Trong nhiều vụ cướp tiệm vàng, mức độ táo tợn, phi nhân tính của bọn tội phạm không dừng lại ở sự manh động, tự phát mà được đẩy lên thành "tội ác chuyên nghiệp", ẩn dưới vỏ bọc của những băng nhóm có tổ chức.
Để ngăn chặn hiện tượng bạo lực này, ngành tòa án, kể cả hệ thống tư pháp không thể đủ sức thực hiện mà cần sự chung tay của cả cộng đồng, ngăn chặn tội ác từ chính ý thức tôn trọng pháp luật của công dân. PV đã có cuộc trao đổi với bà Đặng Thị Thanh, nguyên phó Chánh Toà hình sự, Toà án Nhân dân Tối cao để cùng mổ xẻ nguyên nhân của những vụ án chấn động này.
Ảnh hưởng từ những vụ án đã xảy ra
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra những vụ cướp tiệm vàng với mức độ vô cùng nghiêm trọng. Theo bà, nguyên nhân do đâu mà những vụ việc này lại xuất hiện với tần suất khá dày như vậy?
Sau vụ thảm án Lê Văn Luyện giết 3 mạng người khi cướp tiệm vàng tại Bắc Giang gần hai năm trước, dư luận tiếp tục sửng sốt trước những vụ cướp tiệm vàng ngày càng tinh vi, táo bạo xảy ra trên địa bàn cả nước. Tính chất, mức độ phạm tội cũng nghiêm trọng hơn rất nhiều. Không chỉ sử dụng hung khí thông thường như dao, kiếm, nhiều tội phạm còn sử dụng vũ khí nóng có độ sát thương cao như súng, mìn tự chế hoặc thuốc nổ... Với cách thức gây án này hậu quả xảy ra sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng loại tội phạm này. Do sự phát triển quá nhanh của xã hội, ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường xung quanh, từ phim ảnh, Internet, game bạo lực, thậm chí từ chính những vụ cướp từng xảy ra trước đó. Không ít đối tượng phạm tội bị kích động bởi những vụ cướp trước đó và học tập theo.
Bà Đặng Thị Thanh |
Phải chăng chính tâm lý "chuộng" vàng của người dân đã và đang tạo cơ hội cho tội phạm nhắm vào các tiệm vàng để ra tay, thưa bà?
Sở dĩ những đối tượng phạm tội chọn tiệm vàng để ra tay bởi vàng có giá trị cao, dễ cất giấu, lại dễ tiêu thụ. Không những thế, nhiều cơ sở kinh doanh vàng không được trang bị các thiết bị bảo vệ hiện đại mà chủ yếu do gia đình tự kinh doanh bảo vệ nên đối tượng phạm tội dễ dàng tiếp cận. Hoạt động buôn bán cũng diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật nên mọi quy luật đều nằm trong tầm ngắm của tội phạm. Chỉ cần chủ cửa hàng sơ hở, tội phạm có thể dễ dàng thực hiện hành vi gây án. Cũng cần nói thêm, bối cảnh kinh tế khó khăn, cộng với tâm lý "chuộng" vàng của người dân đã và đang tạo cơ hội, môi trường phát triển các loại tội phạm nhắm vào các tiệm vàng với tính chất manh động, nguy hiểm ngày càng tăng cao.
Bà nghĩ sao khi nhiều ý kiến cho rằng những đối tượng cầm đầu các vụ cướp tiệm vàng này ngày càng trẻ hóa?
Đúng là độ tuổi gây án ngày càng trẻ hóa. Ngoài sự thiếu hiểu biết của một bộ phận vị thành niên, các em còn bị kích động bởi những tác động đến từ môi trường xung quanh. Những hệ lụy xấu từ xã hội đã dẫn đến việc hoàn thiện nhân cách của một bộ phận giới trẻ bị méo mó. Trẻ vị thành niên thường rất hiếu động, thích thể hiện, thích đua đòi. Nếu gặp những tác động không tốt, với nhiều yếu tố tiêu cực sẽ làm cho nhân cách của các em bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng. Đó chính là những nguyên nhân chính, trực tiếp trẻ hoá tội phạm trong thời gian gần đây. Nhiều ý kiến cho rằng nên hạ thấp tuổi vị thành niên để xử lý hình sự hoặc đề xuất tăng nặng khung hình phạt nhưng đến nay vẫn chưa đi đến thống nhất. Theo tôi, giải pháp này sẽ vấp phải nhiều rào cản, vì chúng ta đã tham gia các công ước, cam kết quốc tế về quyền trẻ em, muốn thay đổi sẽ rất khó.
Kẽ hở từ khâu quản lý vũ khí
Để cướp tiệm vàng, đối tượng phạm tội còn sử dụng cả những vũ khí có độ sát thương cao như súng, mìn tự chế hoặc thuốc nổ. Khi bị phát hiện chúng chống đối kịch liệt, thậm chí sẵn sàng xuống tay sát hại những người kháng cự. Rõ ràng, bọn tội phạm đã tỏ ra liều lĩnh, táo tợn hơn trước rất nhiều, thưa bà?
Hồi còn công tác trong ngành tòa án, tôi nhớ những vụ án cướp tiệm vàng xảy ra không nhiều, một phần do số tiệm vàng không nhiều như bây giờ. Nhưng thời gian gần đây, số lượng các vụ cướp tiệm vàng không chỉ tăng về số lượng mà kéo theo cả tính chất, mức độ nghiêm trọng. Nhiều tên tội phạm còn sử dụng cả súng, mìn tự chế để gây án. Có thể kể đến vụ cướp tiệm vàng tại phố Nguyễn Thái Học (Ba Đình, Hà Nội). Đối tượng đã mày mò chế tạo hai quả mìn 10kg và 2,8kg cùng em trai gây ra vụ cướp tại tiệm vàng. Tuy vụ cướp thất bại, song do quả mìn phát nổ đã khiến 15 người bị thương, rất may không có ai thiệt mạng. Mới đây nhất là vụ cướp tiệm vàng tại Thái Nguyên ngay giữa ban ngày. Bị người dân phát hiện, tên cướp nổ súng liên tiếp rồi tìm cách tháo chạy, tuy nhiên đã tóm gọn. Rõ ràng hành vi phạm tội ngày càng táo tợn và manh động hơn trước rất nhiều.
Phải chăng, công tác quản lý vũ khí, chất nổ của chúng ta hiện nay vẫn còn bộc lộ kẽ hở?
Rõ ràng, công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ hiện nay còn nhiều kẽ hở. Tôi được biết, một lượng không nhỏ tiền chất có thể tạo cháy nổ chưa được quản lý chặt chẽ. Với những loại hóa chất nguy hiểm, có thể chế được vật liệu nổ thì chúng ta phải tập trung để quản lý. Người ta gọi đó là hóa chất "key", tiền chất hay còn gọi là hóa chất chìa khóa để có thể điều chế thuốc nổ, nếu không có loại hóa chất đó thì không thể nổ được. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức và quản lý tốt không để cho thanh niên và trẻ vị thành niên sử dụng vũ khí quân dụng trái phép, tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời thu giữ vũ khí - hàng nóng để hạn chế các hành vi phạm tội manh động.
Trân trọng cảm ơn bà!
Ý kiến bạn đọc