(VnMedia)- Lãnh đạo Bộ Công an vừa có công văn nghiêm cấm mua bán, cho, tặng trang phục công an nhân dân. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm.
>> Vì sao lừa đảo "ưa chuộng" giả danh công an?
>> Giả danh cảnh sát hình sự lừa gái trẻ
>> Giả danh cảnh sát cơ động, chặn xe thu tiền
Để tăng cường quản lý Nhà nước về trang phục Công an nhân dân (CAND), ngày 03/7/2013, lãnh đạo Bộ Công an đã có công văn yêu cầu các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, các đơn vị trực thuộc Bộ, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tăng cường công tác giáo dục cán bộ, chiến sĩ (nhất là các Học viện, Trường CAND) nghiêm cấm mua bán, cho, tặng trang phục CAND. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm.
Trang phục công an nhân dân được bày bán trên đường Khuất Duy Tiến vào cuối tháng 5/2013. Ảnh: Internet. |
Lãnh đạo Bộ Công an cũng yêu cầu công an các địa phương cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các hoạt động sản xuất, vận chuyển, mua bán và sử dụng trái phép trang phục CAND trên địa bàn. Công an TP Hà Nội điều tra làm rõ nguồn gốc các loại trang phục CAND đã thu giữ.
Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật CAND chỉ đạo các cơ sở sản xuất kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, cung ứng trang phục CAND, thắt chặt công tác quản lý cán bộ chuyên môn trực tiếp giao nhận, cấp phát trang phục CAND.
Trước đó, vào cuối tháng 5/2013 các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện, trên đoạn ngã tư Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi còn có cả những hàng bán trang phục "nhái" trang phục CSGT, CSCĐ. Mỗi bộ quân phục được bán với giá từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, kèm theo cầu vai, mũ, thắt lưng thuộc nhiều cấp bậc khác nhau, từ trung sỹ, thượng sỹ, thiếu úy… Đối với trang phục dành cho ngành CSGT sẽ kèm còi, gậy, thắt lưng… chẳng khác gì các bộ trang phục của CSGT thật.
Sau khi nhận được tin báo của quần chúng, Phòng CSGT Hà Nội đã kiểm tra và lập biên bản xử phạt. Người phụ nữ bán trang phục lực lượng vũ trang nhái là Đỗ Thị Hạnh (SN 1987, ở Tứ Dân, Khoái Châu, Hưng Yên).
Tại thời điểm kiểm tra, chiếc xe máy của chị Hạnh chở 50 bộ quần áo của lực lượng vũ trang với nhiều kích cỡ khác nhau. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm và tạm giữ chiếc xe, sau đó phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 26 (Chi Cục QLTT Hà Nội) tạm giữ 2 bộ trang phục.
Tại cơ quan điều tra, chị Đỗ Thị Hạnh cho biết: Chị bán quần áo của lực lượng vũ trang tại TP HCM từ 2 năm trước, song không thấy ai nhắc nhở hay xử lý. Hạnh đã nhập 100 bộ quần áo loại này để tiêu thụ tại thị trường Hà Nội từ gần 1 tháng nay, hiện đã bán hết 50 bộ.
Theo chị Hạnh, nguồn hàng quần áo nhái lực lượng vũ trang được vận chuyển từ TP HCM, đơn vị cung cấp hàng cho chị có giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, vào thời điểm kiểm tra, chị Hạnh không xuất trình được giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ của số hàng trên.
Ý kiến bạn đọc