(VnMedia)- Một trong những dấu vết để cơ quan điều tra nhận định hung thủ thật sự của vụ án giết người ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là hai vết sẹo trên cánh tay trái của Lý Nguyễn Chung....
Khi nhận được đơn kêu oan của vợ ông Nguyễn Thanh Chấn là bà Nguyễn Thị Chiến, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tiến hành điều tra, xác minh các nhân chứng liên quan đến vụ án, xác minh lý lịch của Lý Nguyễn Chung- đối tượng được nhắc đến như là hung thủ thực sự của vụ án.
Khi tiếp xúc và trong bản khai của Lý Nguyễn Chung sau khi được cơ quan điều tra vận động ra đầu thú có những chi tiết trùng khớp, có đủ căn cứ để xác định Lý Nguyễn Chung là thủ phạm gây ra vụ án giết người 10 năm trước.
Lý Nguyễn Chung tại trại giam. Ảnh: Vietnamnet.
Lý Nguyễn Chung khai gì tại cơ quan điều tra?
Theo lời khai nhận của Lý Nguyễn Chung, tối 15/8/2003, khi đi từ nhà đến quán chị Hoan để mua dầu gội đầu, Chung nhìn thấy trong tủ bán hàng tạp phẩm của chị Hoan để tiền bán hàng, Chung đã rút con dao bấm do Trung Quốc sản xuất (mang đi từ trước để trong túi quần phía sau) đâm chị Hoan 1 nhát về phía trước người.
Bị đâm, chị Hoan chửi và quay người bỏ chạy vào trong nhà. Chung đuổi theo dùng tay trái ghì vào cổ chị Hoan từ phía sau, dùng tay phải cầm dao đâm nhiều nhát vào người chị Hoan (từ phần ngực trở lên) đâm nhiều nhát và vào đâu Chung không nhớ rõ.
Do chị Hoan vùng vẫy nên Chung đã đâm trúng vào cánh tay trái của mình 2 nhát gây thương tích đến nay vẫn để lại hai vết sẹo.
Theo lời khai, ở thời điểm xảy ra án mạng đó, giữa chị Hoan và Chung có sự giằng co, vật lộn ở khu vực sát giường, tủ quần áo và cửa hậu. Chung đã tiếp tục dùng dao đâm vào người chị Hoan, làm gẫy lưỡi dao rơi xuống đất; Chung đã dùng tay túm tóc chị Hoan đập vào tường (gần cửa hậu).
Khi chị Hoan bị đau nằm ngửa, Chung dùng 2 tay túm vào người đập đầu chị Hoan xuống đất; dùng chân đá và đạp vào mặt chị Hoan; dùng chiếc gối chặn vào mặt chị Hoan cho chị Hoan tắt thở.
Theo báo cáo, quá trình làm việc, hồi 14h ngày 26/10/2013, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tiến hành lập biên bản kiểm tra thân thể của Chung, có sự chứng kiến của bác sỹ quân y, xác định trên tay trái của Chung có hai vết sẹo cũ. Điều này cho thấy, lời khai của đối tượng khớp với dấu vết còn lại trên cơ thể.
Lý Nguyễn Chung làm gì sau khi gây án?
Chính nhờ việc cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiên trì vận động người thân trong gia đình kêu gọi Chung ra đầu thú toàn bộ hiện trường vụ án giết người 10 năm trước mới được tái hiện.
Theo lời khai của Lý Nguyễn Chung, sau khi đã giết chết chị Hoan, Chung ra ngoài tủ kính bán hàng lấy tiền cho vào túi quần, (theo lời khai, về nhà Chung đếm được 59.000 đồng), rồi
quay lại chỗ chị Hoan nằm, thấy ở tay chị Hoan có 2 chiếc nhẫn vàng, Chung tháo 2 chiếc nhẫn của chị Hoan cho vào túi quần sau đó đi ra tắt điện đóng cửa đi về nhà.
Từ chỗ nạn nhân đi ra, Chung đi chân đất. Chuôi dai bấm sau khi gây án, trên đường đi về nhà, Chung vứt ở mương nước trước nhà ông Vui (cách nhà nạn nhân Hoan khoảng 60m). Khi về nhà, Chung tắm rửa, ăn cơm rồi đi ngủ.
Điểm đáng chú ý nhất trong lời khai của Lý Nguyễn Chung là việc chỉ một đêm sau khi gây ra cái chết của chị Nguyễn Thị Hoan, bố mẹ đẻ của đối tượng đã biết y chính là hung thủ. Tuy nhiên, thay vì khuyên răn con ra tự thú hoặc trình báo với cơ quan điều tra, bố mẹ của y đã lên kế hoạch cho y bỏ trốn.
Theo lời khai, sáng ngày 16/8/2003, bà Lành (mẹ kế của Chung) dậy sớm, phát hiện quần áo của Chung ngâm ở chậu có màu hồng như màu máu đã hỏi: "có phải mày làm việc đó không" (ý nói đã giết chị Hoan- trích từ báo cáo) thì Chung nói "phải". Bà Lành gọi ông Chúc (bố của Chung) dậy, 2 người nói chuyện sau đó bảo Chung đi lên Lạng Sơn. Chung đi lên Lạng Sơn, kể lại chuyện giết chị Hoan cho anh trai là Lý Văn Phúc biết và đưa 2 chiếc nhẫn cho Phúc. Anh Phúc vay tiền đưa cho Chung đi vào Đắc Lắc lẩn trốn, rồi 10 năm sau mới quay về nhận tội.
Từ kết quả điều tra, xác minh lại toàn bộ sự việc cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã xin ý kiến chỉ đạo của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và thống nhất với Bộ Công an, cần xem xét giải quyết lại vụ án theo trình tự tái thẩm. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã đồng ý với đề xuất của các cơ quan này.
Chủ tịch nước cũng chỉ đạo xem xét, nếu có oan thì phải khôi phục lại các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xử lý nghiêm cá nhân giải quyết vụ án nếu có vi phạm pháp luật.
Ngày 4/11/2013, Viện trưởng viện KSND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đã ký quyết định số 01/QĐKNTT-VKSNDTC kháng nghị tái thẩm bản án đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Cùng ngày, Phó viện trưởng viện KSND tối cao Lê Hữu Thể ký quyết định số 04/QĐTĐCTHA tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn.
Ý kiến bạn đọc