Nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP HCM Huỳnh Thị Huyền Như bị cáo buộc đã sử dụng 8 con dấu giả để lập chứng từ, hợp đồng chiếm đoạt số tiền cực lớn của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân.
Ảnh minh họa.
Ngày 18/10, VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố bị can Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh TP HCM về hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Võ Anh Tuấn, nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank TP HCM, về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan vụ án, 21 bị can khác bị truy tố theo các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cho vay lãi nặng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại TP HCM và TP Hà Nội. Trong số này có hơn 13 nguyên là trưởng, phó phòng, cán bộ phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng cùng thuộc Vietinbank và phòng Giao dịch Võ Văn Tần, Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, TP HCM.
Theo cáo trạng, từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã thuê làm giả 8 con dấu để tạo lập các giấy tờ chứng từ, hợp đồng và trả lãi suất cao huy động tiền của các tổ chức, cá nhân, chiếm đoạt tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.
Võ Anh Tuấn bị cáo buộc giúp sức tích cực cho Như trong việc huy động tiền của các ngân hàng gửi thông qua một số công ty trách nhiệm hữu hạn. Biết Như giả mạo danh nghĩa Vietinbank huy động tiền, Tuấn đã tạo điều kiện cho Như chiếm đoạt gần 1.600 tỷ đồng của 4 công ty. Trong quá trình huy động tiền của các đơn vị, cá nhân; Tuấn được Như chuyển cho 10 tỷ đồng qua Công ty Xuất nhập khẩu Hoàng Khải để Tuấn đầu tư xây dựng nhà máy lau bóng gạo tại An Giang. Số tiền này theo Như khai là số tiền thu lợi từ việc Tuấn đưa cho Như 500 triệu đồng để kinh doanh chứng khoán, bất động sản từ năm 2007. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng thực chất đây là tiền Như lừa đảo chiếm đoạt được và chia cho Tuấn.
Ngoài ra, theo cơ quan chức năng, bị can Huỳnh Hữu Danh, nguyên nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần quốc tế (VIB) Chi nhánh TP HCM đã làm thủ tục hồ sơ cho 12 cá nhân do Như giới thiệu đến Ngân hàng VIB vay hơn 480 tỷ đồng. Danh bị cáo buộc không làm đúng trách nhiệm kiểm tra, thẩm định tài sản đảm bảo; tin tưởng các xác nhận phong toả tài sản đảm bảo do Như chuyển cho dẫn đến việc Như lừa đảo, chiếm đoạt 180 tỷ đồng.
Liên quan vụ án, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố 6 bị can nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, được tách ra trong vụ án Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên).
Về vật chứng và tài sản thu giữ trong vụ án, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu 8 con dấu giả; kê biên, thu giữ tài sản các loại trị giá hơn 624 tỷ đồng; gần 157.000 euro, trên 217 tỷ đồng; 7 sổ tiết kiệm trị giá 30 tỷ; 4 ôtô trị giá 5 tỷ đồng; kê biên 20 bất động sản trị giá 361 tỷ đồng.
Ý kiến bạn đọc