Tiếp tục tập trung các biện pháp ứng phó với bão HaiYan

07:06, 11/11/2013
|

(VnMedia)- Bộ trưởng Bộ Công an đã tiếp tục gửi Điện yêu cầu Thủ trưởng các Tổng cục, Bộ tư lệnh, Giám đốc Công an các tỉnh thành phố, Giám đốc các sở Phòng cháy chữa cháy tiếp tục theo dõi sát diễn biến cơn bão.

Siêu bão số 14 (HaiYan) diễn biến rất phức tạp, đã vào biển Đông đang di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Bắc, có khả năng đổi hướng di chuyển dọc theo các tỉnh Bắc Trung bộ và ảnh hưởng đến các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ.

Ảnh minh họa

Đường đi của bão Haiyan. Ảnh: Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương.

Theo bản tin phát lúc 5 giờ 30 ngày 11/11 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở các tỉnh ven biển Bắc bộ đã có gió giật mạnh cấp 9-11, có nơi giật mạnh cấp 13 như Bãi Cháy. Ở các đảo Bạch Long Vĩ ( Hải Phòng), Cô Tô (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 13. Ở các tỉnh phía đông Bắc bộ đã có mưa vừa, mưa to, riêng khu đông bắc có mưa rất to, một số nơi có lượng mưa lớn như Bạch Long Vĩ 137 mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 126 mm, Cửa Ông 107 mm, Bãi Cháy 109 mm.

Để chủ động đối phó với cơn bão, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã tiếp tục gửi Điện yêu cầu Thủ trưởng các Tổng cục, Bộ tư lệnh, Giám đốc Công an các tỉnh thành phố, Giám đốc các sở Phòng cháy chữa cháy tiếp tục theo dõi sát diễn biến cơn bão và tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các công điện của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ Công an, đồng thời lưu ý một số vấn đề sau:

Chỉ đạo lực lượng Công an ở cơ sở, Công an xã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đảm bảo tốt an ninh, trật tự, bảo vệ an toàn tài sản của cơ quan, tổ chức và nhân dân. Tổ chức di dời, sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, kể cả ở khu vực hạ lưu ở các hồ chứa nước đến nơi an toàn. Công an các địa phương vùng núi phía Bắc chú ý các biện pháp phòng chống bão lũ, rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống để chủ động sơ tán, di dời dân để đảm bảo an toàn.

Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ tư lệnh Cảnh sát Cơ động theo chức năng được giao, tăng cường lực lượng giúp dân phòng chống bão, tăng cường lực lượng hướng dẫn kiểm soát giao thông tại các đường bị ngập sâu, khu vực ngầm tràn qua sông, suối đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; rà soát các cơ sở giam giữ, có phương án đảm bảo tuyệt đối an toàn các trại giam; chủ động phương án cứu hộ, cứu nạn.

Tổ chức trực ban, trực chiến 24/24 giờ, đảm bảo 100% quân số trực và ứng  trực. Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương thường trực ở cơ quan và phân công trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để chỉ đạo phòng, chống bão. Duy trì thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt giữa Bộ với Công an các đơn vị, địa phương.

Theo thống kê, Công an Hà Tĩnh đã tổ chức di dời hơn 54000 hộ dân tại các vùng trọng điểm, hơn 72000 nhân khẩu tại vùng rừng có nguy cơ lũ quét. Công an tỉnh Nghệ An đã lên kế hoạch cụ thể phòng chống bão, tiến hành sơ tán hơn 23000 hộ dân vùng ven biển, vùng sạt lở, ven hồ đập đến nơi an toàn. Tại Ninh Bình, ở 2 địa bàn trọng điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng mạnh bởi bão là huyện Kim Sơn và Gia Viễn, lãnh đạo Công an tỉnh đã xuống kiểm tra tình hình, đồng thời điều động 1 trung đội cảnh sát cơ động xuống để giúp dân chằng chống nhà cửa, di dời dân vào trong đê, chuẩn bị các điều kiện để chống lũ.

Công an tỉnh Thái Bình huy động 7 đại đội cảnh sát cơ động xuống giúp dân tại 2 địa bàn trọng điểm là huyện Thái Thụy và Tiền Hải; đã kêu gọi 1380 tàu về nơi trú ẩn; công tác bảo vệ an toàn tàu được triển khai; khai thông hệ thống thoát nước tại trại tạm giam, đảm bảo tuỵệt đối an toàn cho 460 phạm nhân. Tại Nam Định, đã tiến hành di dời trên 500 hộ trong vòng nguy hiểm, 11000 ngư dân vào nơi trú ẩn an toàn. Công an tỉnh Thanh Hóa tăng cuờng 1000 cán bộ, chiến sỹ xuống 52 xã trọng điểm ven biển, di dời 40 nghìn dân và 25000 nguời khỏi vùng có nguy cơ lũ quét...


Nhật Lâm

Ý kiến bạn đọc