(VnMedia) - Từ ngày hôm nay (1/1/2014), nhiều chính sách, quy định mới của nhà nước có ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội sẽ có hiệu lực...
Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực
Bản Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội khoá 13 thông qua với 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp 1992, sẽ có hiệu lực từ ngày hôm nay 1/1/2014. Theo đó, bản Hiến pháp sửa đổi lần này tiếp tục kế thừa phát triển, những nguyên tắc, nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 1992.
Đó là hiến định về nguyên tắc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các thành phần kinh tế, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội….
Theo đánh giá của các chuyên gia, bản Hiến pháp lần này quán triệt chủ thuyết chủ quyền nhân dân, tức nhân dân là chủ thể quyền lực nhà nước, chủ thể cao nhất, chủ thể duy nhất về quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Điều này được thể hiện từ lời nói đầu và xuyên suốt bản Hiến pháp lần này...
Tăng mức lương tối thiểu vùng
Một chính sách có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người lao động là từ ngày 1/1/2014, đó là mức lương tối thiểu vùng sẽ từ 1,9 - 2,7 triệu đồng/tháng (Theo Nghị định 182/2013/NĐ-CP).
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2014 tới đây như sau, vùng 1: 2,7 triệu đồng/tháng; vùng 2: 2,4 triệu đồng/tháng; vùng 3: 2,1 triệu đồng/tháng; vùng 4: 1,9 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250.000 - 350.000 đồng/tháng.
Sinh viên dân tộc thiểu số được hỗ trợ chi phí học tập
Sinh viên dân tộc thiểu số được hỗ trợ chi phí học tập
Kể từ ngày hôm nay, sẽ hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học, chính sách này áp dụng đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước, thi đỗ vào học đại học, cao đẳng hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm: Đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng.
Mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 10 tháng/năm học/sinh viên.
Quyết định này không áp dụng đối với sinh viên: Cử tuyển, các đối tượng chính sách được xét tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo liên thông, văn bằng hai và học đại học, cao đẳng sau khi hoàn thành chương trình dự bị đại học
Giảm mức phạt vi phạm giao thông
Theo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt vừa được ban hành, hầu hết các mức xử phạt không tăng mà còn giảm so với trước như hành vi đi xe máy không chính chủ bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng (Nghị định 71 là 800.000 đến 1,2 triệu đồng), ô tô từ 1 đến 2 triệu đồng (Nghị định 71 là 6 đến 10 triệu đồng).
Nghị định cũng quy định thêm một số hành vi mới sẽ bị xử phạt như: Không dừng lại cấp cứu người bị nạn khi gây TNGT sẽ bị xử phạt nặng nếu không chứng minh được hành vi bỏ trốn của mình là do bị uy hiếp...
Đặc biệt, một số hành vi tại nghị định được mô tả rõ hơn để tránh nhầm lẫn, giúp người dân hiểu rõ hơn hành vi của mình có thực sự vi phạm hay không như hành vi không đội mũ bảo hiểm.
Thuế suất, nhập khẩu ô tô giảm 50%
Thay vì giảm 60% như hiện nay, từ ngày 1/1/2014, thuế suất thuế nhập khẩu rất nhiều loại ôtô từ các nước ASEAN sẽ giảm về mức 50%.
Mức thuế suất này được quy định tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2012 - 2014 do Bộ Tài chính ban hành kèm theo Thông tư 161/2011-BTC ngày 17/11/2011.
Cũng theo biểu thuế này, thuế nhập khẩu các mặt hàng tương tự hiện đang áp dụng ở mức 60% và trước đó, năm 2012 áp dụng ở mức 70%. Riêng các loại xe tải và xe chuyên dụng sẽ được hưởng mức thuế suất 0 - 5%.
Sẽ phạt nặng nếu vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản
Vi phạm trong hoạt động báo chí phạt đến 200 triệu đồng
Kể từ hôm nay, Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực báo chí, xuất bản đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng.
Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không viện dẫn nguồn tin hoặc viện dẫn sai nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí; không ghi rõ họ, tên thật hoặc bút danh của tác giả, nhóm tác giả của tin, bài khi sử dụng để đăng, phát trên báo chí; sử dụng tin, bài để đăng, phát trên báo chí nhưng không biết rõ tên thật, địa chỉ của tác giả, nhóm tác giả.
Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng; đăng, phát thông tin kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy.
Đối với một trong các hành vi: Đăng, phát các tác phẩm đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; đăng, phát thông tin gây phương hại đến lợi ích quốc gia hoặc gây mất đoàn kết dân tộc thì sẽ bị phạt tiền từ 70-100 triệu đồng.
Nghiêm khắc xử phạt dự án triển khai "chui"
Chính phủ mới ban hành Nghị định số 155/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, trong đó có quy định về xử phạt đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã.
Theo đó, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi kê khai không trung thực, không chính xác khi đăng ký thành lập doanh nghiệp; đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; đăng ký giải thể doanh nghiệp...
Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi không công bố hoặc công bố không đúng thời hạn quy định nội dung đăng ký doanh nghiệp trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định.
Phạt tiền 10-20 triệu đồng không góp đủ số vốn như đã đăng ký và phạt tiền và 25-30 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc kinh doanh dưới danh nghĩa doanh nghiệp khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (hoặc đã giải thể)...
Đặc biệt, phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi triển khai thực hiện dự án khi chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2014 và thay thế các Nghị định số 53/2007 ngày 4/4/2007 và Nghị định số 62/2010 ngày 4/6/2010.
Phạt 10-15 triệu đồng hành vi biểu diễn vi phạm
Theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang mà không có giấy phép; thực hiện hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hoá Việt Nam hoặc hành vi làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại trong quá trình tổ chức biểu diễn.
Cũng theo Nghị định, sẽ đình chỉ hoạt động biểu diễn từ 3-6 tháng đối với người biểu diễn có một trong các hành vi: Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hoá Việt Nam; xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân; biểu diễn tác phẩm có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, tác phẩm bị cấm biểu diễn…
Nghị định 158/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2014
Ngoài ra, một số quy định mới như: không thu phí khi đổi tiền hư hỏng, siết chặt hoạt động quảng cáo, tổ chức, cá nhân khi thực hiện kê khai thuế sẽ áp dụng theo các biểu mẫu mới, giảm lệ phí đăng ký lần đầu đối với ô tô tại TP HCM…cũng sẽ có hiệu lực, bắt đầu từ tháng 1/2014.
Ý kiến bạn đọc