Vào trại giam gặp… thiêu thân

17:08, 02/04/2013
|

Không dừng lại ở những con bạc thua cháy túi tại các casino giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, bọn đầu nậu ma túy còn săn lùng con mồi là Việt kiều ở các nước châu Âu, đặc biệt tại các sòng bài hạng sang ở Australia. Với thủ đoạn tiếp cận “con mồi” lúc phá sản và vạch ra cứu cánh hốt bộn bạc từ việc vận chuyển, buôn bán hêrôin, phường đầu nậu câu được rất nhiều thiêu thân.

Cũng từ đây, câu chuyện của những Việt kiều - những con người vì kế sinh nhai phải rời bỏ quê hương đi tìm thiên đường ở quốc gia khác chỉ vì máu đỏ đen để rồi tự biến mình thành tay chân, thành mắt xích của các đường dây buôn ma túy xuyên lục địa được tiếp nối liên tục bởi nhiều bi kịch thảm khốc!

Trần Văn Việt là một trong số đông thiêu thân casino “chết” vì hêrôin như thế. Để tường tận hơn hành trình biến anh ta từ một Việt kiều trở thành trọng phạm suýt phải nhận án tử, chúng tôi đã đến Trại giam Thủ Đức (Bộ Công an) tìm gặp Việt. Việt sinh năm 1975, quốc tịch Australia, hiện thi hành án tại Phân trại 1.  Vừa gặp mặt, Việt khẩn khoản đề nghị: “Anh viết đi, hãy viết tôi đã từng có tất cả và mất tất cả vì máu đỏ đen bắc cầu đến với ma túy”.

1. Khi biết mục đích tìm gặp của chúng tôi, phạm nhân Trần Văn Việt, rất sốt sắng. Anh ta mở đầu hành trình đưa mình từ con nghiện casino trở thành tội phạm ma túy nguy hiểm bằng thái độ giận trách chính mình khi đã đẩy người thân vào bi kịch cách xa ngàn dặm, vợ đầu tắt mặt tối đảm đương cùng lúc vai trò của người vợ, người chồng nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn.

Và những đứa trẻ lớn lên nơi xứ người với nỗi mặc cảm cha là tội phạm ma túy bị bắt giam, bị trừng phạt tại chính nơi đất mẹ của mình. "Tội của tôi khó mà dung thứ được" - Việt lại trầm giọng: "Nếu không lỡ lầm, có lẽ giờ này vợ chồng tôi cùng 3 đứa nhỏ đang quây quần bên mâm cơm gia đình và nói những chuyện về Việt Nam. Hồi trước khi tôi về Việt Nam và bị bắt, gia đình tôi cũng từng có những khoảnh khắc đầm ấm đó. Nhưng…".

Trần Văn Việt bỏ lửng câu nói trong nỗi buồn vô hạn. Sau sẻ chia cũng vì hành vi nông nổi ấy mà khi bố mẹ mất chẳng thể gặp mặt lần cuối, Việt hướng ánh mắt thất thần về phía trước, ánh mắt đong đầy niềm nuối tiếc, nhòa đi với những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt sạm đen.

Ánh mắt này của Việt gợi chúng tôi nhớ đến ánh mắt của bị cáo Chu Hoàng Mai (51 tuổi) ở phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm TAND TP HCM hơn 3 năm trước. Mai cũng như Việt, cũng quốc tịch Australia và bị tòa đưa ra xét xử với tội danh liên quan đến ma túy.

Còn nhớ hôm được dẫn giải ra tòa án, Chu Hoàng Mai dáng tiều tụy, chị ta khóc thảm thiết khiến ai thấy đều mủi lòng. Nhưng khi biết Mai vì máu mê cờ bạc, vì nhiều lần đi “chinh chiến” tại Crown Casino ở Melbourne - Australia (casino hạng sang chuyên tập trung đông con bạc gốc Việt) mà túng quẫn rồi làm liều vận chuyển heroin từ Việt Nam sang Australia với tiền công 5.000 AUD (đôla Australia)/cục, những người tham dự phiên xét xử mới rõ nữ Việt kiều này chẳng phải tay vừa. 20h ngày 11/6/2008, khi đang làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất, Chu Hoàng Mai bị bắt với 3 cục hêrôin "ém" trong… hậu môn.

Lúc bị tòa tuyên mức án 20 năm tù, Chu Hoàng Mai đã khóc nức nở. Rồi chị ta ngồi thất thần với ánh mắt như ánh mắt mà chúng tôi thấy ở Trần Văn Việt!

2. Tiếng bạn tù cười nói lao xao đã "đánh thức" Trần Văn Việt về với thực tại. Hỏi bị bắt vào thời gian nào, nhập trại khi nào, cùng phạm tội với những ai, họ tên của những đồng phạm ngày ấy?... Việt bảo chuyện đã lâu quá rồi, anh ta không nhớ rõ. "Tôi chỉ biết rằng mình ở tù đã gần 10 năm. Đồng phạm với tôi trong vụ vận chuyển ma túy xuyên quốc gia ấy, có người hiện vẫn đang bị Công an Việt Nam truy nã, có người nay đã là người thiên cổ vì bị  tuyên án tử hình".

Trần Văn Việt kể anh ta theo gia đình vượt biên vào năm 1981 rồi sống trong trại tị nạn tại Malaysia. "Ở được một thời gian, tôi và một số người thân được sang Australia. Rồi tôi lấy vợ, sinh con, cuộc sống gia đình chẳng khá giả nhưng ấm êm, chan hòa, nói chung đó là một gia đình hạnh phúc".

Ở Australia, Việt như Chu Hoàng Mai, sinh sống bằng nghề thợ may. Nếu như Mai bỏ đường kim mũi chỉ đến với hêrôin bởi lý do mà như chị ta khai với Cơ quan điều tra "bị chồng bỏ, bị bệnh nan y không có tiền chữa trị, buồn quá vào casino giải khuây thua sạch tiền nên bị đầu nậu dụ dỗ vận chuyển hêrôin" thì hành trình lầy của Trần Văn Việt cũng tương tự, cũng va vướng vào nợ nần bởi trò đỏ đen và lúc bại sản thì muốn làm giàu tốc độ từ cái chết trắng!

Lật lại hồ sơ vụ án, chúng tôi được biết từ tháng 2/2003, Lê Thị Hồng Phương (quốc tịch Australia) bật mí cho Trần Văn Thành (48 tuổi, người tỉnh Lâm Đồng, cùng quốc tịch Australia và cũng là con bạc có mặt thường trực ở casino như Việt) rằng có 2 bánh hêrôin chất lượng cao đang kẹt ở Việt Nam và ngỏ ý nhờ Thành tìm mối bán giúp với giá 10.500 USD/bánh. Trước cám dỗ ấy, Thành bàn với Trần Văn Việt, gợi ý Việt tham gia bởi nếu phi vụ trót lọt sẽ kiếm khoản lợi gấp hàng chục lần vốn bỏ ra.

"Thấy bùi tai, tôi đồng ý và thống nhất rằng Thành đảm đương trọng trách về Việt Nam mua hàng và vận chuyển sang Australia. Còn tôi sẽ lo khâu nhận và tiêu thụ hàng. Chúng tôi nhiều lần thảo luận và bàn bạc cách thức giấu hêrôin sao cho không bị phát hiện. Sau cùng tôi và Thành thống nhất cho hêrôin vào ống nhựa rồi luồn ống nhựa vào khe của cánh cửa container, sau đó hàn kín lại và vận chuyển bằng đường biển".

Sau khi thống nhất phương án, tháng 2/2003, Trần Văn Thành từ Úc về Việt Nam. Rắp tâm thực hiện phi vụ buôn hàng trắng siêu lợi nhuận, trong hành trang xuyên lục địa của mình, Thành đem những vật dụng như kìm bấm, đinh keo, ống nước, mũi khoan…

"Khi ấy tôi gửi cho Thành 10.000 USD và 13 ĐTDĐ hiệu Nokia để Thành về Việt Nam bán lấy đó làm vốn mua ma túy. Một tháng sau tôi nhập cảnh vào Việt Nam và nói với Thành rằng chỉ đủ tiền mua 1 bánh hêrôin. Nghe vậy Thành bắt mối và quyết định bán bánh còn lại cho Nguyễn Đức Hiệp cũng là Việt kiều Úc với giá 10.500 USD".

Theo hồ sơ vụ án, thực hiện phi vụ giao dịch thứ hàng chết người này, bà trùm Lê Thị Hồng Phương từ Australia đã điện thoại cho cháu gái của mình ở TP HCM là Lê Thị Loan trực tiếp giao hàng cho Thành và Việt. "Nhận được hàng, lúc đầu chúng tôi định đưa về Úc theo đường biển nhưng sau linh cảm thấy không an toàn nên tôi về Australia, để hàng lại Việt Nam cho Thành trông coi và  chờ cơ hội" - Trần Văn Việt kể lại sự việc.

Tháng 6/2003, trước khi về Việt Nam, Trần Văn Việt trao đổi với Phạm Martin (tức Quang “hói”, Việt kiều Australia) và Quang đồng ý mua bánh hêrôin của Việt. Thỏa thuận giá cả rồi, 2 tay Việt kiều liều này nhập cảnh vào Việt Nam, tìm đến gặp kẻ dắt mối Trần Văn Thành để nhận hàng.

Ngày 29/6/2003, sau khi thỏa thụân phương thức giao dịch là dùng đồng xu để làm ám hiệu khi trao đổi hàng tiền, Quang “hói” sai đàn em là Phạm Đại Nhơn đến khách sạn Đông Á nằm trên đường Bùi Viện (quận 1) tiến hành việc nhận hàng thì bị Cơ quan Phòng chống tội phạm ma túy, Bộ Công an bắt quả tang.

Tại hiện trường, Cơ quan điều tra thu giữ một túi vải có đôi giày thể thao màu trắng, trong đế giày được các đối tượng "ém" 2 túi chất bột màu trắng. Kết quả giám định chất ấy là hêrôin với tổng trọng lượng 682,7 gram.

"Qua đấu tranh khai thác, Nhơn khai ra cả thảy, trong đó có tôi và sau đó lần lượt chúng tôi bị bắt tạm giam phục vụ cho quá trình điều tra. Tại Cơ quan Công an, biết chẳng thể chối tội, tôi đã thú nhận tất cả" - Trần Văn Việt, kể lại.

3. Sau một thời gian mở rộng điều tra vụ án, tháng 11/2004, đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia của nhóm Việt kiều Australia do Trần Văn Thành cầm đầu được TAND TP HCM đưa ra xét xử. Trần Văn Việt nhớ lại cái khoảnh khắc định mệnh ấy: "Tại tòa, các thành viên HĐXX đều nhận định hành vi buôn bán hêrôin của chúng tôi rất nguy hiểm cho xã hội, cần phải xử nghiêm mới mong có tính chất răn đe.

Trên cơ sở đó, tòa tuyên Trần Văn Thành mức án tử hình, Phạm Martin và tôi mức án chung thân, Lê Thị Loan bị 20 năm tù,  Phạm Đại Nhơn 16 năm vì tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Riêng Lê Thị Hồng Phương và Nguyễn Đức Hiệp sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã quay về nước nên Cơ quan điều tra tiếp tục phối hợp với Cảnh sát liên bang Australia bắt xử lý sau".

Trước án tử đến gần, Trần Văn Thành kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng với hành vi tội phạm nghiêm trọng chẳng thể dung thứ, chiều 21/3/2005, dẫu khi nói lời sau cùng bày tỏ sự ăn năn hối hận những mong được sự khoan hồng nhưng lời sám hối muộn ấy chẳng giúp Thành thoát án tử. Từ đó đến nay đã hơn 7 năm, có lẽ Trần Văn Thành đã phải đền tội.

Trần Văn Việt chép miệng: "Ngẫm lại tôi thấy dẫu gì mình cũng là người may mắn. Nếu khi ấy tôi có đủ tiền để mua 2 bánh hêrôin, biết đâu giờ này tôi đã chẳng thể giữ được mạng sống".

Sau phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm, khi được HĐXX cân nhắc cho cơ hội làm lại cuộc đời với án tù chung thân thay vì "nhiều khả năng xử tử", Trần Văn Việt cho biết, anh ta đã không kháng cáo và khi được đưa đi thi hành án tại Trại giam Thủ Đức, anh ta đã cố gắng tu dưỡng chuộc lại lỗi lầm, những mong có được ngày về dẫu muộn với vợ con. Hỏi vợ con có ghé thăm, Việt thổ lộ mỗi năm một lần, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vợ con anh ta vẫn về Việt Nam thăm chồng, thăm bố.

"Tội tôi lớn như vậy nhưng vợ con không bỏ mặc tôi, điều đó càng khiến tôi ăn năn, day dứt. Cũng chính tình yêu thương đó đã giúp tôi có thêm động lực tu dưỡng, nuôi hy vọng ngày trở về". Trần Văn Việt thổ lộ như thế và bày tỏ sự cảm kích khi thường xuyên được các cán bộ quản giáo quan tâm, động viên.

Khi mất, người ta mới biết mình đã từng có. Với trường hợp của Trần Văn Việt, lúc chưa phạm tội, anh ta không nhận biết, chẳng hề trân trọng tổ ấm của mình dẫu còn gặp nhiều khó khăn nhưng các thành viên trong gia đình luôn quây quần, quan tâm lẫn nhau.

"Với những gì đã trải qua, tôi muốn chia sẻ rằng trong nhiều chừng mực, tiền bạc chẳng mang lại hạnh phúc, nhất là những đồng tiền bất chính. Đã có lắm lúc tôi nhắm mắt mường tượng rằng nếu phi vụ ấy tôi thực hiện trót lọt, chắc rằng khi đã nhúng chàm rồi, tôi khó tránh khỏi sa lầy lần thứ 2, thứ 3 với lần sau phạm tội nghiêm trọng hơn lần trước và sớm muộn rồi cũng có kết cục chẳng thể tránh được như Trần Văn Thành”.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc