Trang bị vũ khí đặc chủng cho cảnh sát vũ trang

10:17, 13/08/2013
|

Hôm qua, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Pháp lệnh Cảnh sát cơ động (sau đây gọi là Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang), trong đó quy định trang bị các loại vũ khí, phương tiện đặc chủng như máy bay, tàu thủy cho lực lượng này.

Ảnh minh họa
Diễn tập chống bạo động

Tại Tờ trình, Chính phủ xác định Cảnh sát vũ trang là lực lượng vũ trang thuộc Công an nhân dân, có chức năng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Đây là lực lượng hoạt động, tác chiến vũ trang theo phương thức cơ động nhanh, phát huy sức mạnh của vũ khí, khí tài, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật, sức mạnh thể chất, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và trấn áp mọi âm mưu, hoạt động phá hoại và các hành vi khác xâm hại an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Pháp lệnh sửa đổi quy định 15 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Cảnh sát vũ trang như tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công an về công tác vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, cơ động chiến đấu chống các hoạt động phá hoại an ninh, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin; trấn áp kịp thời các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm có vũ trang; các vụ gây rối, biểu tình bất hợp pháp; xâm nhập nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam để trấn áp hành vi khủng bố theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu cho biết, tổ chức của Bộ Tư lệnh Cảnh sát vũ trang (điểm a khoản 1 Điều 8 dự thảo) gồm tư lệnh, các phó tư lệnh, các Cục tham mưu, nghiệp vụ, huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ; các đơn vị Cảnh sát cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm... và các đơn vị Cảnh sát vũ trang được trang bị, quản lý, sử dụng máy bay, tàu thủy, các phương tiện bay, phương tiện thủy khác để phục vụ hoạt động của Cảnh sát vũ trang.

“Việc sử dụng vũ khí, khí tài, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng và động vật nghiệp vụ trong khi thi hành công vụ phải tuân theo quy định của Pháp lệnh này và pháp luật khác có liên quan. Chính phủ quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục và các trường hợp cụ thể được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng...” - ông Hiếu cho biết.

Lo lạm quyền

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, một số ý kiến đồng tình quy định trang bị vũ khí, thiết bị hiện đại để xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ là cần thiết.

Tuy nhiên, có ý kiến cân nhắc việc trang bị máy bay cho lực lượng này vì đòi hỏi ngân sách lớn, quản lý, sử dụng rất phức tạp, trong khi Bộ Quốc phòng đã được trang bị cơ bản, có thể đáp ứng khi Bộ Công an có nhu cầu sử dụng và thực tế việc phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trên lĩnh vực này vẫn thực hiện tốt.

Trong bối cảnh tội phạm ngày càng phức tạp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện tán thành “trang bị máy bay, tàu chiến là cần thiết”, nhưng cần quản lý việc sử dụng các phương tiện này hợp lý. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, nên quy định trang bị chung những thiết bị đặc chủng đối với lực lượng Công an và Bộ trưởng Bộ Công an là người quyết định sử dụng trong từng trường hợp cụ thể.

“Nếu trang bị máy bay, tàu thủy cho cảnh sát vũ trang, sau này cảnh sát phòng cháy, cảnh sát đường thủy, phòng chống ma túy cũng đề nghị trang bị như vậy thì sẽ rất manh mún...”, ông Ksor Phước nói.

Một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định chặt chẽ, tránh tùy tiện sử dụng thiết bị, vũ khí đặc chủng. “Quy định cho nổ súng trong trường hợp nào rất quan trọng, vì nổ súng sai có thể gây hậu quả chết người”, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn băn khoăn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện lưu ý Ban soạn thảo về quy định cảnh sát vũ trang được thâm nhập chỗ ở của cá nhân, tổ chức trong, ngoài nước cũng như việc sử dụng vũ khí đặc chủng tại nơi tụ tập đông người, biểu tình.

“Những trường hợp như vậy cần tuân thủ quy định của Hiến pháp, việc hạn chế hay làm ảnh hưởng quyền cơ bản của công dân phải quy định bằng luật chứ không phải pháp lệnh”, ông Hiện lưu ý.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và một số đại biểu cho rằng, nên giữ tên lực lượng cảnh sát cơ động như hiện nay sẽ phù hợp hơn, bởi các lực lượng cảnh sát khác cũng đều là lực lượng vũ trang.

Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu nói rằng, việc trang bị máy bay, tàu thủy cho lực lượng cảnh sát vũ trang là cần thiết nhằm kịp thời trấn áp tội phạm, bạo loạn; xử lý các vụ xảy ra ở Tây Nguyên, Mường Nhé trước đây đều phải sử dụng đến máy bay. Bộ Công an đã có doanh nghiệp sửa chữa, đóng mới các phương tiện thủy đủ khả năng đáp ứng nhu cầu và Chính phủ đã đồng ý phê duyệt đề án trang bị 6 máy bay cho lực lượng Công an nhân dân. 


(theo Tiền Phong)

Ý kiến bạn đọc