Những đạo luật được mong chờ năm 2014

12:58, 31/01/2014
|

(VnMedia)- Năm 2014 có nhiều luật có hiệu lực thi hành, trong đó, có những Luật được mong chờ khi thông qua sẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.

Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2014

Với 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992), Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2013 thực sự là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.

Ảnh minh họa

Từ 1/1/2014 Hiến pháp 1992 sửa đổi đã có hiệu lực thi hành.

So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2013 có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy Nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.

Hiến pháp đã thể hiện rõ hơn bản chất của Nhà nước Việt Nam là Nhà nước dân chủ, Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.

Hiến pháp tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, trách nhiệm của Đảng trước nhân dân; khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn và các tổ chức chính trị-xã hội và các tổ chức khác trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiến pháp thừa nhận, tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; tiếp tục bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hiến pháp tiếp tục khẳng định yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Luật Đất đai 2003 (sửa đổi )

Sau Hiến pháp 1992 (sửa đổi), Luật Đất đai 2003 (sửa đổi năm 2013) là đạo luật quan trọng được người dân cả nước quan tâm. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014.

So với Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai (sửa đổi) có 14 chương với 212 điều, tăng 7 chương và 66 điều với rất nhiều điểm mới nổi bật.

Ảnh minh họa

Từ 1/7/2014, Luật Đất đai 2003 (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành.

Trước hết, Luật Đất đai sửa đổi đã quy định cụ thể hóa các quyền nghĩa vụ của Nhà nước đối với người sử dụng đất; bổ sung những nội dung cơ bản trong việc điều tra, đánh giá về tài nguyên đất đai để phục vụ cho kinh tế xã hội mà Luật Đất đai năm 2003 chưa có quy định cụ thể.

Một điểm mới được đánh giá cao trong Luật Đất đai sửa đổi là đã quy định đầy đủ, rõ ràng các đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và điều kiện để triển khai thực hiện các dự án đầu tư để Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Qua đó, có thể khắc phục một cách có hiệu quả việc giao đất, cho thuê đất một cách tràn lan chưa tính đến năng lực của các chủ đầu tư trong việc triển khai các dự án gây nên tình trạng sử dụng đất lãng phí, kém hiệu quả như trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó,  Luật xác định rõ những trường hợp mà Nhà nước phải thu hồi đất; quy định cụ thể và đầy đủ từ việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đảm bảo một cách công khai, minh bạch và quyền lợi của người có  đất thu hồi; đồng thời khắc phục và điều tiết một cách hài hòa lợi ích giữa Nhà nước là chủ sở hữu về đất đai, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Ngoài ra, Luật đã có một loạt sửa đổi, bổ sung mới rất đáng chú ý như sau: quy định đảm bảo quyền và lợi ích của những người sử dụng đất hợp pháp được cấp Giấy chứng nhận và bảo đảm thực hiện các quyền của người sử dụng đất, đồng thời khắc phục một cách cơ bản những trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản suất nông nghiệp; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đáp ứng yêu cầu tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; Luật đã thể hiện một cách đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất phù hợp với từng hình thức sử dụng đất cụ thể như giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất. Mặt khác, Luật sửa đổi cũng đã quy định đầy đủ hơn sự bình đẳng về sử dụng đất giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với yêu cầu hội nhập khu vực và thế giới nhằm thu hút đầu tư của các Nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) đã có thêm các quy định mới về hệ thống thông tin, hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá một cách công khai, minh bạch và đảm bảo dân chủ trong điều kiện đất đai thuộc sở hữu toàn dân.

Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 được đánh giá là đã khắc phục được một số tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2003.

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)

Điểm mới nhất trong Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí sửa đổi là đã có cơ chế quy trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí.

Theo đó, dù không trực tiếp để xảy ra lãng phí trong đơn vị  mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ hoặc không xử lý hành vi lãng phí theo thẩm quyền thì người đứng đầu cũng bị xử lý. Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp cũng phải chịu trách nhiệm liên đới và cũng bị xử lý về việc để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới và trong đơn vị do cấp phó của mình trực tiếp phụ trách. Tùy theo mức độ, người đứng đầu có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Luật sửa đổi có hiệu lực kể từ 1/7/2014.

Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Điểm đáng chú ý của Luật Đấu thầu sửa đổi là đã bổ sung một chương riêng về đấu thầu thuốc. Đồng thời, đã thêm hoạt động mua hàng dự trữ quốc gia sử dụng vốn Nhà nước (trong đó có mua thuốc sử dụng vốn nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập) vào phạm vi điều chỉnh của Luật.

Theo đó, tất cả các vấn đề về lựa chọn nhà thầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đối với lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc đều được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu.

Luật đã quy định rõ Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành các danh mục thuốc, đồng thời giao Chính phủ quy định trách nhiệm của các bộ, ngành (kể cả Bảo hiểm xã hội Việt Nam) trong đấu thầu thuốc.

Ngoài ra, để đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu, Luật Đấu thầu sửa đổi đã quy định rất chặt chẽ và chi tiết đối với điều kiện độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính giữa tất cả các loại nhà thầu với các bên liên quan. Trước đây Luật Đấu thầu 2005 chỉ yêu cầu một số loại nhà thầu độc lập về tổ chức và độc lập về tài chính, quy định cũng chưa thật đầy đủ và chặt chẽ.

Nhằm khắc phục việc “đi đêm” giữa nhà thầu với các cơ quan tổ chức đấu thầu, Luật Đấu thầu sửa đổi đã hạn chế một số trường hợp được áp dụng “chỉ định thầu”. Đồng thời để tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích và thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật cũng đã bổ sung quy định “chỉ định thầu” đối với nhà đầu tư và được áp dụng trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký và đủ năng lực thực hiện dự án.

Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.

Luật Tiếp công dân (Luật mới)

Tiếp công dân là công tác quan trọng và nhạy cảm, tuy nhiên thời gian qua còn nhiều bất cập hạn chế. Để đổi mới công tác tiếp công dân, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Luật Tiếp công dân lần đầu tiên được ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Luật Tiếp công dân là sự kế thừa và bổ sung hợp lý các quy định của Nghị định 89/CP năm 1997 về Ban hành quy chế về tiếp công dân và Luật khiếu nại 2011.

Một trong những nội dung cơ bản của Luật tiếp công dân là quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân và quyền, nghĩa vụ của cán bộ tiếp công dân. Đáng chú ý nhất trong nội dung này là công dân được ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác thay mặt mình thực hiện quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật và cán bộ tiếp công dân phải có nghĩa vụ hướng dẫn công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết.

Luật cũng quy định trách nhiệm chung của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác tiếp công dân; trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Thủ trưởng các bộ, ngành Trung ương và các sở, ngành địa phương, của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp; trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp, Chánh án tòa án các cấp; của người đứng đầu các cơ quan Kiểm toán Nhà nước; người đứng đầu tổ chức chính trị, xã hội; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do Ban tiếp công dân chuyển đến.

Đặc biệt, Luật Tiếp công dân có một chương quy định về tiếp công dân của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ban dân nguyện của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, của Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Luật Hòa giải ở cơ sở (Luật mới)

Trước đây Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 09/1998/PL-UBTVQH10 về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Với mục đích đẩy mạnh cải cách tư pháp và xuất phát từ ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với đời sống xã hội, Luật Hòa giải ở cơ sở đã được ban hành với tư cách một văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao để điều chỉnh thống nhất, có hiệu quả hơn về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

So với Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, Luật Hòa giải ở cơ sở có những điểm mới sau đây:

Luật mới đã đồng thời quy định một số vụ việc không hòa giải như: Tội phạm hình sự (trừ một số trường hợp nhất định); hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý vi phạm hành chính; kết hôn trái pháp luật; các tranh chấp phát sinh từ giao dịch trái pháp luật; các tranh chấp xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước; các vi phạm pháp luật và tranh chấp khác mà theo quy định của pháp luật không được hòa giải.

Luật còn bổ sung quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật nhằm xác định rõ những vấn đề mà Luật điều chỉnh; bổ sung chính sách của Nhà nước về hòa giải cơ sở và bổ sung một điều mới quy định về mục đích hòa giải cơ sở nhằm khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa xã hội to lớn của công tác hòa giải cơ sở trong đời sống xã hội, qua đó khẳng định về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật này.


Nhật Lâm

Ý kiến bạn đọc