Lấy ý kiến dân cho nghị định tố cáo trong ngành công an

21:05, 16/04/2013
|

(VnMedia)- Để ngăn chặn và xử lý sai phạm của cán bộ, chiến sỹ công an, góp phần xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, Bộ Công an chuẩn bị trình Chính phủ Dự thảo Nghị định Quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.

Dự thảo Nghị định quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, chiến sỹ Công an trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh trật tự; trách nhiệm của cơ quan, Thủ trưởng, cán bộ, chiến sỹ Công an trong việc bảo vệ người tố cáo; quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Dự thảo Nghị định không điều chỉnh về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, chiến sỹ Công an trong các lĩnh vực tố tụng hình sự, thi hành án hình sự và hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, vì Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự đã quy định cụ thể nội dung này; đồng thời cũng không điều chỉnh các hành vi vi phạm phẩm chất đạo đức, tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sỹ Công an (Bộ Công an sẽ quy định ở văn bản khác).

Về đối tượng áp dụng của Nghị định đối với công dân, cán bộ, chiến sỹ Công an trong việc thực hiện quyền tố cáo; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có hành vi bị tố cáo; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc giải quyết tố cáo; tố cáo của cá nhân nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an nhân dân, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Tố cáo, giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự

Bộ Công an được Chính phủ giao chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội (gọi chung là an ninh trật tự), theo đó lực lượng Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác đối với các vi phạm trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh trật tự.

Dự thảo Nghị định quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo trong lĩnh vực này (Điều 12) theo hướng: Thủ trưởng cơ quan Công an các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an ninh trật tự (theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính) có trách nhiệm giải quyết tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được phân cấp quản lý. Các cơ quan, đơn vị Công an khác liên quan có trách nhiệm phối hợp; trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự mà nội dung có liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan khác ngoài Công an nhân dân thì phải trao đổi với cơ quan chức năng liên quan để thống nhất phân công trách nhiệm chủ trì, phối hợp giải quyết; cán bộ, chiến sỹ Công an vi phạm pháp luật trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực nào thì người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đó giải quyết, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an nơi quản lý cán bộ, chiến sỹ Công an bị tố cáo có trách nhiệm phối hợp khi có yêu cầu.

Về thời hạn, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo, dự thảo Nghị định dẫn chiếu các điều quy định trong Luật Tố cáo và một số quy định trong Nghị định về lĩnh vực này tại 2 điều (Điều 13, 14).

Đối với tố cáo có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở xử lý ngay, dự thảo Nghị định quy định về việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo, tiến hành xác minh, áp dụng biện pháp cần thiết để đình chỉ hành vi vi phạm, kịp thời lập biên bản về hành vi vi phạm và ra quyết định xử lý hành vi vi phạm; hồ sơ vụ việc tố cáo loại này được lập chung cùng hồ sơ xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (Điều 15).

Về công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; Trách nhiệm bảo vệ người tố cáo

Trong phần này, dự thảo Nghị định quy định việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi bị tố cáo (Điều 16), lực lượng Công an nhân dân chọn hình thức công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi bị tố cáo đối với cán bộ, chiến sỹ Công an bằng việc công bố tại cuộc họp cơ quan nơi cán bộ chiến sỹ đó công tác, gồm đầy đủ các thành phần quy định trong Luật Tố cáo để bảo đảm cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước về cơ cấu tổ chức và biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an; đối với kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự thực hiện theo quy định tại Điểm b, c Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo.

Về bảo vệ người tố cáo: Các quy định về những nội dung này trong Luật Tố cáo và Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo đã quy định tương đối cụ thể, chi tiết và có thể áp dụng trực tiếp cho lực lượng Công an nhân dân nên dự thảo Nghị định chỉ quy định một điều (Điều 17) về trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân, trách nhiệm của Thủ trưởng, cán bộ, chiến sỹ Công an các cấp khi nhận được yêu cầu của người tố cáo phải áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ người tố cáo và người thân thích của người tố cáo.

Hiện, Dự thảo Nghị định này đang được lấy ý kiến nhân dân.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc