(VnMedia)- Thời gian triển khai Ngày Pháp luật được tổ chức trong tuần lễ từ ngày 04/11/2013 đến ngày 10/11/2013, trong đó tổ chức cao điểm vào ngày 09/11/2013.
Tối qua, thay mặt Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã long trọng tuyên bố ngày 9/11 là Ngày Pháp luật Việt Nam. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau gần ba mươi năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã có những tiến bộ quan trọng. Nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn chỉnh hơn để Nhà nước quản lý bằng pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại; đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc bảo đảm các quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân... Nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa từng bước được đề cao và phát huy trên thực tế. Công tác phổ biến và giáo dục pháp luật được tăng cường đáng kể
Tại buổi lễ công bố này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh 7 nội dung lớn.
Thứ nhất, Ngày Pháp luật Việt Nam phải được tổ chức thiết thực, phù hợp trong từng ngành, từng cấp để phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế xã hội, phục vụ nhu cầu pháp lý của các tổ chức, cá nhân; không phô trương, hình thức.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Thể chế hoá nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử, bảo đảm để nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật…
Thứ ba, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của nhân dân.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng kịp thời yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo cơ sở pháp luật để mọi công dân tích cực huy động nguồn lực vào phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và góp phần làm giàu cho đất nước.
Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước; siết chặt kỷ luật kỷ cương công vụ, tăng cường trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức; kiên quyết loại bỏ tham nhũng, các hành vi tiêu cực trong hoạt động của bộ máy nhà nước; nâng cao vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo đảm mọi vi phạm pháp luật đều được xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh, thống nhất.
Thứ sáu, cung cấp đầy đủ, tiện lợi các dịch vụ pháp lý phục vụ nhu cầu về luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, hộ tịch và các dịch vụ pháp lý khác để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ bảy, phát huy dân chủ, vận động, thu hút quần chúng nhân dân tham gia hoạt động xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; xây dựng môi trường văn hoá; cố kết lòng tin, tạo đồng thuận xã hội; xây dựng bộ máy, nền hành chính Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Về nội dung tổ chức Ngày Pháp luật
Theo quy định, những nội dung chính của Ngày pháp luật gồm: Tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật; Phổ biến, quán triệt về vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; về những quan điểm, nội dung của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và những đạo luật được Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 6 như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam...
Cũng theo quy định, các Bộ, ngành tập trung phổ biến, giáo dục và triển khai thi hành các văn bản pháp luật mới thuộc tĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành, chú trọng văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong đời sống dân sự, kinh tế, trong đó có các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội vừa được chính phủ ban hành, nhằm thi hành nghiêm chỉnh Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, tăng cường trật tự, kỷ cương pháp luật.
10 Bộ, ngành đoàn thể và 40 tỉnh, thành phố có kế hoạch thực hiện ngày Pháp luật
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tư pháp, đến ngày 28/10/2013, có 10 Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch thực hiện Ngày Pháp luật. Cũng theo đánh giá của Bộ Tư pháp, ngoài những nội dung thực hiện theo hướng dẫn, các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã linh hoạt, chủ động hướng dẫn tập trung phổ biến, giáo dục và triển khai thi hành các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình, chú trọng các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức; thông tin pháp luật và thi hành pháp luật trong các lĩnh vực: Biển đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia, phòng, chống tham nhũng, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, giải quyết các tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo... Một số địa phương còn đình hướng tuyên truyền các văn bản pháp luật mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật hòa giải ở cơ sở...
Được biết, lực lượng công an nhân dân sẽ tập trung triển khai trong Ngày Pháp luật là phổ biến, quán triệt, tập huấn các văn bản pháp luật mới được ban hành có liên quan đến an ninh, trật tự, chú trọng các văn bản liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Công an nhân dân; Thông tin, đánh giá tình hình thực tiễn về xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật năm 2013 của Công an đơn vị, địa phương; Biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân xuất sắc, những điển hình tiên tiến trong công tác xây dựng pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật.
Ý kiến bạn đọc