(VnMedia)- Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tục hai cơ quan thuộc hai Bộ Công Thương, Y tế phải ra thông báo cảnh báo về tình dạng mạo danh để trục lợi...
>> Vì sao lừa đảo "ưa chuộng" giả danh công an?
Cảnh báo tình trạng mạo danh Thanh tra Bộ Y tế
Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp ngăn chặn tình trạng mạo danh là cán bộ thanh tra của Bộ.
Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, theo phản ánh của một số địa phương và đơn vị đã có những đối tượng không có Giấy giới thiệu của Thanh tra Bộ Y tế nhưng đến các đơn vị, địa phương mạo xưng là cán bộ thanh tra của Bộ Y tế và yêu cầu đơn vị, địa phương cung cấp số điện thoại, thông tin cá nhân của Lãnh đạo hoặc các thông tin có liên quan đến công tác cán bộ, công tác đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị y tế…
Trước tình trạng đó, Thanh tra Bộ Y tế khẳng định, tất cả các cán bộ công chức của Thanh tra Bộ Y tế khi đến các đơn vị làm việc phải có tên trong Quyết định thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc giấy giới thiệu do lãnh đạo Thanh tra Bộ Y tế ký, ghi rõ họ, tên, chức danh của cán bộ đến làm việc, nội dung làm việc và thời gian của giấy giới thiệu.
Theo Bộ Y tế, những trường hợp mạo xưng là cán bộ Thanh tra Bộ Y tế đến không có Quyết định thanh tra, kiểm tra hoặc Giấy giới thiệu của Thanh tra Bộ Y tế, các cơ quan, đơn vị có thể báo cho cơ quan chức năng để xem xét, xử lý và báo cho Thanh tra Bộ Y tế qua số điện thoại 04 62732160 hoặc email: thanhtraytevn@gmail.com.
Cục Quản lý cạnh tranh cũng bị mạo danh
Đầu tháng 8/2013, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cũng phải có thông báo về việc một số tổ chức, cá nhân lợi dụng danh nghĩa của Ban Bảo vệ người tiêu dùng, để kêu gọi tài trợ cho các chương trình hội thảo.
|
Theo thông tin chính thức, thời gian vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã theo dõi và tiếp nhận thông tin từ các tổ chức, cá nhân về tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng danh nghĩa của Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương để kêu gọi tài trợ cho các chương trình hội thảo. Trong quá trình liên hệ với các bên, cá nhân mạo danh đã sử dụng những thông tin như sau để làm việc:
1. Mạo danh là chuyên viên của Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh hoặc nói chung chung là chuyên viên của Cục Quản lý cạnh tranh.
2. Tên cá nhân: ông Hồng Minh.
3. Số điện thoại: 0946.534.193
4. Địa chỉ email: cucquanlycanhtranh.bct@gmail.com.
5. Nội dung làm việc: Đề nghị tài trợ cho hội thảo do Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh tổ chức hoặc đồng tổ chức.
Trong quá trình liên hệ, cá nhân ông Hồng Minh cũng lợi dụng danh nghĩa của Cục để gây sức ép và có hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trước tình trạng nêu trên, Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định:
Trong danh sách cán bộ, công chức, viên chức của Cục Quản lý cạnh tranh không có cá nhân nào tên Hồng Minh và số điện thoại như nêu trên;
Trong quá trình thực thi công vụ, các cán bộ của Cục không sử dụng các địa chỉ email có tên miền công cộng như Gmail hoặc Yahoo…;
Hành vi của ông Hồng Minh mạo danh Cục Quản lý cạnh tranh như trên là hành vi lừa đảo, vi phạm các quy định pháp luật. Cục Quản lý cạnh tranh sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để làm rõ hành vi liên quan của ông Hồng Minh.
Trường hợp phát hiện các hành vi có dấu hiệu tương tự như trên, Cục Quản lý cạnh tranh đề nghị các tổ chức, cá nhân phát hiện và kịp thời thông báo cho Cục theo địa chỉ: Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương. Địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 04.222.05.002 - Fax: 04. 222.05.003.
Mạo danh để làm gì?
Căn cứ vào những thông tin do Bộ Y tế và Cục Quản lý cạnh tranh đưa ra thì việc đối tượng mạo danh xuất phát đầu tiên là vì mục đích kiếm tiền bất chính. Bên cạnh đó, nhiều người chưa hiểu hết về chức năng nhiệm vụ của cán bộ thanh tra, cán bộ Cục Quản lý cạnh tranh, họ chỉ biết rằng thanh tra thì có quyền kiểm tra, nhân viên Cục Quản lý cạnh tranh thì có quyền đi kêu gọi tài trợ, tổ chức sự kiện... cũng giống như việc công an, cảnh sát có quyền bắt giữ tội phạm, trấn áp tội phạm như vậy họ có quyền uy rất lớn, có giao tiếp rộng, chắc nhiều người vị nể nên có thể giúp được người dân mọi thứ, do vậy họ đã bị tội phạm lợi dụng để lừa gạt.
Để tránh việc bị làm giả và bị lừa đảo vì hành vi giả mạo của đối tượng, cách tốt nhất là mỗi người sống và làm việc theo đúng Hiến pháp và pháp luật để đối tượng không có điều kiện mạo danh mà thôi...
Ý kiến bạn đọc