(VnMedia)- Thời gian gần đây, Bộ Công an liên tiếp có những văn bản thể hiện sự "bất thường" rồi sau đó phải thay đổi khi dư luận lên tiếng phản biện. Nhưng sự kiện văn bản "có nhiều dấu hiệu sai trái" của Cục Cảnh sát giao thông mới đây thực sự gây hoang mang hơn cả...
>>Bộ Tư pháp "tuýt còi" văn bản không cho chụp ảnh
>> Không còn quy định phạt người "mua dâm đồi trụy"
>> Phạt tiền mại dâm đồi trụy: Đang bổ sung, chỉnh lý
>> Cảnh sát không được yêu cầu chứng minh xe chính chủ
>> Chứng minh thư ghi tên cha mẹ có còn hiệu lực?
>> Ngừng cấp mẫu chứng minh thư có tên cha mẹ
Cố tình ngăn cản!?
Văn bản số 1402/C67-P3 được ban hành từ ngày 26/4, "tác giả" là Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt (C67) - Bộ Công an. Nội dung chính của văn bản này là chấn chỉnh tác phong nghiệp vụ của lực lượng cán bộ, chiến sỹ như cách nói của Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Cục phó C67.
Tuy nhiên, trong văn bản này lại nêu hai nhóm hành vi "có lời nói đe đọa lăng mạ"; "chống đối CSGT" với hành vi "quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ". Theo đánh giá của Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp (KTVB), việc này đã thể hiện sự thiếu thận trọng khi kết nối các nhóm hành vi với bản chất, mức độ khác nhau.
Hình ảnh người chiến sỹ CSGT giúp dân trong mưa lũ gây cảm động trong cộng đồng là nhờ người dân chụp lại và đưa lên mạng xã hội. Ảnh: internet. |
Theo Cục KTVB, việc đưa ra nội dung CSGT có quyền yêu cầu bất cứ người dân nào quay phim, chụp ảnh CSGT khi đang làm nhiệm vụ xuất trình giấy tờ để xác định "được phép" hay chưa và để "xác định đúng là nhà báo hay giả danh" là không phù hợp với quy định hiện hành về quyền của nhà báo, thậm chí là cả người dân khi quay phim, chụp ảnh. Bởi pháp luật hiện hành chỉ quy định những trường hợp bí mật nhà nước như an ninh quốc phòng mà có quy định hạn chế thì mới không được quay.
Bên cạnh đó, Cục KTVB cũng cho rằng những nội dung đã nêu trong văn bản 1402 không thuộc thẩm quyền quy định của lãnh đạo C67.
Nghị định gây tranh cãi
Trước thời điểm nội dung văn bản số 1402/C67-P3 được công bố rộng rãi, dư luận cũng được phen choáng váng khi Bộ Công an lấy ý kiến rộng rãi về 3 Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính. Trong đó, thông tin gây sốc nhất là việc phạt tiền mại dâm đồi trụy gấp 10 lần người bán dâm đồi trụy (từ 5-10 triệu đồng). Ngay sau khi dự thảo Nghị định này được công bố công khai, dư luận đã phân tích và nêu quan điểm không thể có hành vi mua, bán dâm có tính chất đồi trụy vì thế khó có thể thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định.
Theo phân tích của các luật sư, những nhà nghiên cứu xã hội học và cả tâm lý học, có thể hiểu rằng, cái gì mang tính chất tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong, mỹ tục, loã lồ, thô tục, quan hệ giữa người với súc vật, quan hệ tình dục từ ba người trở lên thì có thể coi là đồi truỵ. Rõ ràng, hành vi mua, bán dâm, hiện đang không được pháp luật cho phép vì nó trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục, nên bản thân nó đã là hành vi đồi truỵ.
Ngày 27/5/2013, Hội đồng tư vấn thẩm định do Bộ Tư pháp chủ trì đã cho ý kiến tham gia về 3 Nghị định này. Ngay sau đó, 3 Nghị định này được rút lại để Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa để đảm bảo được các yêu cầu quản lý Nhà nước; đấu tranh phòng, chống tội phạm; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thi hành pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế.
Ít lâu sau khi bổ sung, chỉnh lý, Bộ Công an đã lại đưa các Nghị định xử phạt hành chính ra lấy ý kiến. Tuy nhiên, những thông tin kiểu như phạt mại dâm đồi truỵ, "trần như nhộng" trong các cuộc họp đã được bãi bỏ.
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Công an phải xem xét lại các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan này ban hành. Gần đây nhất, sau vài tháng triển khai cấp chứng minh nhân dân mới đề tên cha mẹ, Bộ Công an đã nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã họp và thống nhất văn bản báo cáo Chính phủ, trong đó kiểm điểm lại toàn bộ quá trình xây dựng văn bản quy phạm liên quan đến nội dung chứng minh nhân dân. Tháng 4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bỏ tên cha mẹ trên chứng minh nhân dân, giao Bộ Công an làm Nghị định sửa đổi 105 và 170 theo thủ tục rút gọn.
Có thể nói, điểm giống nhau của các văn bản, Nghị định gây tranh cãi gần đây của Bộ Công an là buộc phải điều chỉnh, thay đổi khi Bộ Tư pháp lên tiếng phân tích những điểm không hợp lý. Trước khi Bộ Công an quyết định dừng việc triển khai cấp giấy chứng minh thư có tên cha mẹ, ngày 20/8/2012, ông Lê Hồng Sơn (Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp) cho biết đã có công văn yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ xem xét quy định đề tên bố mẹ trong mẫu chứng minh nhân dân mới, áp dụng ngày 1/7/2012 theo Thông tư 27/2012/TT-BCA (ngày 16/5/2012) của Bộ Công an.
Theo ông Lê Hồng Sơn việc ghi tên bố mẹ vào chứng minh thư là “không phù hợp” với Công ước về quyền trẻ em, đặc biệt là với trường hợp sinh bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo” (cụ thể là Điều 16 của Công ước) cũng như với pháp luật dân sự Việt Nam vì theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2005, người mẹ có quyền giữ kín thông tin về người cha của đứa trẻ. Từ góc độ này, qui định yêu cầu ghi tên cha, mẹ trong mẫu chứng minh nhân dân mới “sẽ xâm phạm bí mật đời tư”.
Do vậy, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an xem xét lại tính khả thi, phù hợp với hệ thống pháp hiện hành cũng như yêu cầu cải cách thủ tục hành chính liên quan đến của thủ tục hành chính có vấn đề này.
Và việc tạm ngừng triển khai cấp giấy chứng minh thư của ngành công an cho thấy lực lượng này đã lắng nghe ý kiến của những cơ quan khác liên quan và người dân.
Ý kiến bạn đọc