Hậu quả nghiêm trọng vụ "nhân bản" xét nghiệm

07:09, 25/08/2013
|

(VnMedia) - Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội), trong vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại bệnh viện Hoài Đức, hậu quả nghiêm trọng chủ yếu là về mặt tinh thần: gây hoang mang lo lắng cho người bệnh, làm giảm uy tín của nhà nước về công tác khám chữa bệnh…

>>
Vì sao chưa bắt 10 bị can vụ "nhân bản" xét nghiệm?
>> Khởi tố Giám đốc, Phó Giám đốc Bệnh viện Hoài Đức
>> Người tố cáo được thưởng 320.000 đồng
>> 40 cán bộ tố cáo chị Hoàng Thị Nguyệt đã rút đơn ngay
>> Vụ "nhân bản xét nghiệm" đề nghị khen thưởng người tố cáo

Ảnh minh họa
Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức

Liên quan đến việc "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), ngày 20/8 vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố các bị can để tiếp tục điều tra theo tố tụng.

Theo đó, ông Giám đốc Nguyễn Trí Liêm và phó Giám đốc Nguyễn Thị Nhiên bị khởi tố về "tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 285, Bộ luật hình sự.

8 bị can còn lại bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 281, Bộ luật hình sự gồm: Vương Thị Kim Thành, Trưởng khoa xét nghiệm; Phan Thị Oanh, Kỹ thuật viên trưởng cùng các kỹ thuật viên thực hiện với động cơ và mục đích của việc lập khống là để đưa vào hồ sơ thanh toán tiền bảo hiểm y tế cho bệnh viện, một số khác do nể nang, chỉ đạo nên đã có hành vi vi phạm.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội), cả hai tội nêu trên đều có có chung điểm giống nhau là mặt chủ thể của tội phạm là người có chức vụ quyền hạn. Tuy nhiên điểm khác nhau là động cơ mục đích tức là mặt chủ quan của tội phạm.

Đối với Điều 281, Bộ luật hình sự được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp với động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội này. Đối với điều 285, Bộ luật hình sự được thực hiện với lỗi vô ý (do quá tự tin hoặc do cẩu thả) và không có động cơ mục đích vụ lợi và động cơ cá nhân khác.

Trong vụ án này, qua các chứng cứ chứng minh Giám đốc và phó Giám đốc bệnh viện không biết, hoặc lơ là trong quản lý, yếu kém về nghiệp vụ mà không quản lý sát sao, không có động cơ vụ lợi trong việc các cán bộ bệnh viện dưới quyền có những hành vi vi phạm pháp luật trong suốt thời gian dài nên phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 285, Bộ luật hình sự về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Lãnh đạo bệnh viện chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ được giao

Luật sư Thơm cho biết, hậu quả nghiêm trọng trong vụ án này là hậu quả vật chất và tinh thần. Hậu quả vật chất tuy không lớn nhưng hậu quả nghiêm trọng chủ yếu là về mặt tinh thần: gây hoang mang lo lắng cho người bệnh, làm giảm uy tín của nhà nước về công tác khám chữa bệnh,… 

Quan điểm của luật sư Thơm cho rằng, không thể chỉ căn cứ vào các lời khai, đơn tố cáo... cho rằng đã có sự chỉ đạo làm khống các xét nghiệm từ lãnh đạo bệnh viện. Nếu lãnh đạo bệnh viện không thừa nhận thì phải có chứng cứ vật chất chứng minh có sự chỉ đạo như: văn bản, chữ ký của lãnh đạo chỉ đạo…

Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của lãnh đạo bệnh viên được Nhà nước phân công và quy chế hoạt động của Bệnh viện thì rõ ràng lãnh đạo bệnh viện Hoài Đức đã không làm hết chức năng nhiệm vụ của mình nên phải có trách nhiệm trong việc các nhân viên cấp dưới xảy vi phạm nghiêm trọng tại bệnh viện do mình quản lý.

Tuy nhiên, trong vụ án này cũng cần thiết phải xem xét việc thanh tra, kiểm tra công tác hoạt động khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Để xảy ra các sai phạm trong suốt một thời gian dài mà không phát hiện ra sai phạm thì cũng nên xem xét lại việc quản lý nhà nước.

"Nếu không có việc các cá nhân tại bệnh viên đứng ra tố cáo các sai phạm tại bệnh viện thì các sai phạm đó không biết đến bao giờ mới bị xử lý và hậu quả để lại thì sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn", luật sư Thơm nói.

Như cơ quan điều tra đã thông báo thì hậu quả vật chất trong vụ án này là nhỏ. Số tiền hưởng lợi do việc “nhân bản” mà bảo hiểm y tế chi trả cũng chỉ 16 triệu đồng. Số tiền này hiện vẫn nằm trong quỹ của bệnh viện cũng chưa phát hiện ra việc động cơ vụ lợi, chiếm đoạt hưởng lợi tiền từ việc sai phạm này của các cá nhân.

Mặt khác các kết quả nhân bản xét nghiệm này cũng chưa phát hiện trường hợp người bệnh nào dùng kết quả này để điều trị dẫn tới hậu quả chuẩn đoán sai bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.    

"Việc xử lý hình sự đối với các cán bộ bệnh viện cũng là một mất mát của ngành y tế. Vì dù sao các cán bộ này cũng có nhiều cống hiến cho ngành y tế, phục vụ công tác chữa bệnh cho người dân trong suốt thời gian qua. Chỉ vì nhận thức pháp luật còn hạn chế, do chủ quan, nể nang và do suy nghĩ việc làm của mình cũng chỉ làm cho bệnh viện mà không nghĩ tới hậu quả nghiêm trọng sau này", luật sư Thơm chia sẻ.

Việc sai phạm xảy ra ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức có thể là là bài học về công tác quản lý cán bộ, cũng như công tác quản lý hoạt động tại các bệnh viện. Nhà nước cần phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra hoạt động tại các bệnh viện để phát hiện ra những sai sót và có những biện pháp kịp thời xử lý.


Phương Mai

Ý kiến bạn đọc