Cần quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự sớm hơn ?

22:11, 28/07/2013
|

Một số vụ án nghiêm trọng gây bức xúc dư luận thời gian qua đang bị vướng bởi những quy định của pháp luật trong đó có một số quy định không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn. Kẻ gây án chưa tới tuổi vị thành niên nên “nhởn nhơ” không lo bị phạt nặng trong khi người bị hại phải chịu quá nhiều tổn thất…

 

Ở nước ta những năm gần đây, tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng gia tăng cả về quy mô và tính chất, gây nên những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến tình hình an ninh - trật tự xã hội. Một số vụ án nghiêm trọng gây bức xúc dư luận thời gian qua đang bị vướng bởi những quy định của pháp luật trong đó có một số quy định không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trước tình trạng này, việc sớm sửa đổi Bộ luật Hình sự để góp phần phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với người chưa thành niên phạm tội là điều hết sức cần thiết.

 

Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định: người chưa thành niên phạm tội gồm những người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được luật hình sự quy định là tội phạm. Nếu nhìn nhận trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của các nhà y học, tâm lý học, xã hội học, có thể thấy người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm sinh lý, chưa có khả năng nhận thức một cách đầy đủ các chuẩn mực và yêu cầu của xã hội, chưa có khả năng phân tích đánh giá về tính chất của hành vi mà mình thực hiện, thường dễ bị lôi kéo, kích động và làm theo.

 

Chính vì vậy, môi trường sống có ảnh hưởng rất quan trọng đến việc hình thành tính cách, cách hành xử của người chưa thành niên. Nếu sống ở môi trường xấu, người chưa thành niên rất dễ bị tác động của những hành vi lệch chuẩn, và dễ bị vi phạm pháp luật, phạm tội.

Cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế nước ta, tình hình tội phạm cũng đã có những diễn biến phức tạp. Tại Hội thảo Hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của công dân trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam cho thấy, những năm gần đây, tình hình tội phạm chưa thành niên ở Việt Nam diễn biến hết sức phức tạp, xu hướng chung là năm sau có số vụ và số người phạm tội cao hơn năm trước, tính chất và mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, tạo nên sự lo lắng trong dư luận. Năm 2012 tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm tăng đáng kể, diễn biến phức tạp. Tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên gia tăng và ngày càng khó kiểm soát.

 

Hàng năm có từ 16.000 - 18.000 trẻ em chưa thành niên phạm tội, chiếm từ từ 15-18% tội phạm. Năm 2012, tòa án các cấp đưa ra xét xử 6.425 bị cáo là người chưa thành niên. Điều đáng quan ngại là trong những vụ án đưa ra xét xử, có nhiều vụ án mà người chưa thành niên phạm tội thể hiện sự manh động, liều lĩnh và cố tình phạm tội đến cùng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có vụ án Lê Văn Luyện tại Bắc Giang phạm tội giết người, cướp tài sản gây chấn động dư luận trong thời gian dài. Từ thực tế đau lòng này, dư luận có nhiều ý kiến cho rằng cần phải tăng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và nên hạ độ tuổi bắt đầu phải chịu trách nhiệm hình sự xuống dưới 14 tuổi.

 

Thực tế cũng cho thấy có đến 65% vụ phạm pháp của người chưa thành niên có sử dụng vũ khí và hung khí, phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như cướp tài sản, giết người, hiếp dâm, cố ý gây thương tích, trộm cắp, lừa đảo, các tội xâm phạm an toàn công cộng, tội phạm ma túy, chống người thi hành công vụ. Số vụ phạm tội không chỉ có ở thành phố mà còn xuất hiện ở cả nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

 

Cho tới thời điểm này, các quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam về xử lý người chưa thành niên phạm tội về cơ bản là bảo đảm khoa học, phù hợp, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng thuận lợi trong vận dụng, tuy nhiên, trước yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và tình hình diễn biến phức tạp của tội phạm chưa thành niên, đồng thời, nhằm khắc phục một số hạn chế trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Hình sự đối với các quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội.

Cần quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự sớm hơn, cụ thể là người từ đủ 13 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi do mình thực hiện. Lý giải cho đề xuất này, ông Hiểu cho rằng, những năm gần đây, số tuổi trẻ em dưới 14 tuổi thực hiện các hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự ngày càng nhiều, không ít vụ việc hết sức nghiêm trọng và đang có chiều hướng gia tăng. Đồng thời, ông Hiểu cũng chỉ ra thực tế, do biết rõ pháp luật không buộc người dưới 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nên không ít người lợi dụng trẻ em dưới 14 tuổi vào việc thực hiện các hành vi trái pháp luật như buôn lậu, buôn bán ma túy… Trong khi đó, so với pháp luật nhiều nước trên thế giới như một số nước ở châu Âu, châu Mỹ, và châu Á đều quy định độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự rất sớm, trong đó nhóm nước quy định độ tuổi bắt đầu phải chịu trách nhiệm hình sự là 12 tuổi chiếm khá đông.

Cần có cái nhìn “mở” hơn về việc giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên, bởi việc quy định độ tuổi chịu trách nhiệm sớm hơn không làm giảm đi tính chất nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam mà điều quan trọng là cần quy định và áp dụng cho họ chế tài phù hợp để vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục, cải tạo họ trở thành công dân có ích cho xã hội, ngăn chặn họ tái phạm, giúp họ hòa nhập cộng đồng một cách lâu dài nhất.

 

Bên cạnh đó, cần mở rộng phạm vi các biện pháp tư pháp như tham gia lao động công ích, cách ly khỏi môi trường không thuận lợi cho việc giáo dục; nghiên cứu bổ sung một số hình phạt như lao động cải tạo từ 6 tháng đến 1 năm, đưa vào môi trường giáo dục đặc thù có định hướng…


Minh Tuấn

Ý kiến bạn đọc