ATM.

“Mọi người chú ý nhé! Nếu bạn gặp phải 1 tên cướp ép bạn vào máy ATM bắt bạn rút tiền, bạn không nên phản kháng, vì bạn không biết được hắn có thể làm gì với bạn. Việc bạn nên làm là hãy nhập mã số PIN của bạn theo chiều ngược lại. Ví dụ: nếu mã số PIN của bạn là 1234 thì bạn hãy ấn 4321. Khi bạn ấn ngược mã số PIN, số tiền trên vẫn sẽ chạy ra, nhưng khi ra được 1 nửa thì sẽ dừng lại, đồng thời sẽ gửi thông báo đến cho công an! Mỗi máy ATM đều có chương trình này, nó được tạo ra nhằm ngăn chặn nguy hiểm cho bạn và giúp bạn thông báo cho công an. Nhưng không phải tất cả chúng ta đều biết .... Hãy share vì an toàn cho chính mình và người thân của bạn nhé".

Ảnh minh họa

Trong ngày hôm qua 22/3, trên mạng xã hội một thông tin được chia sẻ rộng rãi là trường hợp một cụ già đi lạc.

Theo đó, vào hồi 11h30 ngày hôm nay (22/3), tại vòng xuyến Cầu Giấy (Hà Nội) trong lúc làm nhiệm vụ, tổ công tác CSGT Hà Nội gồm Thượng úy Nguyễn Ngọc Tiến, Trung úy Trần Thanh Hải và Trần Tiến Dũng, thuộc đội CSGT số 2, CA Hà Nội phát hiện cụ già đang lạc tại gần chốt trực.
Qua thăm hỏi, CSGT phát hiện cụ bị lạc đường và không thể tìm được đường về nhà. Lực lượng CSGT đội 2 đã đưa cụ về đội để giúp đỡ, chăm sóc.

Ảnh minh họa

Hình ảnh cụ già đi lạc được chia sẻ trên mạng xã hội

Tại đội CSGT số 2, cụ cho biết cụ tên mình là Nghiêm Thị Hà, quê Trà Cổ, Móng Cái (Quảng Ninh) lên nhà con trai ở. Cụ đã đi bộ từ nhà ra đường, lên một chiếc xe taxi dọc đường. Tuy nhiên, do không biết mình đi đâu nên lái xe taxi đã thả cụ gần ngã tư Cầu Giấy - Xuân Thủy và ngay sau đó cụ bị lạc.

Bằng mọi nghiệp vụ động viên của các chiến sỹ CSGT đội 2 nhưng cụ hoàn toàn không thể nhớ được địa chỉ nhà các con của mình. Cụ chỉ nhớ được rằng, mình đã gần 100 tuổi, có con trai là Hoàng Văn Lân và con gái là Hoàng Thị Liên.

Chỉ huy đội CSGT số 2 đã chỉ đạo, dùng xe chuyên dụng của lực lượng, bình tĩnh, ân cần đưa cụ trở lại những cung đường cụ đã đi qua trong thời gian bị lạc nhằm giúp cụ có thể hồi tưởng được đường về nhà.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình tìm lại đường về, đã qua nhiều điểm cụ hồi tưởng, đã gặp rất nhiều người dân nhưng cụ hoàn toàn không thể chỉ được bất cứ thông tin gì để lực lượng CSGT có thể giúp cụ về nhà.

Rất may là sau đó, con gái cụ là chị Hoàng Bích Liên (trú tại ngõ 242 Thụy Khuê, Hà Nội) đã biết tình hình về mẹ mình và liên hệ với các chiến sĩ Đội CSGT số 2 để đón cụ về nhà.

Cảnh báo nguy hiểm trên đường

Đây là chia sẻ của một phụ huynh trên mạng xã hội:

10h40 con gái tự đi xe đạp điện về nhà. Đến toà nhà Lotte đang xây trên đường Liễu Giai, con gái chợt nghe gọi giật lại

Nhi ơi! Nhi!

Một cặp vợ chồng khoảng 38- 40 tuổi đi xe Airblade đen chạy theo vừa đi vừa nói:

- Nhi con bố Phong nhà Cầu Giấy phải không?

Vâng! Con gái trả lời.

Người đàn bà giọng miền nam đon đả: Cô chú là bạn bố, vợ chồng chú Tuấn ở TP.HCM ra, đến nhà cháu mấy lần không gặp. Cô chú có món quà gửi bố cháu đến lấy luôn nhé vì chiều cô chú bay vào sài gòn rồi, cháu theo cô chú nhé.

Con gái tôi cứ nghĩ là bạn bố thật nên chạy theo.

Vừa đi qua ngã tư Liễu Giai Daewoo thẳng sang Nguyễn Chí Thanh, người đàn ông nghe điện thoại và nói với người đàn bà. "Phòng vé máy bay gọi anh ra ngay lấy vé. Em đi về cùng cháu nhé"

Người đàn bà đồng ý ngay. Nhi yêu cầu đèo người đàn bà nhưng cô ta gạt ngay và nói

- Cháu không biết đường để cô đèo cho nhanh. Con gái đành nghe theo lời người lớn.

Vòng vào hồ Ngọc khánh rẽ vào một ngõ vào một ngách người đàn bà dừng xe trước một ngôi nhà 3 tầng nhưng khoá cửa, ả lẩm bẩm:" lại đi đâu rồi"

Rút điện thoại ả bấm máy cố tình bật loa ngoài và nói:

- Mẹ đang ở đâu về mở cửa cho con?

Đầu dây bên kia tiếng bà già trả lời: "mẹ đang ở hàng cháo nhà Hải, tao đang đau chân mày ra đây mà lấy"

Cháu, cháu cho cô mượn xe ra lấy chìa khoá rồi về luôn. Con gái nhất quyết không đồng ý. Ả lại ra bài: "sợ cô lừa à, số đt của bố đây này 09....,,,,cô là bạn bố mà". Nhi nhận ra số điện thoại bố rồi thế là đồng ý luôn.

Chuông điện thoại reo giọng con gái gọi. Tiếng khóc nấc nghẹn ngào:" mẹ..mẹ ơi! Mẹ đến ngay công an P. Ngọc Khánh nhé, mẹ đến ngay đi..nấc.. Con ...nói với mẹ sau" tôi vội vàng lấy xe đi ngay. Lòng chắc mẩm có lẽ bị CA bắt do o đội mũ hoặc vi phạm giao thông. Đến phương cô thấy con mình bắt đầu hoảng loạn, chợt nhìn thấy trên bàn chữ con gái run run viết "Bản tường trình mất xe đạp điện".

Đưa xe cho người ta xong chợt nhớ ra gọi cho bố, không kịp nữa rồi, chỉ còn kịp chạy ra đường nhờ một chị sinh viên đi đường đuổi theo nhưng lại không kịp nữa. Chị sinh viên tốt bụng chở con gái vào đồn CA để trình báo.

Theo chia sẻ của phụ huynh này, câu chuyện mới xảy ra 3/3/14. "Tôi viết ra chỉ muốn chia sẻ để các bố, các mẹ kể cho con, cháu mình và phòng ngừa bọn lừa đảo. Tài sản không hy vọng tìm được nhưng chỉ mong sao mọi người chia sẻ cho nhau để cảnh báo và phòng ngừa các thủ đoạn lưu manh tương tự", vị phụ huynh viết.

Những cảnh báo không bao giờ thừa

Theo nhận định của chính cơ quan chức năng, tình hình tội phạm đang diễn biến mỗi ngày một phức tạp. Để bảo vệ an toàn tài sản và tính mạng của mình mỗi người đều phải tự nâng cao cảnh giác. Chính vì vậy, những chia sẻ giúp đỡ nhau của cộng đồng mạng sẽ giúp ích rất nhiều cho rất nhiều người...


Nhật Lâm

Ý kiến bạn đọc