(VnMedia)- Theo thống kê, trong năm 2013, toàn quốc xảy ra 179 trường hợp ùn tắc giao thông, so với năm 2012, giảm 17 trường hợp (7,2%). Đáng chú ý là những vụ ùn tắc giao thông trong năm 2013 chủ yếu xảy ra nhiều tại một số tuyến quốc lộ đang sửa chữa hoặc các tuyến đường độc đạo..
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ-đường sắt, tính riêng năm 2013, toàn quốc đăng ký mới 142.969 xe ô tô, 2.760.226 xe mô tô nâng tổng số phương tiện giao thông đường bộ được đăng ký cấp biển số đến hết tháng 11/2013 là: 2.144.277 ô tô; 39.654.767 mô tô; so với cùng thời điểm năm 2012, số ô tô đăng ký mới tăng 7,1%, mô tô tăng 7,5%.
Việc tăng nhanh về số lượng của các phương tiện giao thông đường bộ cùng với đó là sự bất cập về cơ sở hạ tầng đã tạo ra những áp lực đối với giao thông. Tại các thành phố lớn, trong các giờ cao điểm thường phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là trong các dịp lễ hội, những thời điểm diễn ra sự kiện lớn thì công tác bảo đảm TTATGT thật sự là một nhiệm vụ nặng nề.
Một trong những công tác trọng tâm được lực lượng CSGT đường bộ-đường sắt xác định ngay từ đầu năm 2013 là tiếp tục triển khai các biện pháp tổ chức, chỉ huy điều khiển giao thông, kiên quyết kéo giảm ùn tắc giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.
Trong năm 2013, Cục CSGT đường bộ-đường sắt đã hướng dẫn, chỉ đạo công tác khảo sát tình hình tổ chức giao thông trên các địa bàn, tuyến đường; đã tham mưu, báo cáo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về TTATXH có các công văn, kế hoạch chỉ đạo và tổ chức khảo sát, kiến nghị các bất hợp lý về tổ chức giao thông; thông qua khảo sát, đã xác định được 71 "điểm đen", 1.225 điểm bất hợp lý trong tổ chức giao thông và kiến nghị cơ quan chức năng khắc phục.
Nhiều địa phương đã huy động tối đa lực lượng, kể cả các nữ CSGT tham gia công tác chỉ huy, điều khiển giao thông tại các ngã tư vào các giờ cao điểm nhằm đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm có nguy cơ ùn ứ cao. Kết quả đạt được là rất tích cực, được nhân dân và dư luận đánh giá cao. Cục CSGT đường bộ-đường sắt cũng đã phối hợp và tiến hành sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp bảo đảm TTATGT trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Đa số Công an các địa phương đã bố trí lực lượng Cảnh sát giao thông và huy động các lực lượng khác tham gia hướng dẫn điều khiển giao thông, phân luồng, phân tuyến giải toả ùn tắc giao thông nhằm chủ động phòng ngừa không để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Các đồng chí CSGT cũng được bố trí kể cả vào thời điểm ban đêm tại các ngã tư nơi có lưu lượng phương tiện giao thông lớn, nhằm kịp thời xử lý các tình huống gây mất an toàn giao thông xảy ra.
Trong các mùa mưa lũ, lực lượng CSGT luôn luôn tăng cường lực lượng, ứng trực 24/24 đảm bảo giao thông được đảm bảo thông suốt. Ở nhiều điểm lũ lụt sâu, các đồng chí CSGT cũng không quản ngại khó khăn, sẵn sàng là những “cọc tiêu sống” để hướng dẫn cho các phương tiện giao thông đi lại, đảm bảo hoạt động giao thông bình thường.
Kết quả trên của lực lượng CSGT đường bộ toàn quốc thực sự đã góp phần tích cực trong việc kiềm chế, giải quyết ùn tắc giao thông. Theo thống kê, trong năm 2013, toàn quốc xảy ra 179 trường hợp ùn tắc giao thông, so với năm 2012, giảm 17 trường hợp (7,2%). Theo phân tích thì nguyên nhân xảy ra các vụ ùn tắc giao thông chủ yếu là: do hỏng xe gây cản trở giao thông 70 trường hợp (39,1%), do tai nạn giao thông 21 trường hợp (21,7%), do ngập đường 10 trường hợp (5,6%), do sửa chữa, thi công cầu, đường 59 trường hợp (29,6%), nguyên nhân khác 25 trường hợp (14%).
Một điều đáng chú ý là những vụ ùn tắc giao thông trong năm 2013 chủ yếu xảy ra nhiều tại một số tuyến quốc lộ đang sửa chữa hoặc các tuyến đường độc đạo, khi xảy ra tai nạn giao thông hoặc sự cố trên tuyến giao thông. Riêng tại Hà Nội, năm 2013 xảy ra 04 trường hợp ùn tắc giao thông kéo dài (so với năm 2012, giảm 18 trường hợp); số điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông giảm từ 67 điểm xuống còn 57 điểm; tại Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra 03 trường hợp ùn tắc giao thông kéo dài (so với năm 2012, giảm 3 trường hợp).
Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tình trạng ùn ứ giao thông, nhất là vào các giờ cao điểm tại các địa bàn đông dân cư. Rất mong rằng, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong đó có lực lượng CSGT, người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức, tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông nhằm đảm bảo giao thông luôn thông suốt, an toàn thực sự là “hạnh phúc của mọi nhà, mọi người”.
Ý kiến bạn đọc