(VnMedia) – “Hành vi phi tang xác nạn nhân nhằm che dấu tội phạm của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường là tình tiết định khung tăng nặng theo điểm o khoản 1 điều 48 BLHS” – luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh cho biết.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm
Hành vi ném xác nạn nhân là tình tiết định khung tăng nặng
Trong những ngày qua, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm vụ án bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (40 tuổi, giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường) thực hiện phẫu thuật nâng ngực cho chị Lê Thị Thanh Huyền (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khiến chị này tử vong. Điều đáng nói, sau đó vị bác sĩ này đã cùng nhân viên bảo bệ đem thi thể nạn nhân ném xuống sông Hồng nhằm phi tang.
Sau khi sự việc xảy ra, công an TP Hà Nội khởi tố vụ án và ra lệnh bắt khẩn cấp đối với bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường về hành vi Giết người theo Điều 93, Bộ luật hình sự. Cơ quan điều tra cho hay, hiện xác nạn nhân chưa tìm thấy, chưa có kết quả giám định pháp y nên chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng. Do vậy, khi tìm thấy thi thể nạn nhân, quyết định khởi tố có thể sẽ bị thay đổi.
Đồng tình với quyết định của cơ quan điều tra, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh cho biết, do chưa tìm thấy xác nạn nhân để phục vụ công tác giám định nguyên nhân nạn nhân chết, nghĩa là nạn nhân đã chết hay chưa bị chết khi ném xuống sông nên bước đầu cơ quan điều tra bước đầu khởi tố về hành vi giết người là có cơ sở vì căn cứ vào hành vi ném nạn nhân xuống sông. Nếu sau này xác định rõ nguyên nhân nạn nhân chết thì có thể thay đổi tội danh cho phù hợp.
Luật sư Thơm chỉ rõ: “Nếu sau này tìm thấy xác nạn nhân xác định trong bụng nạn nhân không có nước, hoặc có những chứng cứ khác chứng minh là nạn nhân đã bị chết trước khi ném xuống sông thì bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường có dấu hiệu phạm tội theo điều 242 BLHS: Tội vi phạm các qui định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vu y tế khác.
Trường hợp, nếu trong bụng nạn nhân có nước hoặc có những chứng cứ khác chứng minh nạn nhân chưa chết trước khi ném xuống sông, nghĩa là nạn nhân chết do bị ngạt nước thì bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường có dấu hiệu phạm tội theo điều 93 BLHS: Tội giết người
Trong trường hợp nếu bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường chỉ dừng lại việc làm chết khách hàng tại Trung tâm thẩm mỹ do Giấy phép hành nghề không có chức năng phẫu thuật hút mỡ bụng, bơm ngực mà vô ý gây tử vong cho khách hàng trong quá trình làm phẫu thuật vì nhiều nguyên nhân khác nhau thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 242 BLHS: Tội vi phạm các qui định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vu y tế khác.
Luật sư Thơm nhấn mạnh, hành vi phi tang nạn nhân nhằm che dấu tội phạm của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường là tình tiết định khung tăng nặng theo điểm o khoản 1 điều 48 Bộ luật hìnhh sự “có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che dấu tội phạm”.
“Bác sỹ Tường phải nhận khung hình phạt cao nhất của tội danh mà cơ quan điều tra khởi tố bởi hành vi vứt xác nạn nhân nhằm phi tang. Đây được xác định là tình tiết tăng nặng”, luật sư Thơm nói.
Bảo vệ giúp bác sỹ vứt xác với vai trò đồng phạm
Theo luật sư Thơm cho biết, các y tá tham gia trực tiếp vào việc trợ giúp bác sỹ Tường khi làm phẫu thuật thẩm mỹ gây chết cho nạn nhân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức theo tội danh mà bác sỹ Tường.
Cũng theo luật sư Thơm cho hay, đối với người bảo vệ tham gia phi tang xác khách hàng do sự chỉ đạo của bác sỹ Tường, hoặc do nể nang thì tùy theo tội danh của bác sỹ Tường đã phạm để làm căn cứ xác định hành vi phạm tội.
Theo đó, nếu bác sỹ Tường phạm tội Giết người theo điều 93 Bộ luật Hình sự thì đương nhiên người bảo vệ cùng tham gia ném xác nạn nhân sẽ phải chịu trách nhiệm chung về tội Giết người với vai trò đồng phạm giúp sức.
Trường hợp, nếu bác sỹ Tường phạm tội theo điều 242 Bộ luật hình sự thì người có hành vi giúp bác sỹ Tường che dấu tội phạm như giúp ném xác phi tang nạn nhân hoặc các nhân viên trong Trung tâm thẩm mỹ cất dấu đồ đạc, thu dọn hiện trường,… hoặc biết khách hàng đã bị chết mà không đến cơ quan điều tra trình báo,… thì sẽ không phạm tội “che dấu tội phạm” theo điều 313 Bộ luật hình sự và “không tố giác tội phạm” theo điều 314 Bộ luật hình sự.
Hành vi đáng lên án
“Qua vụ án này có thể thay rằng hành vi của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường là rất đáng lên án. Là 1 bác sỹ có trình độ học vấn cao mà lại có hành vi phi tang nạn nhân để che dấu sai phạm trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ như vậy là không thể chấp nhận được. Điều này phản ánh đạo đức cũng như y đức của bác sỹ Tường xuống cấp nghiêm trọng...”, luật sư Thơm bày tỏ quan điểm.
Theo luật sư Thơm, bác sỹ Tường đã đi từ sai phạm này đến sai phạm khác trong suốt 1 thời gian kể từ khi nạn nhân chết vào cuối buổi chiều và đấu tranh tư tưởng nghĩ thật đơn giản phi tang nạn nhân xuống sông Hồng và tạo ra màn kịch cho rằng nạn nhân có thể tự tử để đánh lừa các cơ quan chức năng và không bị phát hiện xử lý mình đã làm nạn nhân bị chết khi phẫu thuật. Bác sỹ Tường đã làm cho sự việc trở nên nghiêm trọng khi mà dư luân xã hội vô cùng bức xúc trước hành xử lạnh lùng, đi ngược lại với y đức của người bác sỹ.
“Nếu chỉ dừng lại ở hành vi gây chết người do quá trình phẫu thuật mà mình gây ra mà báo cáo ngay cho các cơ quan chức năng thì sự việc sẽ đơn giản, không để đến mức cả gia đình nạn nhân và xã hội phải lên án”, luật sư Thơm nói.
Luật sư Thơm chia sẻ, ông cũng cảm thấy rất đáng tiếc khi một bác sỹ có trình độ chuyên môn được đào tạo trong và ngoài nước mà khi đối diện với khó khăn nhất trong công việc lại không đủ bản lĩnh để vượt qua nó. Không những công danh sự nghiệp của bác sỹ Tường sẽ chấm dứt kể từ đây, vòng lao lý do mình tự gây nên, gia đình con cái cũng sẽ ảnh hưởng mà quan trong mà uy tín của ngành y tế đã khó khăn nay càng khó khăn hơn trong đời sống xã hội.
Ý kiến bạn đọc