Một cán bộ công an Q.Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan này đang xem xét xử lý chồng của bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ (SN 1995, ngụ Cần Thơ) là Phan Thanh Sơn (SN 1991, quê Thốt Nốt, Cần Thơ) về hành vi “giao cấu với trẻ em”. Bởi lẽ lúc Sơn và Nhờ có con, Nhờ chưa đủ tuổi vị thành niên (hiện nay con của Nhờ được 2 tuổi).
>> Phẫn nộ bảo mẫu “tra tấn” bé 18 tháng đến chết
Chồng và con của bảo mẫu Nhờ
Trước đó, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên anh Sơn và chị Nhờ thương nhau và về chung sống chứ không có điều kiện tổ chức đám cưới và cũng chưa đăng ký kết hôn. Hàng ngày 2 vợ chồng làm thuê cho một xưởng gỗ nhưng từ khi Nhờ sinh con thì nghỉ việc ở nhà chăm sóc con mình và nhận trông trẻ đế kiếm thêm thu nhập.
Tại thời điểm anh Sơn và Nhờ có quan hệ với nhau và sinh con thì Nhờ chưa đủ 18 tuổi, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm về các hành vi của mình trước pháp luật. Dù mối quan hệ của 2 người xuất phát từ tình yêu, đến với nhau tự nguyện và đã có con với nhau nhưng do thực hiện hành vi giao cấu khi Nhờ chưa đủ tuổi theo quy định thì hành vi của Sơn cũng sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Không thể tử hình bảo mẫu hành hạ đến chết bé 18 tháng tuổi
Hành động của bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ dấy lên làn sóng căm phẫn trong dư luận mấy ngày qua. Theo đó, nhiều người đã không kiềm được nỗi tức giận khi ví bảo mẫu này như con “ác thú” hay “quỷ đội lốt người” và hành vi của Nhờ phải chịu mức án tử hình.
Thế nhưng, nói về vụ việc này, luật sư Nguyễn Hồng Bách, Đoàn luật sư TP.Hà Nội nêu quan điểm: “Tử hình là biện pháp trừng phạt dành cho một người đã bị kết tội khi mà tòa án cũng như cơ quan tư pháp thấy cần phải loại bỏ vĩnh viễn người đó ra khỏi đời sống xã hội. Cần phải nhìn nhận án tử hình là thất bại của nền tư pháp, của chế độ xã hội, khi mức độ quản lý con người chưa đạt đến độ phòng hơn là chống. Dù rằng hành động đánh một đứa trẻ mới hơn 1 tuổi dẫn đến tử vong của Hồ Ngọc Nhờ là quá dã man, nhưng không thể tử hình với thị được”.
Luật sư Bách lý giải: “Căn cứ theo những gì mà Hồ Ngọc Nhờ đã khai nhận thì Nhờ không có chủ ý, không có động cơ giết người. Việc làm chết cháu bé là ngoài ý muốn.Tuy nhiên, Hồ Ngọc Nhờ sẽ bị khởi tố tội Giết người theo điểm c, khoản 1 – điều 93 (Bộ luật Hình sự 1999). Mức hình phạt cao nhất mà Nhờ sẽ phải nhận là chung thân hoặc 20 năm tù”.
Trước đó, ngày 16/11, chị Võ Thị Huyền chở con trai là bé Đỗ Nhất Long (18 tháng tuổi) đến nhờ Hồ Ngọc Nhờ (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM) trông với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Trong lúc cho ăn, bé Long khóc mãi nên Nhờ đã cầm tay chân bé xách ngược lên để dọa cho bé nín nhưng tuột tay làm bé ngã xuống nền nhà.
Nhờ còn dùng chân đạp mạnh lên ngực, bụng bé rồi bỏ đi vệ sinh. Khoảng 20 phút sau, bảo mẫu này quay ra thấy bé Long nằm bất động trên nền nhà thì ấn tay lên ngực bé để cấp cứu nhưng bé vẫn không cử động. Lúc này, Nhờ mới tri hô người dân xung quanh chở bé đi cấp nhưng bé đã tử vong.
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, bé Long bị tụ máu ở vùng cổ, sưng màng sụn thanh khí quản. Hai phổi bị dập, bầm tụ máu vùng trung thất trước, rách màng ngoài tim bên phải, vỡ tiểu nhĩ phải và rách gan.
Ngày 18/11, thượng tá Đoàn Văn Phê - phó trưởng Công an Q.Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết cơ quan này đang hoàn tất hồ sơ vụ án để chuyển nghi can Hồ Ngọc Nhờ (18 tuổi, tạm trú P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) lên Công an TP.HCM để tiếp tục điều tra, xử lý về hành vi "giết người" theo thẩm quyền.
Điều 93. Tội giết người – Bộ luật hình sự 1999 quy định: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; …
Ý kiến bạn đọc