Đang điều tra 230 bị can tham nhũng

15:29, 19/09/2013
|

(VnMedia) - Trong 8 tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát điều tra đã thụ lý 367 vụ án, 840 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 230 vụ, 562 bị can; Đã kết luận điều tra 55 vụ, 581 bị can và hiện đang điều tra 96 vụ, 230 bị can - Báo cáo của Chính phủ nêu rõ...

 

Án treo đã giảm nhưng tham nhũng chưa giảm

 

Theo báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) của Chính phủ vừa được gửi đến Quốc hội, trong 8 tháng đầu năm 2013, công tác PCTN đã đạt được kết quả tích cực, hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đã phát hiện nhiều sai phạm, việc xử lý sau thanh tra và kiểm toán có hiệu quả hơn, góp phần chấn chỉnh quản lý, phòng ngừa tham nhũng. Hoạt động điều tra, xử lý hành vi tham nhũng cũng có tiến bộ, số vụ án tham nhũng được khởi tố, truy tố tăng lên trong khi số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ thấp hơn so với các năm trước.

 

Báo cáo cho biết, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã tập trung phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Điển hình là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Quốc phòng, các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Phước, Bình Thuận…

 

Chính phủ cũng nhận định, một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử kịp thời, việc áp dụng pháp luật và xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hậu quả phạm tội, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

 

Tuy nhiên, Chính phủ cũng đánh giá, tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn tinh vi, kín đáo, khó phát hiện. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức gây bức xúc trong dư luận xã hội và người dân. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội. Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng có tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, làm giảm niềm tin của nhân dân về công tác PCTN.

 

Về nguyên nhân, Chính phủ cho rằng, một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi bị buông lỏng. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở một số nơi chưa tốt; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, còn có biểu hiện nói không đi đôi với việc làm, hoặc làm chiếu lệ…


 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa

 

Đối tượng tham nhũng nhiều thủ đoạn

 

Theo nhận định của Chính phủ, một số quy định của pháp luật liên quan tới việc phát hiện, xử lý tham nhũng còn khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN có nhiều quy định mang tính hình thức, thiếu tính khả thi. Báo cáo dẫn chứng: dấu hiệu định tội của một số loại tội danh trong chương XXI của Bộ luật hình sự khó phân biệt, gần giống nhau, khó áp dụng như tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, tội lạm dụng quyền hạn trong khi thi hành công vụ…; quy định về nộp lại quà tặng, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, chuyển đổi vị trí công tác hiện tại còn hình thức, thiếu tính khả thi…

 

Chính phủ cũng phân tích, quá trình giải quyết các vụ án còn chậm, bị kéo dài do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là án tham nhũng thường là những vụ án lớn, hành vi phạm tội phức tạp, nhièu bị can, quá trình điều tra thường phải trưng cầu giám định để xác định hậu quả thiệt hại. Trong khi đó, công tác giám định về kinh tế, đất đai hiện nay rất phức tạp, thời gian giám định kéo dài.

 

Một khó khăn quan trọng nữa được Chính phủ đưa ra, đó là đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có nhiều thủ đoạn đối phó, che giấu hành vi phạm tội của mình nên việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử gặp nhiều khó khăn; Hơn nữa, trong quátrình điều tra, truy tố, xét xử cho thấy hành vi phạm tội của các bị can không đúng như tội danh đã khởi tố, do vậy phải ra quyết định thay đổi để điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật.

 

“Những yếu kém cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm, khắc phục, bảo đảm việc xét xử không chỉ để trừng trị, răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung mà còn để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như cả nước, nhất là trong tình hình tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hiện nay” – báo cáo của Chính phủ khẳng định.

 

Thống nhất áp dụng pháp luật hình sự đối với tội tham nhũng

 

Để công tác phòng chống đạt hiệu quả, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự và các văn bản có liên quan theo hướng làm rõ hơn hành vi phạm tội tham nhũng, chức vụ bảo đảm sự thống nhất giữa Luật PCTN với Bộ luật hình sự; sửa đổi quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thời hạn điều tra cho phù hợp với những vụ án tham nhũng, chức vụ có tình tiết phức tạp.

 

Chính phủ cũng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thống nhất việc áp dụng pháp luật hình sự đối với tội phạm tham nhũng, chức vụ theo hướng xử lý nghiêm khắc, hạn chế áp dụng án treo; hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật hình sự có tính định lượng (gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, thu lợi bất chính lớn, vụ lợi…).

 

Chính phủ đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các cơ quan thông tin báo chí tiếp tục phối hợp cùng Chính phủ và chính quyền các cấp tăng cường giám sát, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; nâng cao nhận thức và vai trò của toàn xã hội đối với công tác PCTN; nâng cao nhận thức và vai trò của toàn xã hội đối với công tác PCTN để tạo chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa trên các mặt công tác nhằm sớm đạt mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng.

 

Trong những tháng đầu năm 2013, ngành Thanh tra đã phát hiện 73 vụ tham nhũng, 80 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền là 117 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ cũng đã kiến nghị thu hồi 115 tỷ đồng; hiện đã thu được 59 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 4 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 11 vụ, 34 đối tượng.

 

Lực lượng cảnh sát điều tra đã thụ lý 367 vụ án, 840 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 230 vụ, 562 bị can (so với cùng kỳ năm trước tăng 8 vụ và 91 bị can); đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 180 tỷ đồng; Đã kết luận điều tra 55 vụ, 581 bị can; đình chỉ điều tra 7 vụ, 6 bị can; tạm đình chỉ 9 vụ, 23 bị can; hiện đang điều tra 96 vụ, 230 bị can.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc