Đặt cao năng lực và trách nhiệm trong đánh giá tác động môi trường

21:21, 30/06/2013
|

Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) có ý nghĩa quan trọng được xem như một công cụ để thực hiện công tác quản lý đối với môi trường. Song trên thực tế công cụ này chưa thực sự phát huy được hiệu quả, một phần xuất phát từ trách nhiệm, năng lực cũng như đạo đức của các chủ thể lập, phê duyệt, thẩm định báo cáo.

Theo nhận định của các chuyên gia môi trường, việc thực hiện ĐTM đối với nhiều dự án còn mang tính hình thức, chủ dự án mới chỉ coi đây như một thủ tục trong quá trình chuẩn bị hoặc thực hiện dự án. Xuất phát từ quan niệm đó, nhiều chủ dự án khi được yêu cầu lập báo cáo thì làm cho lấy lệ, cho đủ thủ tục thông qua chứ không quan tâm đến những tác động và nguy cơ tới môi trường thực sự. Xem xét phần lớn các báo cáo ĐTM hiện nay có thể nhận thấy một thực tế, những báo cáo này mới chỉ lưu ý đến tác động có hại, trực tiếp, trước mắt, tác động tới môi trường tự nhiên mà ít quan tâm đến tác động gián tiếp, lâu dài và tác động tới xã hội.

 

Việc thiếu chú ý đến tác động xã hội có thể thấy rõ trong nhiều báo cáo đã được thực hiện đơn cử như Báo cáo ĐTM của Dự án Xây dựng nhà máy thủy điện Sơn Hương phần đánh giá tác động xã hội chỉ có 1 trang; Dự án Khai thác mỏ Titan ở Hà Tĩnh phần đánh giá tác động xã hội chỉ nửa trang hay Dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu có nội dung dày tới 200 trang, nhưng phần đánh giá tác động xã hội cũng chỉ có 2 trang. Có những báo cáo làm ngơ hoặc đánh giá thấp các giá trị cũng như vai trò của môi trường và hệ sinh thái ở nơi dự án đề xuất can thiệp để dễ được chấp thuận.

 

Nhiều báo cáo ĐTM có tới 80% là thiếu tính thực tế, là bản sao chép của các dự án khác, thậm chí có những trường hợp chủ đầu tư còn “quên” thay đổi địa danh cho phù hợp với dự án mới, cắt dán từ báo cáo này sang báo cáo khác. Chất lượng ĐTM như vậy cũng bởi trình độ, kinh nghiệm của người lập báo cáo ĐTM còn thấp. Đó là chưa kể một số chủ đầu tư giao hoàn toàn việc lập báo cáo ĐTM cho đơn vị tư vấn song chính các đơn vị này cũng bộc lộ nhiều hạn chế trong khả năng lập báo cáo do thiếu khảo sát thực tế hay không liên hệ chặt chẽ với chủ đầu tư.

 

“Thiếu thông tin về đối tượng gây tác động và bị tác động cũng là nguyên nhân khiến nhiều báo cáo không đạt chất lượng” - Ts Nguyễn Khắc Kinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá ĐTM nhấn mạnh. Thông tin về tình trạng môi trường ở thời điểm hiện tại và dự báo ở tương lai, đặc biệt là thông tin về sức chịu tải của các thành phần môi trường như nước, không khí, đất, sinh vật còn thiếu nhiều. Người lập báo cáo không thể có được thông tin này một cách chính xác, đồng bộ và đầy đủ.

 

Tuy nhiên, đó không chỉ là vấn đề trình độ, chuyên môn hay kinh nghiệm mà sự thiếu rõ ràng trong các quy định pháp luật cũng là nguyên nhân khiến cho các báo cáo ĐTM chưa đạt yêu cầu. Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường 2005 mới chỉ quy định điều kiện của Tổ chức dịch vụ tư vấn lập báo cáo ĐTM mà không yêu cầu chủ dự án khi lập báo cáo ĐTM phải đáp ứng điều kiện này. Trong khi đó, Nghị định 29/2011/NĐ-CP lại xác định rất rõ chủ dự án phải đáp ứng một số điều kiện nhất định mới được phép lập báo cáo ĐTM. Việc ràng buộc phương thức thực hiện nghĩa vụ của chủ dự án như trong Nghị định 29/2011/NĐ-CP sẽ phần nào giảm thiểu được tình trạng chủ dự án không đủ điều kiện vẫn lập báo cáo ĐTM. Một số chuyên gia nhận định, Luật BVMT 2005 bỏ sót điều kiện của chủ dự án khi lập báo cáo ĐTM sẽ khiến chủ thể này làm báo cáo qua loa, chiếu lệ, đến khi được hỏi thì viện dẫn vào việc luật không có quy định.

 

Những báo cáo ĐTM hình thức, đối phó sẽ khó được phê duyệt nếu như công tác thẩm định nghiêm túc và có chất lượng. Thế nhưng, hoạt động thẩm định báo cáo ĐTM vẫn chưa thực sự trở thành một kênh phản biện trong sự đối trọng với những ưu tiên về dự án đầu tư và phát triển kinh tế. Đặc biệt là những dự án đầu tư quy mô lớn nhưng tiềm ẩn rủi ro cao về môi trường như xây dựng thuỷ điện, cảng biển, khai thác khoáng sản, sửa chữa tàu biển, tái chế rác thải.

 

Việc các địa phương đua nhau trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư là một thực tế và báo cáo ĐTM không đạt chất lượng vẫn được xem xét phê duyệt cũng là điều dễ thấy. Một số chuyên gia cho rằng, đôi khi sự “đánh đổi giữa môi trường và phát triển” chưa được cân nhắc cẩn thận trong quá trình thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM, có thể dễ dàng chuyển thành “bỏ qua”. Nhiều dự án gây hậu quả lớn tới môi trường, không có giá trị cao về mặt kinh tế vẫn được thông qua.

 

Thực trạng này cho thấy các quy định hiện hành dù đã xác định rõ chủ thể thẩm định báo cáo ĐTM song chưa đủ để ràng buộc trách nhiệm của họ trong việc đảm bảo chất lượng của báo cáo. Theo quy định, trách nhiệm tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM còn thuộc về Hội đồng thẩm định nhưng trách nhiệm của đối tượng này với kết luận thẩm định vẫn còn bỏ ngỏ. Hơn nữa, trách nhiệm của Tổ chức dịch vụ thẩm định dù đã được luật xác định song mới chỉ dừng lại là chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan tuyển chọn dịch vụ thẩm định về kết quả thẩm định của mình mà không rõ sẽ chịu trách nhiệm như thế nào. Sự sơ hở đó của pháp luật dễ dẫn tới tình trạng khó xác định được trách nhiệm thuộc về chủ thể nào khi báo cáo ĐTM đã được phê duyệt mà dự án vẫn làm tổn hại đến môi trường xuất phát từ chất lượng của báo cáo.

 

Hoạt động hậu thẩm định, hậu giám sát cũng là khâu quan trọng không thể thiếu song vẫn còn bỏ ngỏ ở nước ta, hiện nay mới chỉ có 10% các ĐTM được hậu thẩm định. Chính vì vậy mà các chuyên gia môi trường cho rằng, bên cạnh việc rà soát lỗ hổng của pháp luật, quy định những chế tài nghiêm khắc hơn đối với các vi phạm nghĩa vụ từ việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện báo cáo ĐTM thì nâng cao nhận thức và đạo đức của cả quan trí và dân trí là điều cần thiết và không thể thiếu trong giai đoạn hiện nay.


TH

Ý kiến bạn đọc