"Bầu" Kiên và chặng đường vi phạm pháp luật

09:34, 21/12/2013
|

(VnMedia)- Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Nguyễn Đức Kiên đã có cả một thời gian dài "nhúng chàm" rồi mới bị phát hiện. Đáng nói là, dường như ngay từ khi muốn dấn thân vào thương trường, Nguyễn Đức Kiên đã có chủ ý phạm tội...

>> Hoàn tất cáo trạng truy tố "bầu" Kiên

Nguyễn Đức Kiên thành lập, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên của 6 công ty gồm: Công ty Cổ phần Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam; Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại B&B; Công ty Cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu; Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội; Công ty Cổ phần Đầu tư Á Châu và Công ty TNHH Đầu tư Á Châu Hà Nội. Thông qua việc chỉ đạo, điều hành hoạt động đối với các công y nêu trên và lợi dụng vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng ACB, Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm đã thực hiện các hành vi phạm tội cụ thể sau đây:

Theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, Công ty B&B chỉ kinh doanh vàng theo giấy phép, còn lại không kinh doanh các ngành nghề khác mà thực hiện kinh doanh tài chính không được cấp phép. Cụ thể:

- Từ ngày 4/9/2009 đến ngày 5/10/2009, Công ty B&B sử dụng 1.280.000.000.000 đồng trong tổng số 1.40 tỷ đồng vốn điều lệ góp vốn vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu (AFG) theo Hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần ngày 31/12/2008 của cá nhân Nguyễn Đức Kiên, Đặng Ngọc Lan (vợ Kiên), Nguyễn Thị Kim Thanh và Nguyễn Thúy Lan.

- Ngày 30/11/2010, Công ty B&B phát hành 10 triệu trái phiếu giá trị 1.000 tỷ đòng bán cho Ngân hàng ACB. Số tiền bán trái phiếu, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo sử dụng như sau:

+ Từ ngày 15 đến 23/12/2010, Công ty B&B chuyển 426.300.000.000 đồng cho Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) để mua 36.000.000 cổ phiếu Công ty Cổ phần Bất động sản Hòa Phát- Á Châu theo Hợp đồng số H ĐKT BB-011210 ngày 10/12/2010 giữa Nguyễn Thúy Hương với Công ty Cổ phần Bất động sản Hòa Phát- Á Châu.

+ Ngày 15/12/2010, Công ty B&B ủy thác cho Đặng Ngọc Lan 39 tỷ đồng, Đào Văn Kiên 140 tỷ đồng và Nguyễn Tuấn Anh 145.600.000.000 đồng để những người này mua cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam thương tín (VietBank).

+ Ngày 23 và 29/12/2010, Công ty B&B chuyển 55.070.000.000 đồng cho Công ty AFG để mua cổ phần Công ty Cổ phần Bất động sản Hòa Phát- Á Châu theo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 04/HP/HĐCN ngày 18/12/2010 giữa Công ty B&B với Công ty Cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu.

+ Ngày 23/12/2010, Công ty B&B chuyển 190.625.679.720 đồng cho Công ty Cổ phần Đầu tư Á Châu (Công ty ACI) để mua cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Nhà Rồng theo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 06-CNNR-BB/HĐCN ngày 20/6/2010 và mua cổ phần của Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn theo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 05/CNSGBB/HĐCN được ký giữa Công ty B&B và Công ty Cổ phần Đầu tư Á Châu

+ Ngày 29, 31/12/2010 và 31/3/2011, Công ty B&B chuyển 72.400.000.000 đồng cho Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (Công ty ACBI) để mua cổ phần Công ty Cổ phần Đầu tư INB, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Bắc Qua và Công ty cổ phần Thương mại Lãng Yên.

Như vậy, mặc dù Công ty B&B không được cấp phép ngành nghề kinh doanh tài chính nhưng từ ngày 4/9/2009 đến ngày 31/3/2011, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty B&B sử dụng số tiền 2.348.995.679.720 đồng để mua cổ phần và góp vốn vào công ty khác.

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Đức Kiên

Hành vi kinh doanh tài chính trái phép thông qua Công ty Cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu

Công ty Cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu (Công ty AFG) có trụ sở tại 184-186 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0103015218 ngày 16/1/2007, đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 3 ngày 27/8/2009 của Phòng Đăng ký kinh doanh số 01, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh của Công ty là: Mua bán vàng, bạc, đá quý; mua bán, gia công, sản xuất, xuất nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ, đá quý, đá bán quý; đại lý thu đổi ngoại tệ; nghiên cứu, phân tích thị trường; quản lý tài sản hữu hình và vô hình của doanh nghiệp; tư vấn đầu tư; xây dựng giao thông, cầu đường, dân dụng và công nghiệp; đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf; kinh doanh khách sạn, nhà hàng ăn uống; kinh doanh bất động sản. Người đại diện theo pháp luật là Nguyễn Đức Kiên- Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc. Vốn điều lệ của Công ty là 3.200 tỷ đồng.

Theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, Công ty AFG chỉ kinh doanh vàng theo giấy phép, còn lại không kinh doanh các ngành nghề khác mà thực hiện kinh doanh tài chính không được cấp phép dưới đây:

- Trong các ngày 15, 16 và 17/3/2007, Công ty sử dụng 3.200 tỷ đồng vốn điều lệ để mua 160.000 trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng ACB (giá 20.000.000 đồng/ 1 trái phiếu) từ 15 cá nhân theo Hợp đồng nhận chuyển nhượng trái phiếu.

- Ngày 25/3/2008, theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, Công ty AFG phát hành 4.000.000 trái phiếu đợt 1, tổng giá trị 400 tỷ đồng bán cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Nam và dùng số tiền này góp vốn 100 tỷ đồng vào Công ty ACI, góp vốn 300 tỷ đồng vào Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu- Hà Nội (Công ty ACI-HN).

- Từ ngày 5/5/2008 đến ngày 16/6/2009, Công ty AFG tiếp tục góp vốn 63 tỷ đồng vào Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu; 195 tỷ đồng vào Công ty ACI-HN và góp vốn 210 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (Công ty ACBI).

Như vậy, mặc dù công ty AFG không được cấp phép ngành nghề kinh doanh tài chính nhưng từ ngày 15/3/2007 đến ngày 16/6/2009, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty AFG sử dụng số tiền 4.068 tỷ đồng để mua trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng ACB và góp vốn vào các công ty khác là Công ty ACI, Công ty ACI-HN và Công ty ACBI.

Cũng tương tự, mặc dù Công ty ACBI không được cấp phép ngành nghề kinh doanh tài chính nhưng Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBI sử dụng số tiền 1.433.391.914.600 đồng để góp vốn vào các công ty khác và mua cổ phiếu Techcombank, Eximbank.

Ngày 29/7/2010, Công ty ACI-HN phát hành 3.500.000 trái phiếu, tổng giá trị 350 tỷ đồng bán cho VietBank. Sau đó Công ty ACI-HN sử dụng tiền bán trái phiếu và vốn huy động trả cho Công ty TNHH Chứng khoán ACB (Công ty ACBS) số tiền 353.484.112.415 đồng để mua lại 11.907.100 cổ phiếu Ngân hàng ACB.

Ngày 10/11/2010, Công ty ACI-HN phát hành 11 triệu trái phiếu, trong đó ngày 30/11/2010 Công ty bán 6.500.000 trái phiếu trị giá 50 tỷ đồng cho Ngân hàng ACB. Số tiền 650 tỷ đồng được sử dụng như sau: Ngày 30/11/2010 chuyển tiền cho ông Nguyễn Văn Hòa 91.171.590.000 đồng; ông Huỳnh Văn Sơn 85.993.950.000 đồng; ông Đỗ Minh Toàn 88.565.710.000 đồng; ông Lê Vũ Kỳ 99.180.970.000 đồng để những người này đứng tên thay cho Nguyễn Đức Kiên mua cổ phần DaiAbank; ngày 10/12/2010 ủy thác cho Ngân hàng ACB 58.500.000.000 đồng để mua 58.500 cổ phiếu VietBank.

Từ tháng 4 đến tháng 2011, Công ty ACI-HN sử dụng số tiền 234.010.843.476 đồng mua 15.770.800 cổ phiếu Aximbank trên sàn giao dịch chứng khoán.

Ngày 3/8/2012, sử dụng 35.899.883.365 đồng tiền vay để mua 3.457.100 cổ phiếu Công ty Xi măng Bút Sơn trên sàn giao dịch chứng khoán.

Như vậy, mặc dù Công ty ACI-HN không được cấp phép kinh doanh tài chính nhưng Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty sử dụng số tiền 1.411.371.592.926 đồng để góp vốn vào các công ty khác và mua cổ phiếu Ngân hàng ACB, DaiABank, VietBank, KienLongbank và Eximbank.

Không chỉ kinh doanh tài chính trái phép, từ tháng 5/2007 đến tháng 8/2012, Nguyễn Đức Kiên còn thông qua 6 công ty này để kinh doanh vàng trái phép với tổng số tiền hơn 21.490 tỷ đồng.

Không những thế, trong năm 2009, công ty B&B thực hiện các lệnh ủy thác cho ACB mua bán vàng trạng thái (còn gọi là vàng tài khoản) thu lãi hơn 100 tỷ đồng. Lợi dụng việc Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo vợ ký Hợp đồng và Phụ luc hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính, công ty B&B đã chuyển lợi nhuận kinh doanh trạng thái vàng của công ty cho em gái Kiên là bà Nguyễn Thu Hương thụ hưởng để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 25 tỷ đồng.  

Không chỉ kiếm tiền bằng “nghề” kinh doanh trái phép trốn thuế bầu Kiên còn tham gia cả vào việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong phi vụ này, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty ACBI ký hợp đòng thế chấp 22,497 triệu cỏ phần Công ty CP thép Hòa Phát cho ACB để đảm bảo việc Công ty ACBI phát hành trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng tại Ngân hàng ACB, mặc dù chưa được được sự đồng ý giải chấp của Ngân hàng ACB và Công ty ACBS nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo Trần Ngọc Thanh giám đốc và Nguyễn Thị Hải Yến kế toán trưởng lập khống Biên bản họp Hội đồng quản trị, lập khống Quyết định của Hội đồng quản trị và chỉnh sửa sai lệch thông tin về thời gian trên các văn bản của Hội đồng Quản trị thể hiện chủ trương Công ty ACBI bán 20.000.000 cổ phần Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát cung cấp cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát làm cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát tin tưởng là Công ty ACBI đang quản lý và sở hữu 20.000.000 cổ phần Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, chưa chuyển nhượng và không có tranh chấp hoặc thực hiện bất kỳ nghĩa vụ bảo đảm với bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào. Tháng 5-2012, ông Kiều Chí Công, giám đốc đại diện Công ty TNHH 1 Thành viên Thép Hòa Phát ký hợp đồng mua 20 triệu cổ phần này và chuyển 264 tỷ đồng cho ACBI. Nguyễn Đức Kiên sau đó đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền này.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc