Những quy định xử phạt “rắn” năm 2013

18:53, 29/01/2014
|

(VnMedia) - Được phép nổ súng với hành vi chống người thi hành công vụ; bất hiếu với cha mẹ, vợ chồng mắng chửi nhau bị phạt tiền; xử lý xe biển xanh, biển ngoại giao, nước ngoài... là những quy định tương đối "rắn" đz năm 2013.

Được phép nổ súng với hành vi chống người thi hành công vụ

Ngày 17/12/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 208/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Nghị định, để ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ, có thể áp dụng những biện pháp cụ thể như: Giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó; Cưỡng chế người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt hành vi vi phạm và chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ.

Ngoài ra, có thể áp dụng biện pháp bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ; khám người, phương tiện vi phạm; tước bỏ, vô hiệu hóa hung khí, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Nghị định nêu rõ, trình tự, thủ tục bắt giữ, khám xét người có hành vi chống người thi hành công vụ, khám phương tiện vi phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Theo Nghị định, trường hợp tập trung đông người chống người thi hành công vụ thì tiến hành các biện pháp vận động, thuyết phục đối tượng chấm dứt hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết phải tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng nhằm giải tán đám đông; ngăn chặn, bao vây, khống chế, cô lập, bắt giữ đối tượng cầm đầu, tổ chức, xúi giục.

Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Nghị định nêu rõ, việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nghị định nêu rõ, việc xử lý người có hành vi chống người thi hành công vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự.

Đặc biệt, theo Nghị định, sau khi xử lý vi phạm đối với người có hành vi chống người thi hành công vụ, cơ quan đã ra quyết định xử lý vi phạm có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản đến chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người vi phạm học tập, làm việc để có biện pháp phòng ngừa, quản lý, giáo dục. Văn bản thông báo của cơ quan đã ra quyết định xử lý vi phạm đối với người có hành vi chống người thi hành công vụ phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người có hành vi chống người thi hành công vụ; hành vi vi phạm, hình thức, biện pháp xử lý vi phạm đối với người có hành vi chống người thi hành công vụ.

 với các vụ án chống người thi hành công vụ, đề nghị Tòa án có thẩm quyền tăng cường tổ chức xét xử lưu động để góp phần phòng ngừa, giáo dục chung.

Theo Nghị định, trong trường hợp xảy ra tình trạng tập trung đông người để chống người thi hành công vụ hoặc trường hợp vượt quá khả năng giải quyết của mình thì người thi hành công vụ đề nghị các đơn vị vũ trang, chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phối hợp, hỗ trợ để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ người thi hành công vụ để kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật.

Bất hiếu với cha mẹ, vợ chồng mắng chửi nhau: Phạt tiền

Từ ngày 28/12, các hành vi như con bất hiếu với cha mẹ, cha mẹ ép con kết hôn, vợ chồng mắng chửi nhau... đều bị phạt tiền! Đây là một trong những quy định trong Nghị định 167 mới ban hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình.

Về phòng chống bạo lực gia đình, điều 49 quy định, phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho các thành viên gia đình và không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời, hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

Các hành vi đối xử tệ bạc với thành viên trong gia đình như bắt nhịn ăn, nhịn uống, chịu rét, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân, bỏ mặc, không chăm sóc người già yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, có hành vi lăng mạ chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cũng bị phạt từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng.

Với hành vi xua đuổi, gây áp lực thường xuyên về tâm lý như cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp lành mạnh nhằm cô lập, gây áp lực về tâm lý; không cho thành viên gia đình đi làm, không cho tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp lành mạnh; buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh bạo lực đối với người và vật; cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng thuốc kích dục sẽ bị phạt từ 100.000 đến 1 triệu đồng.

Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong quan hệ gia đình như hạn chế quyền thăm nom cháu đối với ông bà, con đối cha mẹ có thể bị phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án.

Người từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn, từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt 100.000-300.000 đồng.

Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn, tảo hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng các thủ đoạn khác có thể bị phạt 100.000-300.000 đồng...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Nghị định 167, hành vi mua bán dâm phải nhận mức phạt cao nhất. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định này, hành vi dẫn dắt, dụ dỗ hoạt động mua dâm, bán dâm; che giấu, bảo kê cho các hành vi mua dâm, bán dâm bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng. Trường hợp mua dâm nhiều người cùng một lúc thì bị phạt tiền từ 2-5 triệu; nếu lôi kéo hoặc ép buộc người khác cùng mua dâm sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Đối với hành vi bán dâm, theo Nghị định, sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng. Trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng lúc sẽ bị phạt từ 300.000-500.000 đồng. Nếu là người nước ngoài vi phạm, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi Việt Nam.

Những hành vi cung cấp địa điểm cho hoạt động mua dâm, bán dâm phạt từ 1- 2 triệu đồng. Lôi kéo, ép buộc hoặc cưỡng bức người khác bán dâm, dùng các thủ đoạn khống chế, đe dọa người mua dâm, bán dâm để đòi tiền, cưỡng đoạt tài sản phạt từ 5-10 triệu đồng…

Ngoài ra, hành vi môi giới mua dâm, bán dâm bị phạt từ 15-20 triệu đồng. Cũng sẽ phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ do thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm ở cơ sở do mình quản lý.

Bên cạnh đó, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh.

Tại Nghị định 167, nội dung xử phạt hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót nơi công cộng vốn được quy định trong Nghị định từ trước tới nay đã chính thức bỏ.

Trước đó, Nghị định 73 (có hiệu lực từ năm 2010 đến nay) quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt 60.000 đến 100.000 đồng đối với hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội.

Theo đó, khi Nghị định mới này có hiệu lực vào ngày 28/11 thì Nghị định 73 sẽ hết hiệu lực. Do vậy quy định phạt hành vi "thả rông" sẽ không còn tồn tại.

Mặc dù quy định phạt “thả rông” tồn tại trên văn bản giấy tờ từ trước đến nay nhưng trên thực tế, gần như chưa có ai bị xử phạt lỗi này.

Đầu tháng 6 năm nay, Bộ Công an công bố Dự thảo Nghị định mới để lấy ý kiến rộng rãi, vẫn đưa nội dung này vào. Mặc dù quy định đã có từ lâu nhưng vừa qua đã tạo ra nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận. Sau đó, Bộ Công an soạn lại Dự thảo và bỏ nội dung này ra khỏi Nghị định.

Đến nay, Chính phủ đã phê duyệt ban hành Nghi định. Như vậy, tới đây, quy định xử phạt hành vi này trên giấy tờ cũng chính thức hết hiệu lực.

Bộ Công an đề nghị tịch thu xe ngoại giao ngoài luồng

Ngày 6/9/2013 Bộ Công an có công văn 3460/BCA-C61 góp ý vào dự thảo của Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xử lý xe ô tô, xe máy mang biển số ngoại giao, biển số nước ngoài đã chuyển nhượng, sử dụng không đúng quy định.

Ảnh minh họa

Xe biển nước ngoài bị tịch thu

Theo đó, ngoài đề nghị tịch thu nêu trên, Bộ Công an còn đề nghị với những trường hợp đã làm thủ tục thu hồi đăng ký, biển số trước ngày 11/6/2013 nhưng chưa nộp thuế hoặc trường hợp người sử dụng xe đi công tác nước ngoài hoặc bị ốm…đến nay mới đến cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục thu hồi đăng ký, biển số thì Bộ Tài chính điều chỉnh lại cách tính thuế phù hợp với giá trị hiện nay của xe, báo cáo Thủ tướng cho phép được nộp thuế và đăng ký sử dụng xe.

Sau khi có văn bản này, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến về việc xử lý xe ô tô, xe gắn máy mang biển số ngoại giao, biển số nước ngoài sử dụng không đúng quy định.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu đối với trường hợp người quản lý, sử dụng các xe nêu trên đã đến cơ quan Công an làm thủ tục thu hồi giấy đăng ký, biển số xe trong thời hạn Bộ Công an quy định và làm thủ tục chuyển nhượng, nộp thuế theo đúng quy định trước ngày 1/1/2014 thì không bị phạt chậm nộp thuế.

Đối với trường hợp không đến cơ quan Công an làm thủ tục thu hồi giấy đăng ký, biển số xe trong thời hạn Bộ Công an quy định hoặc đã làm thủ tục thu hồi giấy đăng ký, biển số xe trong thời hạn quy định nhưng đến ngày 1/1/2014 không làm thủ tục chuyển nhượng, nộp thuế mà vẫn tiếp tục quản lý, sử dụng xe trái quy định, các cơ quan chức năng phải kiểm tra, bắt giữ và xử lý nghiêm (kể cả xử lý tịch thu) theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Theo thống kê của Bộ Công an, cả nước hiện có khoảng 4.000 xe ngoại giao nhập khẩu từ năm 1998 đến hết tháng 8/2009, trong đó hàng nghìn ôtô chưa làm thủ tục chuyển nhượng hoặc đã chuyển nhượng nhưng không đóng thuế.

Tình trạng người mua ô tô đắt tiền mang biển số nước ngoài hoặc biển ngoại giao nhưng không sang tên đổi chủ, vẫn sử dụng xe quá thời gian quy định...  làm  thất thu một khoản  thuế không nhỏ cho ngân sách nhà nước.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc