Bản án tử hình và những hình thức thi hành án

07:36, 18/08/2013
|

(VnMedia) - Sau nhiều lần điều chỉnh, quá nhiều ý kiến thắc mắc, nghi ngại về việc thi hành án tử hình với phạm nhân bị tuyên án tử, ngày 6/8/2013 vừa qua, phạm nhân đầu tiên đã được áp dụng hình thức thi hành án này theo đúng quy định.

>> Thêm hình thức thi hành án cho phạm nhân tử hình
>> Thi hành án tử hình bằng thuốc độc trong nước
>> Sắp thi án tử hình bằng thuốc độc tổng hợp

Ảnh minh họa

 Một phòng thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc ở nước ngoài. Ảnh: Minh hoạ.


Thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc


Thực hiện Luật Thi hành án hình sự; Nghị định số 82/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc; Nghị định số 47/2013/NĐ-CP ngày 13/5/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2011/NĐ-CP; Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BCA-BQP-BYT-TANDTC-VKSNDTC ngày 06/6/2013 hướng dẫn tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Hồi 08h30 ngày 06/8/2013, Hội đồng thi hành án tử hình thành phố Hà Nội đã thi hành Quyết định số 01/2013/QĐ-CA ngày 30/7/2013 của Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về việc thi hành hình phạt tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc đối với bị án: Nguyễn Anh Tuấn, sinh năm 1986, hộ khẩu thường trú: thôn Bảo Tháp, xã Kim Thoa, huyện Mê Linh, TP Hà Nội, bị phạt tử hình về “Tội giết người” và “Tội cướp tài sản” theo bản án hình sự phúc thẩm số 157/HSPT ngày 16/4/2010 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

Việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc đối với bị án Nguyễn Anh Tuấn đã đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật. Việc phạm nhân đầu tiên được thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc đã chấm dứt mọi nghi ngờ, đồn đoán về việc áp dụng hình thức này. Bởi chỉ rất ít ngày trước khi thi hành án phạm nhân đầu tiên cũng đã có ý kiến nên thực hiện song song cả hai phương pháp thi hành án là xử bắn và tiêm thuốc độc.

Cho đến nay, theo Hiệp ước Lisbon, các nước EU đã đi tiên phong trong việc bỏ loại hình phạt này. Hiện, Mỹ cũng vẫn giữ nguyên hình phạt tử hình, dù là bắn, tiêm thuốc độc hay ghế điện tùy theo pháp luật mỗi bang. Còn Singapore, vẫn thi hành tử hình bằng treo cổ.

Mặc dù vậy, hình thức tử hình vẫn được áp dụng ở 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 60% dân số thế giới. Trong đó có các nước đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Indonesia và Việt Nam…

Vậy, tính đến thời điểm này, đã có hình thức thi hành án tử hình nào được áp dụng?

Về hình thức thi hành, tử hình dù thực hiện trực tiếp với phạm nhân nhưng lại mang nặng tính răn đe gián tiếp với những người còn sống. Nên từ thời trung cổ, những hình thức tử hình rùng rợn nhất đã được thực hiện, kể cả tại châu Âu, nơi có nền văn minh phát triển rực rỡ. Chẳng hạn ở Anh, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mẩu xương người trong những cái lò vạc từ cách đây hàng thiên niên kỷ, thời kỳ mà các tử tù “được nhúng” ngập trong vạc dầu sôi sùng sục.

Cũng tại châu Âu, tử tù từng bị lột sạch quần áo, đóng đinh lên cây thánh giá và bỏ mặc ngoài pháp trường cho đến chết. Hay như việc căng tứ chi phạm nhân vào một chiếc bánh xe, đập vỡ các đầu xương cho quay theo dạng “cối xay” ngoài pháp trường, mặc xác cho chim thú “quậy phá”, kéo dài tới tận thế kỷ 19.

Ở Trung Đông và châu Phi, người ta biết đến xử tử bằng cách trói treo phạm nhân lên giá, để các đồ tể dùng dao lột từng miếng da gắn bêu trước đông người. Một số nước hiện rất văn minh như Hà Lan, Bỉ… cũng đã từng có cảnh tượng mổ bụng, moi lục phủ ngũ tạng của phạm nhân.

Người châu Á, điển hình là Trung Quốc, dù nền văn hóa có nhiều điểm khác xa với châu Âu nhưng cách thức thi hành án tử hình cũng không kém phần khủng khiếp. Phổ biến trong nhiều nghìn năm, châu Á có tục “voi giày”, nghĩa là phạm nhân bị trói đặt trên pháp trường, để những con voi dùng chân dẫm lên nhay đi nhay lại, hoặc dùng vòi cuốn thân thể đưa lên cao quật xuống cho tới chết. Rồi tục “ngũ mã phanh thây”, phạm nhân bị buộc tứ chi và đầu vào 5 con ngựa, mỗi con phi theo một hướng, xé xác phạm nhân thành nhiều mảnh.

Sử sách cũng ghi nhận người châu Á còn có nhiều “sáng kiến” dành cho người phải chết khác, như cạo trọc đầu, trói ngồi vào một chỗ, để nước rơi từng giọt vào thóp đầu làm cho phạm nhân chết dần chết mòn; hoặc căng da mắt không cho chớp, lấy lòng trắng trứng gà đổ vào, rồi thả côn trùng cho chúng ăn lòng trứng và ăn luôn cả… mắt. Trung Quốc và một số nước lệ thuộc còn có hình phạt lăng trì (tùng xẻo), được áp dụng tới tận đầu thế kỷ 20.

Trước sự chứng kiến của đông người, phạm nhân bị trói vào cột, đồ tể theo hiệu trống, mỗi tiếng trống lại lấy dao xẻo từng miếng thịt, bắt đầu từ những phần nhạy cảm trên cơ thể. Ngay trong lịch sử hiện đại, chế độ diệt chủng Pôn-pốt ở Cam-pu-chia đã làm châu Á nổi danh với các hình thức giết người ghê rợn, như dùng cuốc bổ vào đầu, mổ bụng moi gan, chôn sống tập thể…

Nhưng những hình thức tử hình được sử dụng lâu nhất, phổ biến nhất có lẽ là xử trảm (chém), giảo (treo cổ) và bắn. Với hình thức chém, trước kia người ta huấn luyện những người “máu lạnh” dùng dao phạt trực tiếp, nên người thi hành còn có tên là đao phủ. Những đao phủ giỏi, phạt một nhát đứt cổ nhưng còn để lại miếng da, đủ cho đầu lủng lẳng treo trên cổ.

Thời kỳ sau đó, dụng cụ trảm được thiết kế dưới dạng cỗ máy, tử phạm phải chui đầu vào “khuôn”, đao phủ chỉ cần dâng cao cán đao rồi dập xuống. Từ thế kỷ 18, người Ý phát minh ra loại máy chém cơ học, cũng thiết kế “khuôn” như trên nhưng lưỡi đao được gắn với hai cột trụ song song để đưa lên cao, đến giờ hành hình, lưỡi đao được điều khiển rơi từ trên cao xuống, dùng trọng lực chặt đứt cổ phạm nhân.

Máy chém cơ học được người Pháp ứng dụng từ năm 1789, với cả các nước thuộc địa như Việt Nam. Họ cho rằng, cái chết đến nhanh sẽ giảm sự đau đớn cho phạm nhân và tránh áp lực tinh thần cho đao phủ. Vì vậy mãi đến năm 1981, hình thức tử hình bằng máy chém mới được Tổng thống Francois Mitterrand ra lệnh bãi bỏ.

Tại miền Nam Việt Nam, máy chém cũng rất nổi tiếng dưới chế độ Ngô Đình Diệm với đạo luật 10/59. Trong khi đó với hình thức xử bắn, đầu tiên là việc phạm nhân bị xử tử bằng một dàn xạ thủ, bắn tên có tẩm thuốc độc, sau này cung tên được thay thế bằng súng khi loại vũ khí này được phát minh...

Ở Việt Nam, năm 968, ngay sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng đã thực hiện hình thức cai trị hà khắc, tiêu biểu như việc đặt vạc dầu lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, khiến quan dân dưới triều đều sợ phục. Thời tiền Lê, vị vua cuối cùng của triều đại này là Lê Long Đĩnh luôn được nhắc đến như là một kẻ dâm đãng, tàn bạo và độc ác.

Đại Việt sử lược ghi rằng: “Phàm đánh trận, bắt được quân địch, vua cho áp giải đến bờ sông, khi thủy triều rút xuống thì sai làm cái chuồng nhốt tù binh vào trong, chờ thủy triều dâng lên để tù nhân sặc nước mà chết. Lại bắt trèo lên cây cao rồi sai người ở dưới chặt cây… có khi vua đi chơi ở sông, bèn trói người ở một bên thuyền đi lại cho Thuồng luồng nó sát hại… Lại khi, nhà vua đặt mía trên đầu đức Tăng thống Quách Mão mà róc, giả vờ tuột tay cho dao phập vào đầu…”.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc