(VnMedia)- Từ ngày 28/12, các cặp vợ chồng buộc phải "cơm sôi bớt lửa" khi tranh luận nếu không muốn bị cảnh cáo và phạt tiền đến 2 triệu đồng. Đây cũng là mức phạt đối với các hành vi như con bất hiếu với cha mẹ, cha mẹ ép con kết hôn...
Đây là một trong những quy định trong Nghị định 167 mới ban hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình.
Ảnh minh họa
Chế tài ngăn ngừa bạo lực gia đình
Về phòng chống bạo lực gia đình, điều 49 quy định, phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho các thành viên gia đình và không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời, hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
Các hành vi đối xử tệ bạc với thành viên trong gia đình như bắt nhịn ăn, nhịn uống, chịu rét, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân, bỏ mặc, không chăm sóc người già yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, có hành vi lăng mạ chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cũng bị phạt từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng.
Với hành vi xua đuổi, gây áp lực thường xuyên về tâm lý như cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp lành mạnh nhằm cô lập, gây áp lực về tâm lý; không cho thành viên gia đình đi làm, không cho tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp lành mạnh; buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh bạo lực đối với người và vật; cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng thuốc kích dục sẽ bị phạt từ 100.000 đến 1 triệu đồng.
Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong quan hệ gia đình như hạn chế quyền thăm nom cháu đối với ông bà, con đối cha mẹ có thể bị phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án.
Người từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn, từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt 100.000-300.000 đồng.
Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn, tảo hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng các thủ đoạn khác có thể bị phạt 100.000-300.000 đồng...
Ép buộc người khác mua dâm phạt 10 triệu đồng
Theo Nghị định 167, hành vi mua bán dâm phải nhận mức phạt cao nhất. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định này, hành vi dẫn dắt, dụ dỗ hoạt động mua dâm, bán dâm; che giấu, bảo kê cho các hành vi mua dâm, bán dâm bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng. Trường hợp mua dâm nhiều người cùng một lúc thì bị phạt tiền từ 2-5 triệu; nếu lôi kéo hoặc ép buộc người khác cùng mua dâm sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.
Đối với hành vi bán dâm, theo Nghị định, sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng. Trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng lúc sẽ bị phạt từ 300.000-500.000 đồng. Nếu là người nước ngoài vi phạm, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi Việt Nam.
Những hành vi cung cấp địa điểm cho hoạt động mua dâm, bán dâm phạt từ 1- 2 triệu đồng. Lôi kéo, ép buộc hoặc cưỡng bức người khác bán dâm, dùng các thủ đoạn khống chế, đe dọa người mua dâm, bán dâm để đòi tiền, cưỡng đoạt tài sản phạt từ 5-10 triệu đồng…
Ngoài ra, hành vi môi giới mua dâm, bán dâm bị phạt từ 15-20 triệu đồng. Cũng sẽ phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ do thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm ở cơ sở do mình quản lý.
Bên cạnh đó, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh.
Bỏ phạt "thả rông" nơi công cộng
Tại Nghị định 167, nội dung xử phạt hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót nơi công cộng vốn được quy định trong Nghị định từ trước tới nay đã chính thức bỏ.
Trước đó, Nghị định 73 (có hiệu lực từ năm 2010 đến nay) quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt 60.000 đến 100.000 đồng đối với hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội.
Theo đó, khi Nghị định mới này có hiệu lực vào ngày 28/11 thì Nghị định 73 sẽ hết hiệu lực. Do vậy quy định phạt hành vi "thả rông" sẽ không còn tồn tại.
Mặc dù quy định phạt “thả rông” tồn tại trên văn bản giấy tờ từ trước đến nay nhưng trên thực tế, gần như chưa có ai bị xử phạt lỗi này.
Đầu tháng 6 năm nay, Bộ Công an công bố Dự thảo Nghị định mới để lấy ý kiến rộng rãi, vẫn đưa nội dung này vào. Mặc dù quy định đã có từ lâu nhưng vừa qua đã tạo ra nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận. Sau đó, Bộ Công an soạn lại Dự thảo và bỏ nội dung này ra khỏi Nghị định.
Đến nay, Chính phủ đã phê duyệt ban hành Nghi định. Như vậy, tới đây, quy định xử phạt hành vi này trên giấy tờ cũng chính thức hết hiệu lực.
Ý kiến bạn đọc