Chưa rõ cơ quan nào điều tra vụ án oan tại Bắc Giang

15:57, 24/02/2014
|

(VnMedia)- Theo luật sư Vũ Thị Nga, trưởng Văn phòng Luật sư Công lý Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp lý, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, muốn điều tra, làm rõ trách nhiệm của những cá nhân gây ra vụ án oan 10 năm tại Bắc Giang thì trước hết các cơ quan chức năng phải xem xét, khởi tố vụ án bức cung, nhục hình.

Tại buổi giao lưu trực tuyến "Ông Nguyễn Thanh Chấn và hậu án oan 10 năm", trả lời câu hỏi của bạn đọc về Cơ quan nào sẽ điều tra, làm rõ trách nhiệm những cá nhân gây ra vụ án oan 10 năm trước? Luật sư Vũ Thị Nga cho biết, hiện tại, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang thụ lý, điều tra đối với Lý Nguyễn Chung về hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan. Đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, vừa qua Cục Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố quyết định đình chỉ bị can và đồng thời minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn.

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Thanh Chấn.

"Riêng với việc cơ quan nào sẽ điều tra, làm rõ trách nhiệm của những cá nhân gây ra vụ án oan 10 năm trước đây thì trước hết các cơ quan chức năng phải xem xét, khởi tố vụ án bức cung, nhục hình. Sau đó sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong vụ án này nếu có dấu hiệu của tội bức cung, dùng nhục hình thì việc các cơ quan chức năng nên giao cho một cơ quan độc lập như cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Như vậy việc điều tra mới đảm bảo được tính khách quan, toàn diện và kiên quyết đấu tranh tội phạm", Luật sư Nga cho biết.

Về câu hỏi "có khả năng có thể tìm ra chứng cứ để chứng minh ông Chấn bị bức cung, nhục hình?",
Luật sư Vũ Thị Nga cho biết: "Trong trường hợp này, việc tìm ra những chứng cứ để chứng minh ông Chấn bị ép cung, nhục hình là rất khó bởi lẽ vụ việc cũng đã xảy ra rất lâu (hơn 10 năm). Nếu có căn cứ để chứng minh là cơ quan điều tra dùng nhục hình đối với ông Chấn thì bây giờ những dấu vết trên cơ thể cũng không còn. Hoặc có nhân chứng tại thời điểm này thì những phạm nhân được chứng kiến tại thời điểm đó cũng đã mãn hạn tù. Mặt khác, khi ông Chấn phải thực hiện điều tra xét hỏi thì chỉ có mình ông Chấn với các cán bộ điều tra, không có người giám sát, không có người cùng tham gia xét hỏi bởi lẽ năm 2003 luật tố tụng hình sự lúc đó chưa quy định là luật sư được tham gia xét hỏi từ giai đoạn khởi tố bị can".

Tại buổi giao lưu, khi được đề nghị phân tích tại sao vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn được đưa ra xét xử “tái thẩm” chứ không phải là “giám đốc thẩm”?, Luật sư Vũ Thị Nga nói: Theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự về thủ tục tái thẩm và Giám đốc thẩm: Tính chất của Giám đốc thẩm theo Điều 272 của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì Giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc Quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án. Và căn cứ để kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm (Điều 273) thì bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, khi có 1 trong những căn cứ: Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ; Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố, xét xử; Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.

Theo phân tích của luật sư Vũ Thị Nga, tính chất của tái thẩm là thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó. Và căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm: Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật; Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm đã có kiết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai;  Vật chứng, biên bản điều tra, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật; Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật.

Như vậy thì thủ tục giám đốc thẩm là thủ tục sẽ được xem xét toàn bộ tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ để xem xét vụ án. Còn tái thẩm trong quá trình đã xét xử xuất hiện một tình tiết mới, có thể đảo ngược, thay đổi hoàn toàn bản chất vụ án, tình tiết mới đó phải thay thế toàn bộ nội dung vụ án.

Vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn thì được đưa ra theo thủ tục tái thẩm bởi lẽ có 1 tình tiết mới là bà Chiến đã làm đơn tố cáo hung thủ Lý Nguyễn Chung, sau đó Lý Nguyễn Chung ra tự thú và đã được các cơ quan chức năng xem xét là tình tiết mới. Tình tiết này đã làm đảo ngược, thay đổi toàn bộ bản chất vụ án, thay đổi toàn bộ nội dung vụ án. Chính vì vậy, vụ án này được đưa ra xem xét theo thủ tục tái thẩm.


Nhật Lâm - (ghi)

Ý kiến bạn đọc