Ông Nguyễn Hữu Khai đã được di lý ra Hà Nội

18:32, 16/06/2013
|

(VnMedia) - Ông Nguyễn Hữu Khai, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long đã được di lý từ Thành phố Hồ Chí Minh về Hà Nội để phục vụ công tác điều tra...

>> Lương y, tiến sỹ Nguyễn Hữu Khai bị bắt giam
>> Vì sao Chủ tịch tập đoàn Bảo Long bị bắt?
>> Chân dung Chủ tịch tập đoàn Bảo Long Nguyễn Hữu Khai

Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Hữu Khai trên đường được di lý ra Hà Nội. Ảnh Giáo dục Việt Nam 

Cơ quan An ninh điều tra - Công an Thành phố Hà Nội cho biết, 12 giờ trưa ngày 16/6, ông Nguyễn Hữu Khai, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đông Nam dược Bảo Long đã được cơ quan công an dẫn giải về đến Hà Nội để phục vụ công tác điều tra.

Quá trình thực hiện lệnh bắt ông Khai, cơ quan điều tra phát hiện bị can đang ở Thành phố Hồ Chí Minh nên đã cử tổ công tác phối hợp với Công an thành phố Hồ Chí Minh thi hành lệnh bắt tại thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo thủ tục chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, vào hồi 16h30 phút ngày 15/6, tại trụ sở Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long, có địa chỉ tại Ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh,
cơ quan điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Hữu Khai (61 tuổi), Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long.

Các quyết định và lệnh trên đều đã được viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội phê chuẩn.


Ông Nguyễn Hữu Khai bị bắt về tội "Sử dụng trái phép tài sản", theo quy định tại Điều 142, Bộ Luật hình sự. Cơ quan điều tra xác định từ năm 2011 đến nay, ông Nguyễn Hữu Khai đã có hành vi chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản mà Tập đoàn Bảo Long đã bán cho Tập đoàn Bảo Sơn có địa chỉ tại xã Cổ Đông (Thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội).

Việc chiếm giữ này gây ra nhiều thiệt hại cho Tập đoàn Bảo Sơn cũng như làm nảy sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự trên địa bàn trong một thời gian dài.

Hiện, cơ quan công an đang tiến hành điều tra làm rõ vụ việc.

Điều 142. Tội sử dụng trái phép tài sản

1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây hậu qủa đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. 


Khánh Công

Ý kiến bạn đọc