(VnMedia)- Theo quy định tại Nghị định 47/2013/NĐ-CP, từ ngày 27/6/2013 tới đây, các phạm nhân bị kết án tử hình sẽ được thi hành án bằng tiêm thuốc độc.
Ảnh minh họa |
Ngày 13/5/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành Nghị định 47/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 82/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định về thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Nghị định có hiệu lực từ 27/6/2013. Nghị định cũng nêu rõ, "bảo đảm nguồn cung ứng thuốc để sử dụng thi hành án tử hình theo kế hoạch dự trù thuốc hàng năm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; hướng dẫn bảo quản, sử dụng các loại thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình; chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành danh mục, liều lượng thuốc để sử dụng cho thi hành án tử hình".
Trước thời điểm Nghị định 47 có hiệu lực, tại Nghị trường Quốc hội, một số đại biểu đã đặt câu hỏi: Luật thi hành án hình sự có hiệu lực đã 2 năm, theo báo cáo của Viện trưởng, tại kỳ họp này hiện có 568 người bị kết án tử hình chưa thi hành án được, do chưa có thuốc độc. Qua giám sát của Ủy ban Tư pháp, chúng tôi thấy áp lực trách nhiệm đối với cơ quan giam giữ rất lớn. Hà Nội hiện có tới 76 người chờ thi hành án tử hình, trong khi chỉ có 62 phòng giam cho đối tượng này. Ở đâu cũng thế, điều kiện giam giữ ngặt nghèo, thời gian giam giữ cho bị án quá lâu, có bị án đã 5 đến 6 năm chưa thi hành án được, tâm lý căng thẳng bao trùm, không chỉ đối với phạm nhân mà còn căng thẳng đối với cán bộ, chiến sĩ quản lý đối tượng này, ngay cả phạm nhân cũng chịu không nổi, có những phạm nhân đã viết đơn xin được thi hành án?...
Ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết: Hiện nay chúng ta còn hơn 586 bản án đã tuyên. Trong đó có khoảng 117 bản án đã có điều kiện thi hành. Chúng tôi cũng rất chia sẻ ý kiến của đại biểu, những áp lực đối với bị cáo và áp lực đối với cơ quan giam giữ. Thực ra thì kéo dài tình trạng pháp lý đối với bị cáo cũng là một phần nhân đạo của nền tư pháp.
Cho nên xuất phát từ việc này, chúng tôi cũng đã có báo cáo trong kỳ họp trước với Quốc hội. Giải pháp của chúng tôi, một mặt là tăng cường kiểm sát giam giữ, dẫu rằng đã có bản đã tuyên nhưng vẫn chưa thi hành thì mọi chế độ vẫn phải đảm bảo. Hơn nữa số này quá nửa là mắc bệnh nguy hiểm, lây nhiễm, nên các chế độ chăm sóc y tế vẫn phải đảm bảo. Giam giữ cũng phải chặt chẽ để tránh những hậu quả pháp lý ví dụ như trốn, tự sát v.v...
"Còn giải pháp lâu dài, chúng tôi cũng vẫn kiên trì phối hợp với Bộ Công an, tôi cũng biết là Bộ Công an cũng rất tích cực báo cáo Chính phủ để phối hợp với Bộ Y tế để có thông tư. Có sửa thông tư rồi để thực thi việc này nhưng về lâu dài chúng tôi vẫn đề nghị với Quốc hội xem xét đến việc sửa lại Luật thi hành án tử hình, trong điều kiện hiện nay, cho phép tồn tại song song hai hình thức: hình thức cũ là bắn và hình thức mới tiêm thuốc độc".
Ông Nguyễn Hòa Bình cũng nhấn mạnh rằng, dẫu chúng ta có thay đổi tên thuốc hay gì đó thì thực tế vẫn còn nhiều khó khăn khác chứ không phải chỉ có dừng lại ở chỗ tên thuốc.
Về vấn đề này, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, căn cứ vào Luật thi hành án hình sự, Bộ Công an đã khẩn trương triển khai việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc và chúng tôi đã ban hành những quy trình để tiến hành thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
"Chúng tôi đã tập huấn cho đội ngũ thi hành án hình sự trong công an nhân dân và quân đội nhân dân để áp dụng hình thức này. Chúng tôi cũng đã xây dựng 5 cơ sở để thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc ở 5 khu vực trong cả nước, nhưng có một điều khó khăn đó là chúng ta chưa có thuốc độc để thi hành án do Nghị định số 82 ngày 16/9/2011 của Chính phủ vì phải nhập loại thuốc đó ở nước ngoài. Chính vì khó khăn đó cho nên chưa thực hiện được việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc", Bộ trưởng Trần Đại Quang nói.
Để khắc phục tình trạng đó, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Y tế và các ngành chức năng kiến nghị với Chính phủ và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47 ngày 13/5/2013 thay thuốc đó bằng nguồn thuốc sản xuất trong nước. Nghị định 47 của Chính phủ sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 27/6/2013, sau khi nghị định có hiệu lực thì chúng tôi sẽ tiến hành ngay hình thức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Xin báo cáo Quốc hội rõ việc đó.
Ý kiến bạn đọc