Tội phạm băng đảng "đút túi" 90 tỉ USD/năm

06:41, 15/08/2013
|

(VnMedia) - Các băng nhóm tội phạm, tổ chức kinh doanh hàng giả, ma túy, buôn người và buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã đã thu được từ các thị trường phi pháp ở Đông Á - Thái Bình Dương gần 90 tỉ đô là Mỹ mỗi năm...

Ảnh minh họa
Trung tướng Đỗ Kim Tuyến tại buổi họp báo

Đây là một trong những nội dung trong bản báo cáo “Đánh giá nguy cơ: Tội phạm xuyên quốc gia tại Đông Á và Thái Bình Dương” vừa được Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) vừa công bố vào chiều ngày 14/8.

Báo cáo ước tính, số tiền mà các băng nhóm tội phạm kiếm được gấp đôi GDP của Myanma, 8 lần GDP của Campuchia và 13 lần của Lào.

Theo đó, băng nhóm tội phạm kiếm được nhiều nhất là từ buôn bán hàng giả (24,4 tỉ đô la), hàng gỗ cấm (17 tỉ đô la), heroin (16,3 tỉ đô la), thuốc gây nghiện methamphetamine (15 tỉ đô la), sau đó lần lượt đến buôn bán thuốc giả, rác thải điện tử và  buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Các hoạt động khác như đưa người di cư bất hợp pháp hay buôn bán phụ nữ và trẻ em gái hay lao động nói chung cũng đem lại hàng trăm triệu đô la mỗi năm cho chúng.

Theo ông Jeremey Douglas, trưởng đại diện khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đánh giá, lợi nhuận phi pháp từ các hoạt động tội phạm ở khu vực này có thể làm bất ổn xã hội trên phạm vi toàn cầu. Những đồng đô la thu được từ các hoạt động phi pháp có thể dùng để mua bất động sản, các công ty và gây tham nhũng ở bất cứ đâu.

Trưởng đại diện khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương của UNODC cho rằng nhiều hoạt động tội phạm có tổ chức sẽ gây hậu quả nghiêm trọng tới vấn đề sức khỏe toàn cầu.

"Hiện nay phần lớn thuốc giả có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc là điểm xuất phát của khoảng 60% thuốc giả bắt giữ từ năm 2008 - 2010. Các nguyên liệu để chế biến giả thường được chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á để sản xuất và đóng gói. Ngành thương mại này có thể có những tác động nghiêm trọng về sức khỏe trên phạm vi toàn cầu", ông Jeremey Douglas cho biết.

Hoạt động buôn bán hàng giả là món mồi béo bở nhất của các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia. Theo Tổ chức Hải quan Thế giới, 75% số lượng hàng giả bị bắt giữ trên toàn thế giới từ năm 2008 tới 2010 có xuất xứ từ Đông Á, chủ yếu là từ Trung Quốc.

Ngoài ra, hoạt động buôn bán người và đưa người di cư trái phép vì mục đích lao động ở khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông đang mở rộng gắn kết chặt chẽ với nhau. Số người Việt Nam di cư bất hợp pháp được phát hiện ở EU ước tính khoảng 18.000 người mỗi năm, "thu lợi" cho các dịch vụ tổ tổ chức khoảng 300 triệu đô la.

Tại cuộc họp báo, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ công an) khẳng định, quan điểm của Việt Nam là sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước giải quyết vấn đề liên quan đến nhập cư trái phép.

Đánh giá về tình hình tội phạm liên quan đến ma túy tại Việt Nam, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến cho biết, loại tội phạm này được xếp vào nhóm kiếm được nhiều tiền thứ 2, sau buôn bán động vật hoang dã.

Theo Trung tướng Tuyến, ma túy được vận chuyển chủ yếu từ tam giác vàng và các quốc gia Châu Phi bằng đường không vào Việt Nam. Từ năm 2012 đến nay, lực lượng công an đã bắt được 16 vụ vận chuyển ma túy tổng hợp qua đường hàng không. Điểm xuất phát mặt hàng này từ các quốc gia Châu Phi.


Bùi Ngà

Ý kiến bạn đọc