Loay hoay xử lý những "khách trọ" ở trại giam

15:09, 29/08/2013
|

(VnMedia)- Trên thực tế, tại các trại giam có "khách trọ" bất đắc dĩ, cán bộ không được quản lý các cựu tù như phạm nhân, nhưng cũng không thể lơ là vì nếu họ bỏ trốn thì sẽ rất rắc rối về thủ tục ngoại giao. Mỗi tháng riêng tiền ăn, trại phải chi 1 triệu đồng/ người cho những “khách trọ” này.

Ảnh minh họa

                                                       Ảnh minh họa

Nỗi niềm của những người quản giáo!

Theo quy định của Luật Thi hành án (THA) dân sự thì người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà không có tài sản để thi hành án thì có thể được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi hết thời hạn sau:

5 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5 triệu đồng.

10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 10 triệu đồng.

Còn tại Khoản 1, Điều 26, Nghị định 58/2009 hướng dẫn thi hành Luật THA dân sự về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước, cũng quy định người phải thi hành nghĩa vụ đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước đã thi hành được ít nhất bằng 1/20 khoản phải thi hành, nhưng giá trị không được thấp hơn mức án phí không có giá ngạch thì được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành…

Với những quy định này thì không có cơ sở để miễn khoản tiền phạt, án phí cho những trường hợp còn nợ 100% phần nghĩa vụ dân sự này.

Không những thế, Pháp lệnh về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 cũng quy định: người nước ngoài có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu đang có nghĩa vụ thi hành bản án dân  sự, kinh tế, lao động…

Đối chiếu với tất cả những quy định này thì những người này đương nhiên không được phép xuất cảnh, trừ khi có bảo lãnh bằng tiền, tài sản hoặc có biện pháp khác để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Căn cứ vào các quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam thì dù phạm nhân có hết thời gian cải tạo, nhưng không trả xong phần nợ dân sự, kinh tế, lao động cũng không thể ra khỏi cổng trại.

Thiếu tá Đỗ Trung Thành Phó giám thị Trại giam Thanh Xuân cho biết một trong những khó khăn của trại hiện nay chính là việc quản lý, giam giữ hơn 100 phạm nhân người nước ngoài hoặc mang quốc tịch nước ngoài. Phần đông trong số này không có gia đình đến thăm nuôi và không liên lạc được với gia đình kể từ khi đến trại chấp hành án. Vì vậy mà lần này có 4 phạm nhân dù đủ điều kiện về thời gian, kết quả xếp loại cải tạo nhưng vì chưa thực hiện xong nghĩa vụ dân sự, bồi thường thiết hại, cũng không liên lạc được với gia đình, người thân để thực hiện, bản thân không có tiền, tài sản lưu ký tại trại nên không đủ điều kiện đề nghị xét đặc xá.

Đối với việc phải tiếp nhận và quản lý những “khách trọ” bất đắc dĩ đã khiến cho Trại giam Thanh Xuân gặp nhiều khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý. Bởi dù không được quản lý họ như phạm nhân, nhưng cũng không thể lơ là vì nếu họ bỏ trốn thì sẽ rất rắc rối về thủ tục ngoại giao. Mỗi tháng riêng tiền ăn, trại phải chi 1 triệu đồng/ người cho những “khách trọ” này. Chưa kể khi ốm đau, bệnh xá phải khám, cấp thuốc, nếu ốm tới mức phải đi điều trị ở bệnh viện thì trại vẫn phải cử cảnh sát bảo vệ đi canh gác...

Trước khi phải “chăm sóc” 3 khách trọ bất đắc dĩ nói trên, ở trại Thanh Xuân đã từng có trường hợp 3 người Philippines là ông Bautista Eduardo SR Manaloto, 67 tuổi cùng con trai là Bautista Eduardo JR Ramirez 45 tuổi và con dâu là Balleza Augustina Ero, 47 tuổi, bị bắt tại Hà Nội năm 2009 vì cùng tham gia một vụ lừa đảo người nước ngoài. Ba người này đã bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt từ 3 đến 5 năm tù đồng thời phải bồi thường cho bị hại 204 triệu đồng, chia đều theo kỷ phần mỗi người phải bồi thường 68 triệu đồng…

Mặc dù cả 3 bố con Manaloto đều được giảm án, tha tù trước thời hạn do cải tạo tốt, tuy nhiên do không có tiền bồi thường dân sự cho bị hại nên sau rất nhiều cuộc họp, công văn trao đổi giữa Tổng cục THA Dân sự, Tổng cục THA Hình sự, Công an Hà Nội, Cục Lãnh sự bàn hướng xử lý, đồng thời 3 người này nộp được hơn 20 triệu bồi thường dân sự kèm theo cam kết sau khi được về sẽ gửi tiền trả nợ… mãi tới đầu tháng 2/2013, cả ba mới được về nước. Tính từ khi ra trại đến lúc được về, Ero phải ở nhà lưu trú 1 năm, hai cha con Manaloto - Ramirez mỗi người cũng hơn nửa năm.

Chính bản thân các cán bộ Trại giam Thanh Xuân cũng đã phải “lao tâm khổ tứ” với bệnh tật của “vị khách” Manaloto. Do tiền sử bị bệnh tiểu đường nên từ khi vào trại, Manalota ốm đau triền miên, vì thế phần lớn thời gian chấp hành án Manaloto nằm ở bệnh xá của trại và Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Năm 2011, Manaloto bị đột quị và phải nằm bệnh viện tới hơn 3 tháng, chỉ riêng tiền viện phí cho đợt điều trị này đã là 30 triệu đồng. Được cứu sống nhưng sau đó Manaloto bị liệt nửa người nên trại phải để Ramirez đi theo chăm sóc bố. Cho tới khi trục xuất cả ba bố con về nước, suốt hơn nửa năm ở nhà lưu trú, bác sĩ của trại vẫn phải thăm khám và hàng ngày phát thuốc bổ não, thần kinh cho Manaloto!.

Chờ đợi...

Được biết, để giải quyết vấn đề này, Tổng cục THA dân sự đã có cuộc họp liên ngành để bàn biện pháp xử lý và đưa ra hướng giải quyết, theo đó đối với trường hợp người nước ngoài đang có nghĩa vụ thi hành bản án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động không có tài sản, thu nhập tại Việt Nam và ở nước ngoài nơi người đó mang quốc tịch, nếu đại sứ quán nước đó cam kết hợp tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề liên quan đến nghĩa vụ dân sự của công dân nước họ và tạo điều kiện thuận lợi cho phía Việt Nam đối với những trường hợp tương tự trên nguyên tắc có đi có lại thì được xuất cảnh.

Tuy nhiên, đại sứ quán một số nước không chấp nhận việc đảm bảo thực hiện thay nghĩa vụ dân sự của công dân nước họ và cho rằng cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chỉ có thể yêu cầu công dân nước họ cam kết với mình và với người được thi hành án về việc sẽ tiếp tục thi hành nghĩa vụ dân sự khi được về nước, chứ không thể yêu cầu đại sứ quán cam kết bảo đảm thực hiện thay nghĩa vụ dân sự của công dân…


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc