Không có cơ sở đào tạo vẫn "tung hoành" tuyển sinh

21:55, 22/08/2013
|

(VnMedia)- Ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho rằng, quan điểm của Bộ là không cục bộ, công bằng khách quan theo đúng quy định để tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho các trường. Nhưng, chính bởi sự công bằng này mà cả những trường không có cơ sở vẫn tuyển sinh như thường.

>>
Đào tạo trung cấp chuyên nghiệp: Trâu buộc ghét trâu ăn! 

Công bằng nên... vượt mặt!


Trao đổi với phóng viên, ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, năm 2009, UBND tỉnh cho trường Trung cấp Y dược Bắc Ninh thành lập trường, mở chi nhánh. Theo ông Vinh, cho dù lúc đó điều lệ hoạt động dành cho nhóm trường trung cấp chuyên nghiệp chưa có nhưng "quyết định cấp trên như thế nên chúng tôi cũng buộc phải chấp hành không lại mang tiếng là cản trở sự phát triển của doanh nghiệp".

 Ảnh minh họa

 Ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An.



Theo chia sẻ của ông Thái Huy Vinh, đến năm 2012, khi đi kiểm tra, thanh tra chuyên ngành phát hiện trường Y Dược Bắc Ninh đã không hoạt động đúng như đề án: chưa có cơ sở vật chất, số giáo viên cơ hữu, vượt chỉ tiêu tuyển sinh nên Sở định “stop” nhưng vẫn chưa làm vậy mà chỉ giảm bớt chỉ tiêu tuyển sinh. Văn phòng UBND tỉnh có công văn yêu cầu xem xét lại đề án, nhưng trước mắt vẫn cho tuyển sinh. Lý do UBND đưa ra bởi: trường thành lập được 3 năm rồi, dừng tuyển sinh thì thí sinh sẽ đi đâu? Công ăn việc làm của cán bộ nữa.

Điều băn khoăn là, không chỉ tỉnh Nghệ An nhìn thấy tính "vấn đề" của trường Y Dược Bắc Ninh mà ngay cả Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh cũng "phát hiện" ra.

Trong báo cáo mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh, trường Trung cấp Y Dược Bắc Ninh được thành lập ngày 8/4/2009 theo Quyết định số 396-QĐ-UB của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh. Hiện trường đang thực hiện Dự án xây dựng giai đoạn 2010-2015. Ngày 17/3/2009, UBND thành phố Bắc Ninh đã có Công văn số 270/CV-UBND về việc tiếp nhận Dự án xây dựng Trường Trung cấp Y Dược Bắc Ninh trên địa bàn xã Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh. Trong khi chờ đợi các thủ tục thay đổi về quy hoạch đất xây dựng, Trường đặt địa điểm đào tạo tại cơ sở liên kết là Trường Trung cấp Y Dược Thăng Long (Bắc Ninh)."Đây là cơ sở đào tạo có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho ngành y, dược", Phó Giám đốc Trịnh Văn Điền nhấn mạnh.

Như vậy, nếu xét theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Y Dược Bắc Ninh đang hoạt động không đúng theo. Bởi, theo quy định, nếu sau 3 năm có quyết định thành lập trường, được phép đào tạo mà đơn vị đó không hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất thì Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ không cho tuyển sinh, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép đào tạo. Tại Bắc Ninh, nơi có trụ sở chính của trường, Trường Y Dược Bắc Ninh cũng đi nhờ địa điểm; còn tại Nghệ An, nơi trường xin đặt chi nhánh, đại điểm của trường cũng là "nhờ" tại Trường Cao đẳng nghề Kinh tế Kỹ thuật số 1 Nghệ An.  Trong các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về cơ sở đào tạo, không có một văn bản nào cho phép các trường chỉ cần thuê địa điểm là hợp lệ!

Sở lùng bùng nên trường làm tới!

Khi trao đổi với phóng viên về hướng xử lý đối với Trường Y Dược Bắc Ninh, ông Thái Huy Vinh cho rằng, nếu muốn được tiếp tục hoạt động, trong thời gian này, trường phải xây trường. "Vì vậy, Sở cho tuyển sinh đào tạo thêm 1 năm, để trường có thêm điều kiện thu xếp nhưng giảm chỉ tiêu tuyển sinh từ 400 xuống còn 120", ông Vinh cho biết.

Cũng theo ông Vinh, đây là quan điểm rất nhân văn vì vẫn có thời gian để cho những sinh viên đang học dở tốt nghiệp. "Khi các em học xong thì dừng lại toàn bộ", ông Vinh nói.

Mặc dù vẫn đồng ý cho trường tuyển sinh, nhưng chính ông Thái Huy Vinh cũng chia sẻ để thấy rằng, tỉnh Nghệ An đang quá "ưu ái" cho Trường Y Dược Bắc Ninh. Theo ông Vinh, "trường có đề án về xây dựng cơ sở nhưng còn lâu UBND tỉnh mới đồng ý. Chắc chắn năm sau (2014) không tạm dừng mà stop luôn. Chúng tôi đã cho trường lộ trình để sắp xếp hết cả rồi. Với vai trò giúp việc cho UBND tỉnh, tôi chỉ biết làm theo chỉ đạo thôi".

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc "nếu trường vẫn nhất quyết xin thêm chỉ tiêu tuyển sinh. Sở có tính đến chuyện này?", ông Vinh nói: "Tôi được biết, trường đang làm thủ tục để mua trường Việt- Úc. Quan điểm của Sở trước sau vẫn là: ai đào tạo cũng được, miễn sao tập trung có chất lượng và đúng theo quy định của Bộ GD-ĐT. Sở có quan điểm: không cục bộ, công bằng khách quan theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT để tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho các trường. Ai làm có chất lượng thì cũng cho làm và không bảo kê".

Quyết tâm cho tồn tại vì sao?

Cần nhắc lại là, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu sau 3 năm có quyết định thành lập trường, được phép đào tạo mà đơn vị đó không hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất thì Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ không cho tuyển sinh, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép đào tạo. Như vậy, với trường hợp cụ thể của trường Y Dược Bắc Ninh, đã đủ điều kiện để không cho phép tuyển sinh nữa. Vậy nhưng, bằng cách nêu quan điểm công bằng, nhân văn, Sở Nghệ An vẫn gật đầu cho phép Trường Y Dược Bắc Ninh được tiếp tục tuyển 120 chỉ tiêu/400 chỉ tiêu. Vì sao lại như vậy?

Trao đổi với phóng viên VnMedia, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận rằng, trong thời gian qua, khi kiểm tra đã phát hiện ở nhiều địa phương các trường không có cơ sở vật chất nhưng vẫn tuyển sinh như thường. Về sự việc tại Trường Y Dược Bắc Ninh, ông Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, "Nghệ An lùng bùng trong việc xử lý vụ việc của Trường Y Dược Bắc Ninh".

Ông Hoàng Ngọc Vinh cũng cho biết, liên quan đến sự việc của Trường Y Dược Bắc Ninh, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh cũng đã có báo cáo về trường này. Thời gian tới sẽ làm về điều này. Xem tình hình cụ thể thế nào đã.

Ông Hoàng Ngọc Vinh cũng nhấn mạnh, "Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh sẽ bị cắt thi đua vì đã để xảy ra việc này".

Khi hỏi về biện pháp mạnh tay hơn đối với sự việc tại Trường Y Dược Bắc Ninh, ông Hoàng Ngọc Vinh cho biết, chức năng chính của Bộ bây giờ là xem xét thi đua, tuyển sinh và cấp bằng, còn lại phân cấp hết về địa phương. Trong trường hợp, các trường có những vi phạm như, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của người học, tái phạm nhiều lần thì sẽ dừng tuyển sinh.

 Ngày 2/12/2011, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận ký ban hành Thông tư 57/2011/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sỹ, thạc sỹ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Thông tư có một số nội dung đáng chú ý như giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở đào tạo trong việc xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm; Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm; Tạo điều kiện để xã hội, người học cùng giám sát khả năng bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo, đồng thời thúc đẩy các cơ sở đào tạo đầu tư phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.

Theo quy định của Thông tư, diện tích sàn xây dựng  trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo bao gồm diện tích các hạng mục:

a) Hội trường, giảng đường, phòng học các loại;

b) Thư viện, trung tâm học liệu;

c) Phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng thực tập, nhà tập đa năng.

Tiêu chí 2: Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo / 01 sinh viên.

a) Đối với các đại học, học viện, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, trường đại học, trường cao đẳng: bình quân 01 sinh viên  không thấp hơn 2 m2.

b) Đối với trường trung cấp chuyên nghiệp: bình quân 01 học sinh  không thấp hơn 1,5 m2.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc