(VnMedia)- Theo dự kiến, chiều nay Hội đồng xét xử sẽ tuyên án bị cáo Dương Tự Trọng và các đồng phạm liên quan đến vụ tổ chức đưa Dương Chí Dũng (người mới bị tuyên án tử hình-PV) bỏ trốn ra nước ngoài. Bị cáo Dương Tự Trọng sẽ nhận mức án nào?
>> 15 giờ chiều nay tuyên án vụ xử Dương Tự Trọng
>> Giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn: Đề nghị khởi tố thêm vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác
Hai anh em Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng.
Cuối buổi chiều qua 7/1, ở phần kết thúc phần thẩm vấn, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội giữ quyền công tố trước tòa đã đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo về cùng tội danh “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài.”
Theo đó, bị cáo Dương Tự Trọng (SN 1962), nguyên Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) bị đề nghị mức án từ 18-20 năm tù.
Vũ Tiến Sơn (SN 1966), nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP Hải Phòng) bị đề nghị mức án từ 17-18 năm tù.
Hoàng Văn Thắng (SN 1970), nguyên Cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường (Công an TP Hải Phòng) bị đề nghị mức án từ 6-7 năm tù.
Đồng Xuân Phong (SN 1974), nguyên cán bộ Hải quan TP Hải Phòng, đang bỏ trốn, bị truy nãbị đề nghị mức án từ 6-7 năm tù.
Trần Văn Dũng (tên thường gọi là Dũng Bắc Kạn, SN 1968), từng bị TAND tỉnh Bắc Thái kết án về tội buôn lậu và tàng trữ trái phép chất ma túy bị đề nghị mức án từ 6-7 năm tù.
Nguyễn Trọng Ánh (SN 1985), nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP. Hải Phòng) bị đề nghị mức án từ 6-7 năm tù.
Phạm Minh Tuấn (SN 1961), nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng (Hải Phòng) (bạn thân của Dương Tự Trọng) bị đề nghị mức án từ 5-6 năm tù.
Tình tiết mới vụ đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn
Trong phiên xét xử hôm qua 7/1, đã có một tình tiết mới diễn ra khiến dư luận bất ngờ. Theo đó, quá trình thẩm vấn tại phiên tòa, Dương Chí Dũng với tư cách là người làm chứng đã khai một cán bộ công an đã gọi điện báo tin cho Dương Chí Dũng biết về việc sắp bị khởi tố, bắt giam.
Căn cứ vào lời khai này, đại diện Viện kiểm sát nhận thấy có dấu hiệu của hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác, do vậy đại diện Viện kiểm sát đã kiến nghị Hội đồng xét xử xem xét khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác theo quy định tại Điều 286 - Bộ Luật hình sự.
Điều 275: Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép 1. Người nào tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 91 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 2. Phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm. 1. Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 và Điều 263 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. 2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Ý kiến bạn đọc