(VnMedia) - Cho rằng việc xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo trong vụ "chém giám đốc bệnh viện Thanh Nhàn" là không có căn cứ, HĐXX phúc thẩm đã tuyên giữ nguyên mức án sơ thẩm...
>> 75 năm tù cho nhóm chém giám đốc bệnh viện
>> Côn đồ chém dã man Giám đốc BV Thanh Nhàn
>> Xác định hung thủ chém giám đốc bệnh viện
>> 5 nhát chém gây thương tích rất nặng cho giám đốc bệnh viện
>> Côn đồ chém dã man Giám đốc BV Thanh Nhàn
>> Khởi tố vụ Giám đốc BV Thanh Nhàn bị chém
Các bị cáo tại phiên xét xử
Ngày 9/8, Tòa án Nhân dân Tối cao đã mở phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của 4 bị cáo trong vụ truy sát ông Đào Quang Minh (GĐ bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội).
Các bị cáo gồm: Nguyễn Quang Đạt (sinh năm 1960, ở Đống Đa, Hà Nội); Ngô Quang Dũng (sinh năm 1975, ở quận Đống Đa, Hà Nội); Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1994, ở xã Vĩnh Phú, huyện Phù Ninh; Đỗ Đức Thụ (SN 1976), trú tại xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba, Phú Thọ.
Theo cáo trạng truy tố, năm 2004, công ty Công ty TNHH kinh doanh và dịch vụ thiết bị y tế ĐY33 (Công ty ĐY33) do Đạt làm giám đốc đã trúng thầu cung cấp nhiều dịch vụ tại Bệnh viện Thanh Nhàn trong đó gồm một số dịch vụ của nhà tang lễ như gửi xe, xe tang, dịch vụ kỹ thuật cao gồm chụp cộng hưởng từ, X quang, siêu âm...
Công ty ĐY33 đã đầu tư 7 xe ôtô vào việc phục vụ hoạt động vận chuyển tại nhà tang lễ của bệnh viện, trong đó có 2 xe là của Ngô Quang Dũng.
Theo hợp đồng với bệnh viện trước đây, Đạt chỉ phải trả cho bệnh viện 10-15%, số tiền Đạt thu về hàng tháng lên tới hàng tỷ đồng.
Tháng 8/2011, sau khi ông Đào Quang Minh được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn và thực hiện một số cải cách trong quản lý nhằm hiện đại hóa bệnh viện thì lợi ích kinh tế của Đạt bị giảm sút nghiêm trọng. Theo quy định mới, các dịch vụ công nghệ cao của Đạt quản lý phải chi trả phần trăm tăng lên 30-40%.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Thanh Nhàn đã thành lập song song thêm một phòng làm dịch vụ X.Quang- siêu âm khiến lượng tiền thu về của Đạt đã sụt giảm nghiêm trọng, từ đây nảy sinh mâu thuẫn.
Bức xúc Đạt đã kể chuyện với Ngô Quang Dũng và lên kế hoạch thuê người chém ông Minh để tra thù. Sau đó Dũng đã nhờ Thụ ra tay giúp với khoản chi hơn 30 triệu đồng.
Thông qua Thụ, Việt và Hùng đã nhận lời tham gia. Dũng được xác định là người đã đi mua dao và đưa ảnh để nhóm gây án nhận diện.
Sau một số lần định chém nhưng chưa có cơ hội, chiều 1/3 nhận tin do Đạt báo, Dũng cùng nhóm Thụ bám theo chiếc Fortuner chở Giám đốc Minh đi công tác. Khi xe đi đến địa phận huyện Sóc Sơn thì dừng lại, ông Minh và một số người xuống ven đường đi vệ sinh.
Lúc này, Việt cũng chở Hùng đi tới, Hùng chạy đến túm tóc ông Minh, cầm dao chém vào tai và lưng. Nghe tiếng kêu cứu của nạn nhân, một số người trong xe ô tô nhảy xuống thì Hùng bỏ chạy đến chỗ Việt, cả hai phóng đi mất. Được đưa đến bệnh viện cấp cứu, ông Minh bị thương tích 56%.
Sau khi gây án, Thụ nhận 30 triệu đồng, trong đó Việt và Hùng mỗi người được chia hơn 6 triệu đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 15/5, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Quang Đạt mức án cáo nhất 20 năm tù giam; bị cáo Ngô Quang Dũng và Nguyễn Mạnh Hùng cùng chịu mức án 19 năm tù giam; bị cáo Đỗ Đức Thụ mức án thấp nhất 17 năm tù.
Cho rằng mình bị tuyên án như vậy là nặng nên các bị cáo đã làm đơn kháng cáo.
Tại phiên xử phúc thẩm sáng ngày 9/8 HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này thể hiện rõ tính chất nghiêm trọng, có sự phân công, cấu kết chặt chẽ giữa nhóm bị cáo thuê giết người với nhóm giết người.
HĐXX phúc thẩm nhấn mạnh, việc ông Đào Quang Minh bị truy sát nhưng không chết là ngoài ý chí chủ quan của các bị cáo. Hành vi các bị cáo không chỉ nhằm tước đi tính mạng của nạn nhân mà còn gây ra sự hoang mang cho người dân thủ đô. Do đó, cần phải có hình phạt nghiêm khắc, tách ly các bị cáo này ra khỏi xã hội...
Theo HĐXX, các tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo đã được cấp sơ thẩm áp dung nên việc xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo là không có căn cứ. Sau khi nghị án, HĐXX phúc thẩm đã tuyên giữ nguyên mức án sơ thẩm.
Ý kiến bạn đọc