(VnMedia)- Trước tình trạng mất an ninh, trật tự xã hội do việc quản lý vũ khí (vũ khí tự tạo) còn lỏng lẻo, Bộ Công an sẽ có kế sách gì trong thời gian tới?
Đây là những lo lắng của cử tri gửi đến Bộ Công an. Để giải đáp những băn khoăn này, Bộ Công an cho rằng, ngày 30/6/2011, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012). Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý cho các lực lượng thực thi công vụ, Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ ban hành nghị định số 25/2012/NĐ-CP, ngày 05/4/2012 quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Nghị định số 26/2012/NĐ-CP, ngày 05/4/2012 quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền và kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Pháp lệnh và các Nghị định nêu trên đã quy định cụ thể các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trang bị cho từng lực lượng. Đặc biệt là cấm cá nhân sở hữu vũ khí (trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo hoặc được gia truyền theo phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc) và quy định cụ thể, các trường hợp nổ súng, sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ.
Ảnh minh họa.
Theo thông tin trên cổng thông tin Bộ Công an, thời gian vừa qua ngành này đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Pháp lệnh và 02 Nghị định; mở các cao điểm tổng kiểm tra và vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và đã thu được kết quả tích cực. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2013, Công an các địa phương đã vận động nhân dân thu hồi được 5.934 khẩu súng các loại, 19.079 viên đạn, 1.558kg đạn, 300 quả mìn, 53 quả bom, 167 quả lựu đạn, 3.027 đầu đạn, 649 quả đạn các loại, 356 kg thuốc nổ, 244 kíp nổ, 199m và 2 cuộn dây cháy chậm, 57 nòng súng, 245 công cụ hỗ trợ và 4.960 vũ khí thô sơ.
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhất là đối với vũ khí tự tạo, Bộ Công an đang tập trung thực hiện một số biện pháp công tác trọng tâm:
Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh số 07/2013/UBTVQH13, ngày 12/07/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (bổ sung các quy định về quản lý tiền chất thuốc nổ).
Tăng cường công tác kiểm tra số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phục vụ cấp giấy phép để chấn chỉnh những sơ hở thiếu sót và xử lý kịp thời đối với các trường hợp vi phạm. Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra (định kỳ hoặc đột xuất) các cơ quan, tổ chức được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ.
Chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm về chế tạo, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Bộ luật hình sự cho phù hợp với các quy định trong Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, Bộ Công an đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu xây dựng văn bản hướng dẫn liên ngành về xử lý các hành vi chế tạo, buôn bán, vận chuyển, tàng chữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Ý kiến bạn đọc