Hoàn tất cáo trạng truy tố "bầu" Kiên

08:38, 19/12/2013
|

(VnMedia)- Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa có cáo trạng truy tố Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm nguyên là lãnh đạo Ngân hàng TMCP Á châu (ACB). Theo cáotrạng này, bầu Kiên bị truy tố một loạt tội danh: “kinh doanh trái phép”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”.

Theo cáo trạng, Nguyễn Đức Kiên là cổ đông của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ngân hàng ACB) từ năm 1993. Nguyễn Đức Kiên và người thân gia đình Kiên sở hữu 937.96.506 cổ phần Ngân hàng ACB, chiếm 9.03% vốn điều lệ, trong đó Kiên sở hữu 31.547.183 cổ phần, chiếm 3,37%. Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB từ năm 2003 đến tháng 8/2012 và đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB nhiệm kỳ từ 1994 đến 2008. Đến cuối năm 2007, Nguyễn Đức Kiên không tham gia Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB nhưng đề nghị Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB ra quyết định thành lập Hội đồng Sáng lập Ngân hàng ACB, do Kiên làm Phó Chủ tịch. Hội đồng Sáng lập Ngân hàng ACB có chức năng tư vấn cho Hội đồng quản trị; thành viên Hội đồng Sáng lập được tham gia và cho ý kiến tại tất cả các cuộc họ của Hội đồng quản trị và Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, được cung cấp đầy đủ các tài liệu về hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB. Như vậy, tuy không giữ chức danh do Ngân hàng Nhà nước chuẩn y nhưng với vị trí là Phó Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Ngân hàng ACB và đại diện nhóm cổ đông chiếm 9.03% vốn điều lệ, Nguyễn Đức Kiên có vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng ACB.

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Đức Kiên

Nguyễn Đức Kiên thành lập, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên của 6 công ty gồm: Công ty Cổ phần Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam; Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại B&B; Công ty Cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu; Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội; Công ty Cổ phần Đầu tư Á Châu và Công ty TNHH Đầu tư Á Châu Hà Nội. Thông qua việc chỉ đạo, điều hành hoạt động đối với các công y nêu trên và lợi dụng vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng ACB, Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm đã sử dụng năm công ty B&B, AFG, ACBI, ACI, ACI-HN dù không có chức năng nhưng vẫn kinh doanh tài chính với số tiền gần 10.000 tỉ đồng.

Không chỉ kiếm tiền bằng “nghề” kinh doanh trái phép trốn thuế bầu Kiên còn tham gia cả vào việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong phi vụ này, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty ACBI ký hợp đồng thế chấp 22,497 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát cho ACB để đảm bảo việc Công ty ACBI phát hành trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng tại Ngân hàng ACB, mặc dù chưa được được sự đồng ý giải chấp của Ngân hàng ACB và Công ty ACBS nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo Trần Ngọc Thanh giám đốc và Nguyễn Thị Hải Yến kế toán trưởng lập khống Biên bản họp Hội đồng quản trị, lập khống Quyết định của Hội đồng quản trị và chỉnh sửa sai lệch thông tin về thời gian trên các văn bản của Hội đồng Quản trị thể hiện chủ trương Công ty ACBI bán 20.000.000 cổ phần Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát cung cấp cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát làm cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát tin tưởng là Công ty ACBI đang quản lý và sở hữu 20.000.000 cổ phần Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, chưa chuyển nhượng và không có tranh chấp hoặc thực hiện bất kỳ nghĩa vụ bảo đảm với bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào. Tháng 5-2012, ông Kiều Chí Công, giám đốc đại diện Công bty TNHH 1 Thành viên thép Hòa Phát ký hợp đồng mua 20 triệu cổ phần này và chuyển 264 tỷ đồng cho ACBI. Nguyễn Đức Kiên sau đó đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền này.

Ngoài ra, bầu Kiên còn bị cáo buộc  “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khi cùng Thường trực HĐQT ACB khi có chủ trương ủy thác cho các cá nhân gửi tiết kiệm hơn 718,9 tỷ đồng vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè. Số tiền này sau đó bị Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè, chiếm đoạt.

Ngoài việc kinh doanh tài chính trái phép, Nguyễn Đức Kiên còn chỉ đạo kinh doanh vàng dù Công ty Thiên Nam không có chức năng kinh doanh vàng. Công ty này bị thua lỗ hơn 433 tỉ đồng.

Cũng liên quan đến hành vi kinh doanh vàng, Viện KSND tối cao cáo buộc Nguyễn Đức Kiên trốn thuế hơn 25 tỉ đồng khi lợi dụng chủ trương miễn thuế thu nhập cá nhân sáu tháng đầu năm 2009 bằng cách chuyển lợi nhuận từ công ty sang cho cá nhân.

 Diễn biến vụ việc

* Ngày 20/8/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “kinh doanh trái phép” xảy ra tại Công ty B&B, ACBI và ACB-HN. Khởi tố và bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Kiên về tội danh trên.

* Ngày 23/8/2012, khởi tố và bắt tạm giam bị can Lý Xuân Hải về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

* Ngày 17/9/2012, khởi tố bổ sung đối với bị can Nguyễn Đức Kiên; khởi tố và bắt tạm giam đối với Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

* Ngày 27/9/2012, khởi tố bị can đối với các ông Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang; khởi tố bổ sung đối với Nguyễn Đức Kiên về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

* Ngày 31/5/2013, khởi tố bổ sung đối với Nguyễn Đức Kiên về tội “trốn thuế”.

* Tháng 8/2013, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận điều tra vụ án, đề nghị Viện KSND tối cao truy tố tám bị can.

* Ngày 12/12/2013, Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng vụ án, truy tố bảy bị can với bốn tội danh. Đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc