Tại Hội thảo Luật Trưng cầu ý dân - một số vấn đề lý luận và thực tiễn vừa được Hội Luật gia Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Trưng cầu ý dân sẽ tạo thêm những cơ sở pháp lý để hiện thực hóa chế định dân chủ trực tiếp, là một trong những công cụ để tiếp tục mở rộng dân chủ, tạo nên sự đồng thuận xã hội cho quá trình phát triển tiếp theo của đất nước.
Thực tiễn cho thấy, trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ tiến bộ, trong đó, nhà nước tạo cơ hội cho người dân được tham gia vào việc hoạch định các chính sách, quyết sách lớn của đất nước. Theo PGS.TS Ngô Huy Cương, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, trên thế giới, trưng cầu ý dân được chia thành 2 loại đó là trưng cầu ý dân bắt buộc và trưng cầu ý dân có tính chất tư vấn. Theo đó, trưng cầu ý dân bắt buộc dẫn tới hệ quả là chính quyền phải thực hiện theo đúng kết quả bỏ phiếu của cuộc trưng cầu ý dân. Trong khi đó, trưng cầu ý dân có tính chất tư vấn thì dẫn tới hệ quả là chính quyền có thể ra quyết định cuối cùng khi suy xét đến kết quả của cuộc bỏ phiếu.
Với tình hình cụ thể của nước ta, vấn đề trưng cầu ý dân không phải là vấn đề mới. Ngay từ Hiến pháp năm 1946 trong bối cảnh đất nước còn phức tạp, bản Hiến pháp đầu tiên đã quy định về quyền phúc quyết của nhân dân. Các bản Hiến pháp năm 1959, 1980 và 1992 đều ghi nhận chế định trưng cầu ý dân. Điều 53 Hiến pháp hiện hành quy định về quyền của công dân biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân; điểm 14, điều 84 quy định QH quyết định việc trưng cầu ý dân…
Để khẳng định nhiệm vụ trưng cầu ý dân của các cơ quan có thẩm quyền được Hiến định, Luật Tổ chức QH năm 1992 và Luật Tổ chức QH năm 2001 đã ghi nhận thẩm quyền quyết định việc trưng cầu ý dân của QH và trách nhiệm tổ chức trưng cầu ý dân của UBTVQH. Tại điều 37 của Quy chế hoạt động của UBTVQH (15/5/2004) quy định: UBTVQH tổ chức trưng cầu dân ý theo quyết định của QH; quy định việc phát hành phiếu trưng cầu, thể thức bỏ phiếu và kiểm phiếu; tổ chức việc bỏ phiếu, tổng hợp, công bố kết quả trưng cầu và báo cáo với QH tại kỳ họp gần nhất... Như vậy, mặc dù trưng cầu ý dân là một nội dung quan trọng thể hiện quyền dân chủ, là một chế định đã được quy định trang trọng trong Hiến pháp và rải rác trong một số đạo luật cũng như quy chế hoạt động nhưng nhiều ý kiến bày tỏ sự tiếc nuối cho đến thời điểm hiện nay, trưng cầu dân ý vẫn chưa được điều chỉnh bởi một đạo luật cụ thể.
Từ yêu cầu thực tiễn thì việc ban hành đạo luật về trưng cầu ý dân là điều hết sức cần thiết. Theo GS.TSKH Đào Trí Úc, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân sẽ tạo thêm những cơ sở pháp lý mới để hiện thực hóa chế định dân chủ trực tiếp, là một trong những công cụ để tiếp tục mở rộng dân chủ, tạo nên sự đồng thuận xã hội cần thiết cho quá trình phát triển tiếp theo của đất nước. Cũng theo GS.TSKH Đào Trí Úc, thì trong Luật Trưng cầu ý dân cần quy định các kênh đa dạng của việc đưa kiến nghị trưng cầu ý dân là điều rất quan trọng. Vì chỉ thông qua hoạt động hàng ngày của các thiết chế quyền lực cũng như thực tiễn xã hội thì mới phát sinh và phát hiện được những vấn đề bức xúc và quan trọng cần phải trưng cầu ý dân.
Với góc nhìn của một luật sư, Chủnhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội Nguyễn Trọng Tỵ cho rằng, việc ban hành luật này là cần thiết trong điều kiện hiện nay, đây cũng thể hiện được nguyện vọng của nhân dân, nguyện vọng này phù hợp với ý của Đảng. Việc quy định dân chủ trực tiếp hay dân chủ gián tiếp cũng là ở Luật này. Nếu làm không theo kiểu “cứng nhắc” thì cũng có những vấn đề phải là trực tiếp, có vấn đề lại là gián tiếp hay là bán trực tiếp như là quy định nguyện vọng của nhân dân nhưng lại có một cơ quan có thẩm quyền xem xét và quyết định thì đó là bán trực tiếp, ông Tỵ ví dụ. Nhưng với những vấn đề mà đa số người dân (51%) đồng ý, cơ quan của nhà nước phải thực hiện thì đó phải là dân chủ trực tiếp.
Tuy nhiên, khi xây dựng Luật cũng phải chú ý tới phạm vi, vấn đề gì thì phải tiến hành lấy ý kiến của dân, cái nào không, chứ không nhất thiết việc gì cũng lấy ý kiến, ông Tỵ đề nghị. Vì thực tế, dân không thể có đầy đủ điều kiện tham gia, thảo luận và biểu quyết được hết tất cả các vấn đề của nhà nước. Ông Tỵ cũng kiến nghị, ngoài phạm vi của quốc gia thì cũng quy định những vấn đề của địa phương. Những vấn đề liên quan đến quyền lợi, đời sống, tình cảm của người dân địa phương thì buộc phải trưng cầu ý kiến người dân ở địa phương ấy. Dự thảo Luật cần phải thể hiện được điều này. Ông Tỵ nhấn mạnh.
Luật Trưng cầu ý dân được đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ QH Khóa XIII, và sẽ được xây dựng sau khi thông qua Hiến pháp sửa đổi. Đây là dự thảo luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, do vậy, trong quá trình xây dựng, ban soạn thảo phải hết sức thận trọng để người dân thực hiện quyền của mình một cách thực chất nhất.
Ý kiến bạn đọc