Bác sỹ Tường không mắc tội xâm phạm hài cốt?

20:09, 29/10/2013
|

(VnMedia) - Cần thiết phải nhận thức rõ hơn lý luận tội phạm đối với trường hợp phạm tội của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường để có căn cứ xử lý đúng bản chất về hành vi giết người.

Ảnh minh họa
Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Xử lý bác sỹ Tường về tội danh nào?
 
Kể từ ngày 22/10/2013 khi mà cơ quan điều tra bắt Nguyễn Mạnh Tường đến nay vẫn chưa có quyết định khởi tố bị can. Những ngày gần đây dư luân đang rất đặc biệt quan tâm đến việc tiếp theo là khởi tố bị can Nguyễn Mạnh Tường về tội danh nào để tương xứng với tính chất hành vi đã gây ra, khi mà cả xã hội đang rất lên án hành vi phi nhân tính, chưa từng có trong lịch sử y học Việt Nam.

Qua thông tin từ các cơ quan báo chí đưa tin về hành vi phạm tội của đối tượng Nguyễn Mạnh Tường trong thời gian qua và qua nhiều quan điểm về việc xác định tội danh thì theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh) thấy rằng:

Theo công bố của lãnh đạo Sở Y tế, Hà Nội chỉ có 3 cơ sở Bệnh viện tư nhân được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ gồm: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec (ở quận Hai Bà Trưng), Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc (ở 286 Thuỵ Thuê, quận Tây Hồ), Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc (phố Yên Ninh, quận Ba Đình).

Chính vì hoạt động hút mỡ bụng, nâng ngực thẩm mỹ là nguy hiểm đến tính mạng con người nên chỉ được phép thực hiện trong các bệnh viện và cơ sở y tế của nhà nước, vì thế Sở Y tế Hà Nội không cấp phép hoạt động này cho các Trung tâm thẩm mỹ. Như vậy hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ của bác sỹ Tường là trái pháp luật. Hành vi của bác sỹ Tường có dấu hiệu phạm tội Giết người (Điều 93 Bộ Luật Hình sự) với lỗi cố ý gián tiếp (Điều 9 Bộ Luật Hình sự: biết hành vi của mình là nguy hiểm đến tính mạng của người khác nhưng vẫn cố ý làm vì đồng tiền và mặc kệ hậu quả xảy ra. Theo qui định của pháp luật, với lỗi cố ý gián tiếp, thì hậu quả đến đâu phải xử lý đến đó).

Hậu quả của vụ án này là chị Huyền bị chết. Động cơ mục đích vì tiền mà bỏ mặc hậu quả xảy ra, bất chấp tính mạng của người khác.

Mặt khác, cơ sở thẩm mỹ Cát Tường và bác sỹ Tường không được cấp chứng chỉ, cấp phép hành nghề hút mỡ bụng, phẫu thuật nâng ngực thẩm mỹ. Do đó, không đặt ra vấn đề xử lý bác sỹ Tường trong vụ án là quan hệ khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế theo Điều 242 Bộ Luật Hình sự (vì không được phép khám, chữa bệnh là hút mỡ bụng, năng ngực). Bác sỹ Tường đang là công tác tại Bệnh viện Bạch Mai (khoa chấn thương chỉnh hình) nhưng thực hiện không đúng, làm quá chuyên môn nghiệp vụ của mình, như vậy  việc làm của bác sỹ Tường bị coi là làm liều trên cơ thể người khác, bất chấp, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác. Dù bác sỹ Tường có là “bác sỹ” cũng không thuộc diện điều chỉnh ở Điều 242 Bộ Luật Hình sự. Ví như một người có bằng lái xe máy, nhưng lại điều khiển ô tô, nếu gây chết người, thì trường hợp này coi như không có bằng lái xe.

Ở vụ án trên phải xem xét toàn diện về lỗi và xâu chuỗi hành vi phạm tội mới có đủ cơ sở xác định đúng tội danh. Bác sỹ Tường là một bác sỹ chuyên môn chấn thương, chỉnh hình, không có chuyên môn hút mỡ, phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực, không có chuyên môn gây mê; bác sỹ Tường cũng không được Cơ quan có thẩm quyền cấp phép hành nghề hút mỡ, phẫu thuật nâng ngực thẩm mỹ.

Về điều kiện trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện phẫu thuật nâng ngực, hút mỡ bụng taị cơ sở thẩm mỹ Cát Tường sơ sài không đảm bảo để thực hiện, không đủ điều kiện để hồi sức cấp cứu khi có sự cố. Về trình độ chuyên môn của bác sỹ Tường và kíp mổ không có chuyên môn nghiệp vụ (không có bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ, không có bác sỹ chuyên môn gây mê). Thế nhưng bác sỹ Tường và kíp mổ vẫn tiến hành hút mỡ bụng và bơm mỡ nâng ngực cho chị Huyền. Hành vi trên của bác sỹ Tường cho thấy tính coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác (làm bừa).

Vì vậy, hành vi của Nguyễn Mạnh Tường cấu thành tội Giết người, quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự (với lỗi cố ý gián tiếp), chứ không đơn thuần chỉ là “vi phạm quy định về khám chữa, bệnh” vì vi phạm quy định về khám chữa bệnh là phải được Cơ quan có thẩm quyền nhà nước cấp phép và cho phép hành nghề khám chữa bệnh, nhưng vi phạm quy định nào đó (như gây mê quá liều) dẫn đến chết người.

Ở vụ án trên cho thấy bác sỹ Tường đã làm cố tình làm việc mà nhà nước cấm dẫn đến hậu quả chết người. Mặt khác kể cả có được Cơ quan có thẩm quyền cấp phép, cho phép hành nghề đi chăng nữa, nhưng khi thực hiện bác sỹ tùy tiện, coi thường tính mạng người khác và bỏ mặc hậu quả xảy ra, nếu có hậu quả chết người xảy ra vẫn phải truy cứu đối với bác sỹ đó về tội Giết người, mới thỏa đáng.

Thực tế cho thấy có rất nhiều vụ án xảy ra đối với người có chức vụ quyền hạn khi không thực hiện đúng hoặc làm quá giới hạn nhiệm vụ của mình, nếu có hậu quả chết người thì vẫn phải chịu tội Giết người.

Bác sỹ Tường ở trong vụ án này không phải làm chết người khi đang thực hiện công việc khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ y tế được cấp chứng chỉ hành nghề và cấọ phép hoạt động. Kể cả trong trường hợp Bác sỹ khám chữa bệnh trong công việc được giao, nếu coi thường tính mạng người khác dẫn tới hậu quả chết người vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi giết người. Không nên hiểu rằng cứ là bác sỹ gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì nhất thiết phải thành lập tội: Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh…

Ảnh minh họa
Bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường

Không có căn cứ về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt

Có ý kiến cho rằng, tại sao không đặt ra xử lý hành vi phi tang xác nạn nhân của bác sỹ Tường và bảo vệ Khánh về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo điều 246 Bộ Luật Hình sự?

Theo phân tích, mặt khách quan của tội này thể hiện ở hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật ở trong mộ, trên mộ hoặc có những hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

Hành vi khác xâm phạm thi thể có thể là hành vi lấy cắp một số bộ phận của thi thể người chết, băm chặt, chém thi thể, giao cấu với người đã chết,..

Căn cứ theo lời khai của bác sỹ Tường và bảo vệ Khánh thì có thể thấy rằng sau khi nạn nhân chết tại phòng khám vào buổi chiều 19/10/2013 thì các đối tượng đã không có sự xâm phạm nào vào thi thể nạn nhân mà chỉ tổ chức đưa xác nạn nhân lên xe ô tô mang đi vứt xuống sông Hồng nhằm mục đích phi tang che dấu việc phạm tội. Do đó, không có căn cứ chứng minh các đối tượng này phạm tội theo điều 246 Bộ Luật Hình sự.

Thực tế, nếu xử lý đối tượng Nguyễn Mạnh Tường về tội ít nghiêm trọng theo điều 242 Bộ Luật Hình sự và thêm điều 246 Bộ Luật Hình sự nữa thì sẽ không đúng về lý luận tội phạm là không đúng với bản chất coi thường tính mạng con người đã gây kinh hoàng trong xã hội.

Mặt khác tất cả các đối tượng khác có liên quan trong vụ án này sẽ không bị xử lý về mặt hình sự về vai trò đồng phạm hoặc tội Che dấu tội phạm và tội Không tố giác tội phạm theo điều 313 và 314 Bộ Luật Hình sự.

Điều 242 Bộ Luật Hình sự là người phạm tội với lỗi vô ý. Đồng phạm theo điều 20 Bộ Luật Hình sự chỉ xảy ra đối với tội do lỗi cố ý mà thôi.

Điều 9. Cố ý phạm tội:
Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Điều 93. Tội giết người:
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.


Khánh Công

Ý kiến bạn đọc