(VnMedia)- Theo đúng quy định của Thông tư 11 được Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Trần Đại Quang ký ngày 1/3, từ hôm nay, 15/4, hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định sẽ bị xử lý theo quy định.
Cụ thể, thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; nếu công an phát hiện người mua hoặc người bán không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe theo quy định tại Thông tư của Bộ Công an quy định về đăng ký xe trong thời gian 30 ngày sẽ bị xử phạt 800.000 - 1.200.000 đồng (với mô tô, xe máy) và 6 - 10 triệu đồng (với ô tô).
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hiện cả nước có khoảng 35 triệu xe máy, 1,9 triệu ô tô cá nhân; khoảng 40% trong số này là xe không chính chủ. Để giải quyết cho những xe chưa sang tên đổi chủ này cần ít nhất hai năm nữa. Riêng tại Hà Nội, thống kê của phòng Quản lý phương tiện - PC67 Hà Nội, từ ngày 1 đến 12/4, PC67 đã làm thủ tục sang tên đổi chủ cho trên 3.000 xe.
Ảnh minh họa |
Mặc dù quy định xử phạt xe không chính chủ được áp dụng từ hôm nay, tuy nhiên, theo yêu cầu của Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) và các lực lượng cảnh sát khác được huy động tham gia công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông không yêu cầu người điều khiển phương tiện phải chứng minh là xe đi mượn, xe của gia đình... để kiểm soát phát hiện vi phạm và xử phạt hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”.
Trong quá trình thực hiện công tác đăng ký, sang tên, di chuyển xe, lực lượng CSGT cũng không xử phạt các trường hợp làm thủ tục sang tên, di chuyển theo quy định của Thông tư số 12/2013/TT-BCA ngày 1/3/2013 của Bộ Công an quy định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 20 Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 quy định về đăng ký xe.
Đối với trường hợp phương tiện vi phạm hành chính về giao thông đường bộ mà bị tạm giữ, lực lượng CSGT sẽ xác định hành vi vi phạm “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” thông qua xác minh hoặc qua cơ sở dữ liệu đăng ký xe chứ không yêu cầu người vi phạm hoặc chủ phương tiện phải chứng minh.
Nếu hết thời hạn tạm giữ phương tiện, nhưng không xác định có hành vi vi phạm “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”, thì người có thẩm quyền phải ra quyết định xử phạt đối với hành vi đã vi phạm và làm thủ tục trả phương tiện theo quy định.
Ý kiến bạn đọc